Dịch bệnh xảy ra trên tu hài nuôi vào cuối 2011 và những tháng đầu năm 2012 đã gây tổn thất nặng nề cho gần 700 hộ nuôi tu hài tại Vân Đồn với hơn 200 triệu con giống cấp 2 bị chết, thiệt hại ước tính trên 200 tỷ đồng. Trước tình hình dịch bệnh, ngành chức năng và huyện Vân Đồn đã vào cuộc, xác định nguyên nhân dịch bệnh và khuyến cáo người nuôi tu hài dừng nuôi trong một thời gian. Tuy nhiên, trong thế khó, người nuôi vẫn “liều” “thả tiền” xuống biển mong lấy lại những gì đã mất.
Hoang mang từ bệnh dịch
Trở lại vùng nuôi tu hài ở Vân Đồn vào thời gian này, chúng tôi vẫn chứng kiến không khí ảm đạm, lo lắng. Khác với nỗi lo như đợt tu hài chết hồi đầu năm, giờ đây người nuôi lại lo lắng về việc gom vốn để tiếp tục đầu tư và sự mạo hiểm nay không hay lại mang tiền bỏ xuống biển. Tình cơ, chúng tôi gặp anh Vũ Thành Trung, một người đã có thâm niên nuôi tu hài tại thị trấn Cái Rồng có thời điểm nuôi tới hàng nghìn lồng tu hài nhưng giờ anh đã bỏ nghề do dịch bệnh. Anh Trung chuyển sang làm dịch vụ lái canô chở khách du lịch. Đưa chúng tôi đến khu vực Nam Soi (một vùng nuôi tu hài tập trung của Vân Đồn), anh Trung tâm sự: Trong khi nghề nuôi tu hài đang mang lại thu nhập khá cao cho một bộ phận lớn người dân ở đây thì dịch bệnh xảy ra đã làm bao người dân và doanh nghiệp rơi vào tình cảnh điêu đứng. Nếu như các vụ nuôi trước, thời điểm này đang chính vụ thu hoạch tu hài thì năm nay nhiều hộ dân đã bán lồng bỏ nuôi, một số khác thì vẫn cố gom vốn thả nuôi mong vớt vát được những thất thu từ vụ nuôi trước. Anh Trung tâm sự: Mặc dù đã có nhiều kinh nghiệm trong nghề, song do ít vốn và theo khuyến cáo của ngành chức năng, dịch bệnh trên tu hài nuôi là do vi khuẩn Vibrio spp và nội ký sinh Perkinsus spp, hiện chưa có phương pháp chữa trị hữu hiệu nên tôi đã bỏ nuôi, chuyển sang nghề lái tàu. Quá trình đi tìm hiểu về việc người dân đang tiếp tục đầu tư nuôi tu hài, liều mình bỏ qua khuyến cáo của cơ quan chức năng, chúng tôi đã gặp bà Lê Thị Hợp, Phong Cốc (Quảng Yên) ra Vân Đồn nuôi tu hài từ nhiều năm nay đang tập trung thả giống cho vụ này. Bà Hợp cho biết: Vụ nuôi năm ngoái, gia đình tôi thả nuôi hơn 60 vạn con giống cấp 2, trong khi những vụ nuôi trước tu hài lớn nhanh, được giá nên tôi đã tập trung đầu tư cho vụ nuôi vừa rồi, nào ngờ đến thời điểm gần cho thu hoạch thì qua kiểm tra, số tu hài chết trong mỗi lồng nuôi mỗi ngày một nhiều hơn. Đến cuối vụ thì gần như đã mất toàn bộ mà không biết nguyên nhân vì sao. Chỉ thấy tu hài trầy xước xúc tu rồi chết. Bình quân tôi thả mỗi lồng từ 45-50 con giống, cộng thêm tiền lồng, tiền cát, mỗi lồng nuôi phải chi phí trên 120.000 lồng. Nếu như không xảy ra dịch bệnh, tu hài phát triển bình thường thì để có lãi mỗi lồng nuôi phải bán được từ 300.000 đồng. Vậy mà mỗi lồng nuôi chỉ thu được 3-5 con thì thu toàn bộ tu hài còn sót lại cũng không đủ chi phí tiền giống. Mặc dù biết khi thả nuôi sẽ có nhiều nguy cơ mất trắng do dịch bệnh, nhưng không còn cách nào khác tôi vẫn phải vay mượn để đầu tư thả nuôi. Vụ này, tôi thả nhiều hơn vụ trước 10 vạn, dự kiến tôi sẽ thả hơn 70 vạn giống. Biết việc thả nuôi của mình cũng như nhiều bà con cùng cảnh là đang “làm liều” nên bà Hoa rất hoang mang.
Khác với hộ bà Hợp, chị Nguyễn Thị Khoá, thôn 2, xã Thắng Lợi không đủ vốn để đầu tư nuôi nhiều hơn vụ trước song vẫn không thể bỏ nghề. Do thất thu từ vụ trước, gia đình chị phải bán đi hơn 4.000 lồng để lấy tiền đầu tư cho vụ nuôi này. Tuy nhiên, theo chị Khoá, hiện gia đình chị vẫn còn gần 6.000 lồng dưới biển chưa thể vớt lên được do không có tiền thuê người vớt, vệ sinh ô lồng. Đến thời điểm này, gia đình chị đã thả nuôi được hơn 10 vạn con giống cấp 1.
