(TSVN) – Ngày 31/8/2020, UBND tỉnh Quảng Ninh ban hành Quy chuẩn QĐCP 08/2020/QN: Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về vật liệu sử dụng làm phao nôi trong NTTS mặn, lợ tại Quảng Ninh. Theo đó, kể từ ngày 1/1/2023 các cơ sở nuôi thủy sản mặn, lợ đang sử dụng vật liệu làm phao nổi hiện có tại thời điểm quy định này có hiệu lực thi hành phải thực hiện việc chuyển đổi toàn bộ vật liệu không phù hợp để đáp ứng quy chuẩn này. Đến nay, sau 2 năm triển khai mới đạt 50% kế hoạch, nên địa phương đang đẩy nhanh tốc độ xóa phao xốp trong nuôi trồng thủy sản (NTTS) trên địa bàn.
HDPE (Hight Density Poli Etilen hay Polyethylene High-Density) có nguồn gốc khai sơ từ PolyEthylene. Nhựa HDPE ra đời bằng cách xâu chuỗi liên tiếp những phản ứng của phân tử Ethylene với nhau. Vào khoảng năm 1950, vật liệu nhựa HDPE được chính thức tham gia vào ngành sản xuất đồ nhựa của thế giới. Ưu điểm là sản phẩm tái chế được, giúp giảm thiểu rác thải ra ngoài môi trường; khả năng chống va đập cao, có thể chịu được sự tác động từ trọng lực lớn; trọng lượng nhẹ; chịu được các hóa chất mạnh, không bị ăn mòn, có khả năng chống nấm mốc, côn trùng hay các loài gặm nhấm phá hoại; độ dẻo dai cao cho phép tạo thành nhiều hình dạng khác nhau theo nhu cầu sử dụng; dưới 40oC sản phẩm từ nhựa HDPE vẫn giữ nguyên hình dáng.
Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên trong cả nước ban hành Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về sử dụng vật liệu nổi trong nuôi trồng thủy sản mặn, lợ. Ảnh: Super Trường Phát
Sử dụng phao nổi và lồng nuôi thủy sản bằng vật liệu nhựa HDPE có kết cấu bền vững, thích ứng được với biến đổi khí hậu, tuổi thọ là khoảng 30 đến 50 năm, có thể thích ứng được với sóng to, gió lớn. Vật liệu nhựa HDPE rất bền, chịu được va đập cao, an toàn với nguồn nước, không bị ăn mòn, rỉ sét bởi môi trường nước biển. Chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản bằng nhựa HDPE còn thân thiện với môi trường, hạn chế bị ảnh hưởng tới môi trường nước, con giống sinh trưởng khỏe mạnh.
Năm 2022, Huyện Vân Đồn đã chỉ đạo các xã, thị trấn tổ chức các đợt cao điểm ra quân thực hiện cắt giảm, chuyển đổi phao xốp là 130 ngày với tổng số phao được tháo dỡ trên địa bàn huyện là 1.678.431 phao, chuyển đổi bổ sung mới được 1.023.943 phao HDPE, trong đó xã Đông Xá cắt giảm được 629.490 phao, đạt 67,7%; xã Hạ Long 519.970 phao, đạt 52%, bằng 90% KH; Bản Sen 272.195 phao, đạt 47%, bằng 55% KH; Thắng Lợi 110.888 phao, đạt 25%, bằng 56% KH; Quan Lạn 65.310 phao, đạt 17%, bằng 34% KH; Thị trấn 44.168 phao, đạt 18%, đạt 9% KH; Ngọc Vừng 28.310 phao, đạt 100% KH; Vạn Yên 7.600 phao; Minh Châu 500 phao. Về kinh phí hỗ trợ xăng dầu cho các xã, thị trấn thực hiện cắt giảm, chuyển đổi phao xốp là 4.019 triệu đồng. Kết quả rà soát từ ngày 24 – 31/12/222 số phao xốp còn lại trên địa bàn là 666 giàn bè, 12.522 dây có khoảng 1.196.257 phao xốp.
