Quảng Ninh: Hàu rớt giá thê thảm

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Hiện nay, trên địa bàn huyện Vân Đồn còn tồn đọng khoảng 300.000 tấn hàu chưa được thu hoạch do giá hàu thấp không đủ tiền thuê nhân công thu hoạch, nhiều người nuôi bỏ mặc.

Theo người nuôi hàu, từ năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, hàu liên tục rớt giá, nhất là trong năm 2021. Năm 2020 giá mặc dù giảm nhưng vẫn giữ được ở mức từ 7.000 – 8.000 đồng/kg, năm nay giá giảm rất sâu, chỉ còn từ 3.000 – 4.000 đồng/kg mua xô. Với mức giá năm nay việc trông coi, thuê nhân công thu hoạch, vận chuyển đã vượt mức chi phí.

Được biết, một vụ hàu kéo dài từ 8 – 9 tháng mới cho thu hoạch, chi phí đầu tư các thiết bị nuôi trồng hàu rất tốn kém, quá trình hàu phát triển cũng cần thường xuyên kiểm tra, trông coi, nhưng giá giảm, nguy cơ thua lỗ cao, đến kỳ thu hoạch không bán được, hàu sẽ già và tự chết, người nuôi đứng trước nguy cơ trắng tay.

Theo Phòng NN&PTNT huyện Vân Đồn, toàn huyện có khoảng trên 1.300 hộ nuôi trồng, sản lượng đạt từ 300.000 tấn/năm. Trước đây các sản phẩm hàu được xuất khẩu sang thị trường một số nước hoặc các địa phương trong cả nước. Tuy nhiên từ năm 2020 đến nay, với diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 việc xuất khẩu hàu gặp nhiều khó khăn. Đối với thị trường nội địa những tháng gần đây các thị trường lớn đang áp dụng giãn cách xã hội do vậy việc đưa hàng vào các tỉnh này rất hạn chế.

Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, không chỉ hàu mà còn nhiều sản phẩm nông, thủy sản của người dân rơi vào tình trạng mất giá, không tiêu thụ được. Dự kiến trong tháng 9 này, Quảng Ninh sẽ tăng cường xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ giữa các tổ chức sản xuất sản phẩm thủy sản với hệ thống quản lý các siêu thị lớn, chuỗi cửa hàng tiện lợi trong và ngoài tỉnh để giới thiệu, trao đổi cung cấp thông tin về quy định tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, bao bì mẫu mã và hướng dẫn hồ sơ trình tự, thủ tục khi đưa các sản phẩm thủy sản vào tiêu thụ trong hệ thống các siêu thị, cửa hàng tiện lợi.

Đồng thời, tổ chức tuần tiêu thụ sản phẩm OCOP bằng các hình thức linh hoạt; liên kết với các sàn giao dịch thương mại, điện tử…kết nối với các bếp ăn tập thể tại các trường học, cơ quan…; trao đổi với các tỉnh/thành phố lân cận để kết nối tiêu thụ sản phẩm thủy sản cho ngư dân trong tỉnh.

Minh Hiếu

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!