Không chỉ người dân nuôi tu hài vẫn tiếp tục gắng gượng mà hầu hết các doanh nghiệp nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn huyện Vân Đồn, dù ít dù nhiều vẫn đầu tư nuôi vụ này. Vì theo họ nếu không tiếp tục nuôi thì không có tiền trả ngân hàng mà đầu tư nuôi thì cũng rất khó khăn, từ nguồn vốn đến việc thuê chuyên gia thuỷ sản kiểm soát tình hình dịch bệnh. Ông Đỗ Hữu Tờ, Giám đốc Công ty TNHH Đỗ Tờ, một trong những người đi tiên phong trong lĩnh vực nuôi tu hài tại đây trong vụ nuôi trước đã bị thiệt hại hơn 15 triệu con giống. Theo ông Tờ thì nguyên nhân chủ yếu của tình hình dịch bệnh là do chất lượng nguồn giống không đảm bảo. Trong khi nguồn giống tại địa phương chỉ đáp ứng được 5-10% nhu cầu giống, người nuôi tu hài phải nhập giống từ Trung Quốc và các tỉnh miền Trung mà nguồn giống này không kiểm soát được về dịch bệnh cộng với môi trường nuôi bị ô nhiễm do mật độ cũng như cường độ nuôi quá lớn. Vụ nuôi này, bên cạnh việc tập trung sản xuất con giống chất lượng thì Công ty vẫn thả nuôi với số lượng ít hơn cùng với việc nuôi thử nghiệm tu hài chung với một số giống nhuyễn thể khác như các loại ngao để kiểm tra, kiểm soát dịch bệnh.
Tiếp sức cho nghề nuôi
Theo phản ánh của một số hộ nuôi và các doanh nghiệp, trong điều kiện tình hình dịch bệnh xảy ra, ngành chức năng và địa phương đã vào cuộc để xác định nguyên nhân của dịch bệnh để tìm cách phòng tránh, khuyến cáo người nuôi các biện pháp để giảm nhẹ thiệt hại. Tuy nhiên, trong khi chưa tìm ra cách chữa trị dịch bệnh hữu hiệu đối với tu hài, ngành chức năng đã khuyến cáo người nuôi tu hài dừng nuôi một thời gian.
Điều này đã gây nhiều khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Khuyến cáo dừng nuôi một thời gian nhưng cụ thể là bao lâu thì người dân và doanh nghiệp không được biết. Cùng với đó, khi đã có khuyến cáo của ngành chức năng thì việc người dân, doanh nghiệp muốn vay vốn từ ngân hàng để đầu tư nuôi là rất khó khăn. Nhiều hộ dân đã phải bán lồng, bỏ nuôi để có tiền trả nợ ngân hàng hoặc bán một phần ô lồng để đầu tư nuôi với quy mô nhỏ hơn. Được biết, ngày 14-9-2012, UBND tỉnh đã có Quyết định về việc hỗ trợ kinh phí cho các hộ dân, doanh nghiệp có tu hài chết do dịch bệnh. Theo đó, các hộ dân, hợp tác xã, doanh nghiệp nuôi tu hài bị thiệt hại trên 70% sẽ được hỗ trợ kinh phí với mức 200 đồng/con giống; còn đối với các hộ dân, hợp tác xã, doanh nghiệp có mức thiệt hại từ 30-70% sẽ được hỗ trợ mức 100 đồng/con giống. Để có được sự hỗ trợ này, các hộ dân, doanh nghiệp nuôi tu hài phải có hoá đơn, chứng từ kèm theo xác minh về số lượng con giống, mức thiệt hại… Trao đổi với nhiều hộ nuôi, tất cả đều chung tâm sự rằng, sự hộ trợ trên là rất quý, song với các điều kiện quy định như nói ở trên thì quả là rất khó. Ông Hoàng Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Đồn cho biết: Ngay khi nhận được hướng dẫn của Sở Tài chính về việc hỗ trợ theo quyết định của UBND tỉnh, huyện Vân Đồn đang rà soát, triển khai việc hỗ trợ đến người dân, đảm bảo đúng người, đúng đối tượng. Cũng theo ông Thanh, thì hiện nay trên địa bàn huyện, người dân và doanh nghiệp vẫn tiếp tục thả nuôi tu hài theo hình thức thả nuôi quy mô nhỏ hơn, vừa thả nuôi vừa theo dõi, kiểm soát tình hình dịch bệnh. Đến thời điểm này, ước tính toàn huyện đã thả nuôi được hơn 4 triệu con giống tu hài.
Như vậy, đến nay ngành chức năng đã xác định được nguyên nhân gây ra dịch bệnh đối với tu hài tại Vân Đồn. Tuy nhiên, cách chữa trị hữu hiệu đối với loại dịch bệnh này vẫn còn là ẩn số và việc tình hình dịch bệnh tại các vùng nuôi này đã ổn định chưa, việc thả nuôi tu hài vụ này có an toàn hay không thì vẫn là câu hỏi ngỏ. Trong khi tỉnh đã có cơ chế hỗ trợ thiệt hại cho người nuôi tu hài thì ngành chức năng và huyện Vân Đồn cần tích cực hơn nữa trong việc kiểm soát tình hình dịch bệnh; quản lý chặt chẽ việc nuôi thả tu hài của người dân và doanh nghiệp, không nên để người nuôi tu hài “liều” đánh cược nghề nuôi như hiện tại.