Ngày 22/2, tại huyện Vân Đồn, Sở NN&PTNT Quảng Ninh đã tổ chức Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện chuyển đổi vật liệu nổi theo quy chuẩn địa phương. Thông tin tại Hội nghị cho thấy, 2 năm qua, các cơ sở, hộ nuôi thủy sản do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 đến tiêu thụ sản phẩm, giá cả xuống thấp, nguồn vốn đầu tư và tiếp cận vốn ngân hàng của các hộ dân còn có hạn chế. Chất lượng 1 số loại vật liệu nổi thay thế còn chưa đảm bảo. Vật liệu nổi dạng phao nhựa lớn để chuyển đổi đối với các bè nuôi thủy sản theo hình thức giàn bè, nuôi cá lồng còn chưa phù hợp dẫn đến tiến độ chuyển đổi theo quy định của tỉnh còn chậm. Tính đến ngày 20/2/2023, toàn tỉnh có khoảng 2.425.387 quả phao xốp đã chuyển đổi sang phao nhựa theo quy chuẩn kỹ thuật địa phương là 1.203.997 quả, đạt 50%. Số phao xốp còn lại cần phải chuyển đổi 1.221.390 quả. Toàn tỉnh cũng đã có 15 đơn vị sản xuất, cung ứng phao nhựa được công bố hợp quy và đã được Sở NN&PTNT hướng dẫn UBND các địa phương thông báo rộng rãi cho nhân dân và các cơ sở nắm được thông tin, tránh mua phải hàng không đảm bảo chất lượng trong quá trình chuyển đổi.
Ông Ngô Tất Thắng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Ninh cho biết, các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh rất quan tâm chú trọng phát triển kinh tế thủy sản, nhất là hoạt động NTTS trên biển; nhiều hộ dân nuôi trên biển đã có chuyển biến tích cực về nhận thức trong thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về thực hiện chuyển đổi vật liệu nổi thân thiện với môi trường, phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật địa phương; không để phát sinh phao xốp mới và nuôi trồng thủy sản trái phép ngoài quy hoạch. Sở cũng khuyến khích các đơn vị sản xuất phao nhựa dùng trong nuôi trồng thủy sản chủ động đa dạng hóa mẫu mã, kích cỡ sản phẩm theo nhu cầu thực tế sản xuất và hoàn thiện thủ tục công bố hợp quy. Cùng đó, Sở yêu cầu các cơ quan chức năng cần hướng dẫn các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình về giải pháp tháo gỡ khó khăn trong việc hoàn thành thủ tục công bố hợp quy cho các sản phẩm phao nhựa cỡ lớn, có độ bền cao hơn phao xốp, không gây ô nhiễm môi trường, phù hợp với hình thức nuôi biển bằng nhà bè, giàn bè.
Tại cuộc họp trực tiếp kết nối trực tuyến tại điểm cầu 12 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Vân Đồn để nghe báo cáo tiến độ chuyển đổi phao xốp trong hoạt động nuôi trồng thuỷ sản sang vật liệu phù hợp với quy chuẩn địa phương; ông Đào Văn Vũ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Vân Đồn đề nghị các xã xây dựng kế hoạch cụ thể chi tiết số lượng phao xốp thực hiện trong từng ngày để qua đó nâng cao hiệu quả tiến độ thực hiện chuyển đổi phao xốp, đồng thời cũng phải xây dựng quy trình triển khai thực hiện chặt chẽ, để đề phòng các đối tượng cố tình trốn tránh, chây ỳ, chống đối. Đồng thời, đề nghị các phòng ban chuyên môn của huyện tiếp tục khẩn trương, nghiên cứu, đề xuất việc giao, cho thuê mặt nước biển nuôi trồng thuỷ sản; việc quy hoạch vùng nuôi đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và công tác phối hợp đảm bảo an ninh trật tự trên vùng biển để góp phần hoàn thành tiến độ chuyển đổi phao xốp trên địa bàn đến 30/4/2023 theo kế hoạch đề ra.
Hải Lý