Quảng Ninh: Hướng đi đúng từ nuôi cá rô phi tập trung

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Sau 3 năm thực hiện, dự án “Xây dựng vùng nuôi cá rô phi tập trung tại các vùng chuyển đổi đất nông nghiệp năng suất thấp sang nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2009 – 2012” đã và đang mang lại hiệu quả rõ rệt cho nhiều vùng nuôi trồng thủy sản tại Quảng Ninh.

Nhà nước và nhân dân cùng làm

Với mục đích chuyển đổi diện tích đất xấu, đất trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản và hướng đến phát triển nuôi cá rô phi đơn tính theo mô hình công nghiệp tập trung, để tạo ra lượng hàng hóa lớn, đảm bảo an toàn thực phẩm, cung cấp nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu và tìm kiếm thị trường tiêu thụ, ngay từ năm 2009, Chi cục Nuôi trồng Thủy sản Quảng Ninh đã triển khai dự án nuôi cá rô phi tập trung tại hai huyện Yên Hưng (1 xã) và Đông Triều (3 xã).

Dự án được triển khai xuống các xã (tiểu vùng), trong quá trình thực hiện, cán bộ Chi cục NTTS tỉnh phối hợp với Phòng NN&PTNT huyện, UBND các xã xuống tận ao của các hộ tham gia hướng dẫn từ khâu cải tạo ao nuôi như: vệ sinh ao đầm, phơi đáy, lọc nước, gây màu nước… Nguồn giống được mua từ các trại giống có uy tín, con giống có chất lượng tốt, tỷ lệ sống của cá giống khi vận chuyển về ao nuôi đạt 100%. Thức ăn cho cá được chọn lựa kỹ, có chất lượng tốt.

Cá rô phi, đối tượng nuôi thích hợp và hiệu quả cho vùng đất nông nghiệp năng suất thấp

Các hộ tham gia được Nhà nước hỗ trợ: 20% kinh phí cải tạo ao; 38% con giống; 20% tiền thuốc thú y, hóa chất phòng trị bệnh và 15% kinh phí cho tổng thức ăn cung cấp cho cả vụ nuôi.

 

Hiệu quả rõ rệt

Trong quá trình nuôi, nhờ được tập huấn kỹ về quy trình nuôi nên các hộ tham gia đã quản lý tốt môi trường ao nuôi, chăm sóc cá, kỹ thuật phòng trị bệnh, nên kết thúc vụ, đa số các hộ nuôi đều có lãi, năng suất bình quân từ 10 – 12 tấn/ha.

Năm 2011, kết quả tại tiểu vùng xã Yên Đức, huyện Đông Triều cho thấy: sau 7 tháng nuôi, lợi nhuận trung bình đạt xấp xỉ 150.000.000 đồng/ha. Đặc biệt, có những hộ đạt lợi nhuận cao như hộ ông Vũ Văn Chiến với hơn 200.000.000 đồng/ha. Tuy nhiên cũng có những hộ bị lỗ như gia đình ông Phạm Phú Kim lỗ 15.000.000 đồng/ha. 

Những kết quả từ dự án không chỉ làm thay đổi nhận thức và thói quen cơ bản của người dân về nuôi cá nước ngọt, mà còn là một điểm nhấn về cách làm ăn tạo ra sản phẩm hàng hóa mang lại giá trị kinh tế cao, từng bước hình thành vùng nguyên liệu cho xuất khẩu…

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện dự án cũng gặp nhiều khó khăn như cơ sở vật chất (hệ thống ao nuôi, cấp thoát nước…) chưa đồng bộ, quy trình nuôi chưa được tuân thủ tuyệt đối, một số hộ dân còn e ngại đầu tư sản xuất… 

Hiện nay, dự án vẫn đang tiếp tục được mở rộng và triển khai tại nhiều nơi trong tỉnh với nhiều tiểu vùng dự án lớn nhỏ khác nhau.

>> Theo ông Nguyễn Thế Hùng, cán bộ Chi cục NTTS Quảng Ninh: Năm 2012, tổng diện tích thực hiện dự án là 16 ha được chia làm 4 tiểu vùng: phường Đông Mai (Thị xã Quảng Yên); phường Yên Thanh (TP Uông Bí); xã Hồng Thái Tây và xã Hoàng Quế, (huyện Đông Triều). Mỗi tiểu vùng 4 ha, mật độ thả 3 con/m2, thời gian nuôi 7 tháng, kết thúc vào tháng 11, năng suất dự kiến đạt 12 tấn/ha.

Minh Thành

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!