Mới đây đến xã Hoàng Tân (TX Quảng Yên, Quảng Ninh), chúng tôi được nghe giới thiệu về mô hình nuôi “Hà treo dây” của người dân xã. Đây là mô hình phát triển kinh tế mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao, hiện được nông dân trên địa bàn nhân rộng.
Đồng chí Lê Đức Tự, cán bộ văn phòng xã cho biết: Hoàng Tân hiện có 4/5 thôn làm nông nghiệp, trong đó thế mạnh là nuôi trồng, đánh bắt hải sản. Mô hình “Hà treo dây” được thực hiện từ năm 2011. Với đặc thù con hà chủ yếu bám vào gốc cây sú để sinh trưởng, vì vậy khiến cây sú ở bãi bồi của xã kém phát triển và chết dần. Bà con làm nghề đánh hà đã đem những cây sú khô ra bãi bồi để dụ hà bám vào. Tuy nhiên, khi thu hoạch, việc gỡ hà trên cây sú khô vừa lâu, vừa khó, nên bà con nghĩ ra cách cắm cọc tre dưới bãi bồi, căng dây xung quanh, rồi treo những sợi dây bằng cói có buộc vỏ hà, thả xuống bãi bồi. Cứ 1ha bãi bồi sẽ thả 5.000 dây cói; cách 5cm treo 1 dây cói, mỗi dây cói treo 5 vỏ hà. Khi thuỷ triều lên, ấu trùng hà trôi theo con nước, bám vào những vỏ hà treo sẵn ở dây, rồi cứ thế lớn dần. Thông thường, bà con bắt đầu treo hà vào tháng 3 âm lịch. Mỗi năm chỉ thu hoạch hà 1 lần vào khoảng giữa tháng 11 đến tháng 12 âm lịch. Nếu như trước đây, bà con phải mất nhiều thời gian lội nước, hay trầy trật ngoài bãi bồi để đánh hà, thì nay với mô hình “Hà treo dây”, vào vụ thu hoạch, bà con chỉ cần cắt dây cói mang về nhà để gỡ hà. Và như vậy, những người trong gia đình, kể cả trẻ nhỏ cũng có thể tham gia làm công việc rất đơn giản, đó là gỡ hà ra khỏi dây. Cách thu hoạch này vừa nhanh và tiện lợi.
Mô hình “Hà treo dây” ở thôn 1, xã Hoàng Tân (TX Quảng Yên).
Theo đánh giá của nhiều hộ dân trong xã Hoàng Tân, so với khai thác tự nhiên, mô hình “Hà treo dây” đem lại hiệu quả gấp 10 lần, trong khi chi phí đầu tư lại không nhiều. Thu nhập trung bình 100 triệu đồng/sào/vụ. Thấy được hiệu quả kinh tế cao của mô hình này, nên ngày càng có nhiều người dân nuôi. Đến nay, Hoàng Tân có trên 300 hộ nuôi trên 160ha.
Chị Bùi Thị Thiết, thôn 3, xã Hoàng Tân cho biết: Ban đầu thấy bà con trong xã đầu tư nhiều cho mô hình này nên gia đình chị cũng mua cọc rồi căng dây ở bãi bồi nuôi thử vài sào. Qua một vụ thu hoạch, thấy hiệu quả kinh tế cao, nên gia đình chị tiếp tục đầu tư tre, dây cói để mở rộng diện tích nuôi trồng hà. Đến nay gia đình chị nuôi trên 1ha “Hà treo dây”. Cũng theo chị Thiết, thời gian và chi phí cho mô hình này không nhiều. Đầu tư ban đầu khoảng 8.000 đồng/cọc; khoảng 0,5-1m bãi bồi cắm 1 cọc. Từ 2-3 năm mới phải thay cọc, còn dây cói có thể dùng được nhiều năm. Cơn bão số 14 vừa qua khá mạnh, nhưng diện tích “Hà treo dây” của gia đình chị không bị ảnh hưởng nhiều. Khoảng nửa tháng nữa gia đình chị có thể thu hoạch. Hiện 1kg hà ruột có giá khoảng 100.000 đồng; dịp giáp Tết hoặc ra Giêng, có thể lên đến 300.000 đồng/kg. Ngoài việc nuôi hà, gia đình chị còn kết hợp nhiều mô hình nuôi trồng thuỷ sản khác.
Đồng chí Đinh Đức Thành, Trưởng Phòng Kinh tế TX Quảng Yên cho biết: Mô hình “Hà treo dây” do người dân xã Hoàng Tân phát triển và nhân rộng. Đến nay, bà con ở một số phường, xã trên địa bàn thị xã đã đến Hoàng Tân học hỏi để triển khai tại địa phương mình. Cùng với mô hình “Hà treo dây”, người dân ở đây còn kết hợp diện tích bãi bồi phía dưới để nuôi một số loại nhuyễn thể khác. Không chỉ mang lại lợi nhuận về kinh tế, hiện mô hình này còn giúp cho môi trường nước được thanh lọc tốt hơn.