Thời gian qua, nghề nuôi tôm tại Quảng Ninh khá phát triển nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt là tình hình dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp, mức độ ảnh hưởng ngày càng rộng.
Để phát triển bền vững nghề nuôi tôm, theo ý kiến của các cơ quan chuyên môn, cơ chế quản lý cộng đồng được coi là một trong những giải pháp quan trọng. Triển khai cơ chế này sẽ giúp người nuôi tôm nâng cao ý thức trong việc phòng chống dịch bệnh, bảo vệ môi trường vùng nuôi, hạn chế ô nhiễm nguồn nước, liên kết, hỗ trợ nhau trong khâu kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm và cùng tiêu thụ sản phẩm…
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã thả nuôi gần 9.900ha tôm, trong đó có gần 2.900ha nuôi tôm thẻ chân trắng. Tuy nhiên, dịch bệnh hoại tử gan, tụy cấp tính và bệnh đốm trắng trên tôm nuôi đã xuất hiện ở hầu hết các vùng nuôi tập trung với 7/10 địa phương nuôi tôm trong tỉnh xuất hiện dịch bệnh. Tính đến hết tháng 6, toàn tỉnh đã có trên 521 ha tôm của 793 hộ bị thiệt hại do dịch bệnh. Trong đó, thiệt hại nặng nhất là Móng Cái với trên 486ha tôm nuôi của 764 hộ đã bị dịch bệnh, bằng 41,78% diện tích nuôi tôm trên địa bàn, thiệt hại về kinh tế ước tính lên tới trên 150 tỷ đồng. Mặc dù đã có nhiều cố gắng trong công tác quy hoạch phát triển, phòng, chống dịch nhưng tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi đã và đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường.
Anh Ngô Văn Diệm, khu 7, phường Hải Hòa (Móng Cái) đang xử lý môi trường trước khi thả giống tôm.
Bên cạnh nguyên nhân khách quan là do thời tiết nắng nóng kéo dài làm gia tăng độ mặn, lượng mưa thấp nên dịch bệnh trên tôm nuôi có nhiều diễn biến phức tạp, đặc biệt dịch bệnh hoại tử gan cấp tính, bệnh đốm trắng trên tôm nuôi thì nguyên nhân chủ quan cũng được xác định là do ý thức tự giác và tinh thần cộng đồng trách nhiệm của các hộ nuôi trong việc quy hoạch các khu nuôi của từng hộ dân chưa phù hợp, chưa đảm bảo đủ các công trình phụ trợ như hệ thống cấp và thoát nước, hệ thống ao chứa lắng và xử lý… Ngoài ra, công tác quản lý và sử dụng nguồn nước (kể cả lấy nước vào xả thải ra), be bờ, đắp đập, cải tạo ao đầm, chấp hành thả nuôi theo lịch thời vụ, phòng trừ dịch bệnh, trao đổi hỗ trợ kinh nghiệm kỹ thuật sản xuất trong từng tiểu vùng chưa thực sự hiệu quả. Việc tạo điều kiện cho hỗ trợ kỹ thuật, tổ chức chỉ đạo điều hành và quản lý sản xuất của các ngành, các cấp, các cơ quan chuyên môn hiệu quả chưa cao.
Chính vì vậy, để phát triển bền vững nuôi trồng thủy sản, thực hiện cơ chế quản lý cộng đồng trong nuôi tôm được coi là giải pháp tích cực để hạn chế những rủi ro trong nuôi tôm. Theo đó, cần tập trung tuyên truyền về vai trò, tầm quan trọng của cộng đồng trong quản lý môi trường nuôi tôm, trang bị ý thức về trách nhiệm, tính tự giác chấp hành các quy định về phòng, chống dịch bệnh, quản lý kỹ thuật, nước thải trong quá trình nuôi; tuyên truyền kiến thức pháp luật trong việc xả thải nước ô nhiễm, mang nguồn bệnh ra môi trường. Bên cạnh đó, tại các tiểu vùng nuôi, cần hình thành các hợp tác xã trên cơ sở mối quan hệ cộng đồng họ hàng, người thân để góp đất, góp vốn quy hoạch lại các vùng nuôi đảm bảo đủ tỷ lệ về diện tích của các công trình phụ trợ phục vụ ao nuôi. Thực tế cho thấy, các ổ dịch xuất hiện từ các hộ nuôi thiếu điều kiện phòng dịch lây lan sang các hộ nuôi bên cạnh và tạo thành dịch trên diện rộng.
Mặt khác, khi thực hiện cơ chế này, việc hỗ trợ tín dụng cho các hợp tác xã hoạt động từ nguồn ngân sách nhà nước được xây dựng để kiểm soát tốt chất lượng và giá cả đầu vào của con giống, thức ăn, hóa chất, chế phẩm sinh học phục vụ cả quá trình nuôi. Đồng thời sẽ phối hợp nhanh với các cơ quan quản lý để triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh khi tình huống xảy ra.
Theo ông Nguyễn Bá Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Quảng Ninh, quy chế trước khi áp dụng phải được sự tham gia đóng góp ý kiến của tất cả thành viên trong tổ tự quản hoặc hợp tác xã. Trên cơ sở đó, các hộ thống nhất mùa vụ thả nuôi, cùng tiến hành cải tạo ao theo đúng kỹ thuật. Mua giống tại một cơ sở và thả cùng thời điểm. Việc cấp và thoát nước phải chịu sự giám sát của Ban điều hành, nhất là khi có bệnh nguy hiểm cần xử lý thì phải dập dịch đúng quy định. Các tổ viên thường xuyên họp mặt trao đổi thông tin và kinh nghiệm. Ngoài ra, các hộ nuôi cần tuyệt đối tuân thủ đúng quy trình nuôi do cán bộ có chuyên môn hướng dẫn. Ban điều hành có trách nhiệm liên hệ các tổ chức, doanh nghiệp để tìm nguồn tiêu thụ với giá cả hợp lý nhất. Bên cạnh đó, áp dụng các biện pháp kỹ thuật khác như luân canh chuyển đổi đối tượng nuôi như cá, cua với các hình thức nuôi ghép nhiều đối tượng nhằm hạn chế rủi ro trong các vùng nuôi tôm đã có dấu hiệu suy thoái về môi trường.
Quản lý cộng đồng trong nuôi trồng thuỷ sản đã được nhiều địa phương trên cả nước áp dụng thành công. Đây là cơ sở quan trọng để người nuôi tôm trên địa bàn tỉnh tham khảo, áp dụng vào sản xuất kinh doanh tại nhóm hộ, đặc biệt ở những vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, vùng nuôi theo VietGAP.