Trên chiếc tàu cao tốc mất gần 2 giờ đồng hồ, chúng tôi mới tới được xã đảo Ngọc Vừng (Vân Đồn). Những năm trước đây nếu như ai đó muốn đến đảo đều phải tự thuê tàu hoặc đi nhờ ngư dân thì nay mỗi ngày từ bến cảng Cái Rồng đều có 2 chuyến tàu ra đảo.
Ngọc Vừng là đảo đất, rộng 12 km2 với hơn 1.000 hộ dân sinh sống. Gắn bó gần nửa đời người với đảo, chứng kiến bao sự đổi thay, đồng chí Hoàng Văn Quảng, Bí thư Đảng uỷ xã cho biết: Cách đây khoảng chục năm, đời sống nhân dân trên xã đảo gặp muôn vàn khó khăn, do cách xa đất liền, cả tuần may ra mới có một chuyến tàu ra vào đảo. Ngọc Vừng lúc đó là đảo nhiều thứ không nhất: Không điện, không nước sạch sinh hoạt… ngay cả con đường đi lại trên đảo cũng trở nên lầy lội mỗi khi trời mưa. Ngày đó cả xã chưa đến 1.000 hộ dân, song có tới 62% nghèo “dưới chuẩn”. Những năm gần đây, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, mọi chuyện đã khác, đời sống kinh tế của bà con trong xã đã khá hơn trước rất nhiều. Cơ sở hạ tầng như đường giao thông, trường học, trạm y tế trên đảo được đầu tư xây dựng khang trang; đời sống của người dân cũng được quan tâm hơn. Đặc biệt, Ngọc Vừng có vùng nước mở, có nhiều đảo nhỏ, các vũng vịnh kín gió, nước sạch, bãi triều có nhiều ghềnh đá vô cùng thuận lợi cho người dân nuôi trồng thuỷ sản. Nhận thức được điều đó, chính quyền xã đã xác định đẩy mạnh khai thác nuôi trồng, chế biến thuỷ sản tập trung là ngành kinh tế mũi nhọn của xã. Từ đó, người dân đã dần xoá bỏ được thói quen trông chờ ỉ lại, từng bước tiếp cận cách làm ăn mới, phát huy tiềm năng thế mạnh để thoát khỏi đói nghèo. Nếu như năm 2004, xã có 14 hộ nuôi thí điểm thì đến nay toàn xã đã có gần 150 hộ trồng thuỷ sản với 200 ha mặt nước giao cho người dân. Song song với đó, Ngọc Vừng còn có nhiều tiềm năng lợi thế để phát triển du lịch sinh thái bởi phía đông của đảo có bãi cát trắng thuỷ tinh trải dài. Trong chiến lược phát triển kinh tế của xã đảo này đã xác định việc phát triển kinh tế của địa phương gắn với chủ trương về đầu tư phát triển khu kinh tế Vân Đồn, do đó, xã luôn tạo môi trường thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư, các nguồn vốn phát triển du lịch, khuyến khích các hộ gia đình làm dịch vụ du lịch sinh thái. Đến nay, nhiều gia đình đã có cuộc sống ổn định và từng bước tích luỹ để xây dựng nhà cửa khang trang.
Mô hình nuôi cá lồng bè của gia đình anh Nguyễn Huy Mạnh, thôn Ngọc Nam, xã Ngọc Vừng (Vân Đồn)
Quả thật, Ngọc Vừng hôm nay đã thay đổi lớn. Trên đảo chiếc cầu tàu đón khách du lịch khu vực Cống Yên dài 126 m đã được đầu tư xây dựng. Đi tiếp vào trong trung tâm xã trên con đường xuyên đảo dài 6 km được thảm nhựa, uốn lượn ven những dải đồi thấp ven biển, những ngôi nhà cao tầng khang trang hiện ra, những chiếc xe lam chở người và hàng hoá đi lại tấp nập. Con đường Trường Chinh chạy dọc bãi phi lao dài 3 km tạo thuận lợi cho phát triển du lịch sinh thái. Trên đường dẫn chúng tôi đi thăm gia đình anh Nguyễn Huy Mạnh, thôn Ngọc Nam, một trong những hộ có diện tích nuôi trồng thuỷ sản lớn nhất trong xã, đồng chí Bí thư Đảng uỷ xã phấn khởi khoe: Năm nay xã có thêm nhiều công trình hạ tầng được đầu tư xây dựng như: Trường mầm non, trường tiểu học và trung học, tuyến đường trước cửa UBND xã… Ngay cả chiếc đập tích trữ nước ngọt duy nhất của đảo để phục vụ gieo trồng, trước đây thường xuyên ở dưới mực “nước chết” nay lúc nào cũng đủ nước để cung cấp nước cho toàn xã nên bà con nhân dân trong xã vui lắm.
Anh Nguyễn Huy Mạnh, thôn Ngọc Nam cho biết: Trước đây gia đình chỉ trông chờ vào mấy sào lúa nên quanh năm không đủ ăn, bữa no bữa đói, cơ cực lắm. Trong lúc khó khăn đó, gia đình tôi đã mạnh dạn và quyết tâm đầu tư phát triển kinh tế từ nghề nuôi cá lồng bè, trong đó chủ yếu là cá giò, cá song… trên diện tích 1ha. Ban đầu trong xã chỉ có gia đình tôi nuôi bởi nghề nuôi cá lồng bè đòi hỏi cần nhiều vốn, lại tốn công chăm sóc nên bà con ngần ngại. Thấy cá lớn nhanh, nguồn thức ăn tại chỗ dồi dào, lợi nhuận cao nên nhiều hộ đóng bè thả nuôi, dần lan rộng ra thành phong trào, thu hút nhiều hộ gia đình tham gia. Đến nay, gia đình tôi đã nuôi cá lồng bè được 10 năm. Trung bình mỗi năm gia đình tôi thu được 2 tấn, trừ chi phí gia đình cũng được lãi 200 – 300 triệu đồng.
Cùng với việc nuôi cá lồng bè, người dân Ngọc Vừng cũng tận dụng tối đa diện tích mặt nước để phát triển nghề nuôi nhuyễn thể như: Tu hài, ốc đá, ốc màu. Chỉ sau một thời gian ngắn, tất cả những hộ gia đình nuôi thử nghiệm đều đã rất thành công. Chỉ sau 3 đến 5 tháng thả nuôi người dân đã có thu hoạch, mang lại thu nhập ổn định cho người dân. Thu nhập của người dân cũng tăng lên. Cuộc sống của người dân xã đảo đang ngày một khấm khá.
Tin rằng, với những cố gắng và nỗ lực của người dân, xã đảo Ngọc Vừng sẽ không ngừng phát triển mạnh mẽ.