Ủy ban châu Âu (EC) đã có cảnh báo “thẻ vàng” đối với sản phẩm hải sản khai thác của Việt Nam. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến việc xuất khẩu thuỷ sản vào thị trường EU. Để gỡ “thẻ vàng” thuỷ sản, những năm qua, các bộ, ban, ngành liên quan cùng với các địa phương tích cực vào cuộc triển khai các giải pháp nhằm ngăn chặn tàu cá khai thác bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU), tuy nhiên ở nhiều tỉnh, thành phố có biển vẫn còn xảy ra những sai phạm.
Trước thực trạng vi phạm về IUU ở nhiều địa phương, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang yêu cầu các ban, bộ, ngành, địa phương có liên quan tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư, Nghị quyết số 52/NQ-CP của Chính phủ, các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến vi phạm IUU; bố trí đủ nguồn lực (nhân lực, kinh phí, trang thiết bị, phương tiện) để thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU, gỡ cảnh báo “thẻ vàng”.
Phó Thủ tướng yêu cầu phải gắn kết quả xử lý IUU với trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp và lực lượng chức năng, kiên quyết xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân không hoàn thành chức trách nhiệm vụ được giao; kịp thời động viên, khen thưởng, khích lệ các tấm gương điển hình trong chống khai thác IUU. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công an, các bộ, ngành liên quan, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển tổ chức cao điểm công tác thực thi pháp luật, xử lý các hành vi vi phạm khai thác IUU từ trung ương đến địa phương để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác chống khai thác IUU.
Quảng Ninh tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về IUU.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các ban, bộ, ngành, địa phương tăng cường thông tin, tuyên truyền các quy định về xử lý hình sự liên quan đến hành vi vi phạm khai thác IUU, nhằm tạo sự chuyển biến về ý thức chấp hành pháp luật, răn đe, giáo dục người vi phạm. Trong đó, theo Cục Kiểm ngư – Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, một số hành vi về khai thác thủy sản trước đây chỉ mới dừng ở xử phạt hành chính, từ ngày 1/8 bị xử lý hình sự. Điều này nhằm tạo sức răn đe đối với các hành vi vi phạm và thể hiện nỗ lực của Việt Nam trong việc gỡ bằng được thẻ vàng thủy sản của Ủy ban châu Âu (EC). Cụ thể, cơ quan chức năng sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi xuất cảnh đi khai thác thủy sản trái phép ở ngoài vùng biển Việt Nam; tổ chức, môi giới cho người khác xuất, nhập cảnh, ngư dân khai thác thủy sản trái phép ở ngoài vùng biển nước ngoài; các hành vi khai thác thủy sản vi phạm quy định về bảo vệ nguồn lợi thủy sản; khai thác, mua bán, vận chuyển thủy sản nguy cấp, quý, hiếm; buôn lậu, vận chuyển trái phép thủy sản, dùng thủ đoạn gian dối mua bán thủy sản. Đáng chú ý, ngư dân khi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng thiết bị giám sát hành trình tàu cá nhằm mục đích khai thác thủy sản trái phép; làm giả hoặc sử dụng tài liệu giả, con dấu của cơ quan, tổ chức để khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép thủy sản sẽ bị khởi tố.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp nhằm gỡ “thẻ vàng” thuỷ sản, Quảng Ninh đã tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với các sở, ban, ngành, địa phương liên quan đẩy mạnh kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm, đồng thời tuyên truyền, giáo dục để người dân, chủ tàu không vi phạm IUU. Đến nay, Quảng Ninh có 5.556 tàu cá, tỉnh đã tiến hành giao 4.219 giấy phép khai thác, trong đó có 3.577 giấy phép cho tàu cá hoạt động vùng ven bờ và 642 giấy phép cho tàu cá hoạt động vùng lộng. Với sự vào cuộc chủ động, tích cực, nghiêm túc của tỉnh và các sở, ngành, địa phương, công tác chống khai thác IUU của Quảng Ninh đã đạt được những kết quả nổi bật. Tính đến nay, 100% tàu cá trên địa bàn tỉnh đã lắp thiết bị giám sát hành trình. 7 năm nay, Quảng Ninh không có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ, xử lý. Tính từ năm 2018 đến nay, toàn tỉnh đã phát hiện 9.393 trường hợp vi phạm, thu phạt xử lý vi phạm hành chính tổng số tiền trên 61,84 tỷ đồng; truy tố, xét xử 4 chủ tàu về hành vi huỷ hoại nguồn lợi thuỷ sản.
Thời gian tới, Quảng Ninh tiếp tục chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường tổ chức tuần tra, kiểm tra, kiểm soát và xử nghiêm các vi phạm, nhất là đối với tàu cá “3 không” (không đăng kiểm, không đăng ký, không giấy phép hoạt động); kiểm soát, truy xuất nguồn gốc ít nhất 90% sản lượng thủy sản khai thác; điều tra, xác minh, xử lý nghiêm đối với những tàu cá mất kết nối giám sát hành trình, vượt ranh giới khi hoạt động trên biển theo quy định; thường xuyên kiểm tra, kiểm soát tàu cá, các hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên biển; có biện pháp ngăn chặn từ sớm, từ xa vi phạm khai thác thủy sản bất hợp pháp tại các vùng biển nước ngoài…
Tin tưởng rằng, với sự mạnh tay trong xử lý vi phạm về IUU, cùng sự vào cuộc tích cực từ Trung ương đến các địa phương, thì “thẻ vàng” thuỷ sản Việt Nam sẽ được gỡ trong thời gian sớm nhất.