Quảng Ninh: Năm 2023, thủy sản hoàn thành vượt chỉ tiêu đề ra

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Tổng sản lượng thủy sản năm 2023 của tỉnh Quảng Ninh đạt trên 177.200 tấn (nuôi trồng trên 100.000 tấn, khai thác gần 77.000 tấn), tăng 7,8% so với năm 2022, tăng 4,12% so với kế hoạch đề ra đầu năm.

Nuôi trồng kiểm soát tốt dịch bệnh

Đối với lĩnh vực nuôi trồng thủy sản (NTTS), số cơ sở đang duy trì hoạt động là hơn 11.000, chủ yếu nuôi tôm, nhuyễn thể, cá biển, nuôi nước ngọt. 

Với đường bờ biển dài và gần 60.000 ha mặt nước biển trải dài từ TX Quảng Yên đến TP Móng Cái, Quảng Ninh sở hữu những lợi thế nổi trội để phát triển các hình thức nuôi lồng bè mà rất ít địa phương trong cả nước có được, đặc biệt là phát triển các hình thức nuôi lồng bè, giàn bè với nhiều loài hải sản có giá trị kinh tế cao. 

Nông dân xã Hải Lạng (huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh) thu hoạch tôm. Ảnh: Nguyễn Thanh

Nhằm khai thác và phát huy thế mạnh, tận dụng đối đa lợi thế cạnh tranh, tập trung giải quyết khó khăn, vượt qua thách thức, năm 2022, Chi cục Thủy sản Quảng Ninh (Sở NN&PTNT) phối hợp với Công ty CP Tập đoàn STP nghiên cứu, thiết kế và thử nghiệm Mô hình khu nuôi biển đa canh, đa giá trị tại đảo Phất Cờ (xã Hạ Long, huyện Vân Đồn). Mô hình khu nuôi sử dụng tối đa tài nguyên mặt nước, đưa năng suất, sản lượng tăng gấp 1,5 – 2 lần so với nuôi biển thông thường (10-20 tấn/ha/vụ). Chi phí nhân công giảm được 1/2, tái sử dụng vật liệu trên 50%, giảm chi phí bảo trì bảo dưỡng. Giai đoạn 2023 – 2025, tỉnh dự kiến triển khai thêm 2 khu vực tại TP Cẩm Phả và TP Hạ Long với diện tích khoảng 150 ha…

Để ứng phó với biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp tới nuôi trồng thủy sản (NTTS) trên địa bàn, công tác quan trắc môi trường luôn được tỉnh quan tâm thực hiện. Trong năm 2023 Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT) đã phối hợp với Trung tâm Quan trắc Môi trường và Bệnh thủy sản miền Bắc (Tổng cục Môi trường, Bộ TN&MT) tổ chức 11 chuyến kiểm tra và thu mẫu phân tích tại 9 địa phương: Móng Cái, Đầm Hà, Hải Hà, Tiên Yên, Vân Đồn, Cẩm Phả, Quảng Yên, Uông Bí và Đông Triều.

Cán bộ Đồn Biên phòng Trà Cổ tuyên truyền chống khai thác hải sản bất hợp pháp cho ngư dân vùng biển Trà Cổ (TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh). Ảnh: Xuân Nguyên

Đã có tổng số 4.840 mẫu quan trắc được thực hiện, phân tích sâu các yếu tố, chỉ tiêu (nhiệt độ, độ mặn, pH, thực vật, phù du, tảo…) phục vụ nuôi các đối tượng chủ lực, đặc thù của tỉnh Quảng Ninh là tôm, nhuyễn thể, cá biển, cá nước ngọt. Kết quả quan trắc là căn cứ để Chi cục Thủy sản khuyến cáo các địa phương tăng cường quản lý, có biện pháp kịp thời khi có chỉ số vượt ngưỡng cần điều chỉnh… Người NTTS cũng chủ động hơn trong phòng ngừa, ứng phó với nguy cơ dịch bệnh, hạn chế thấp nhất thiệt hại xảy ra.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT), trong năm 2023 công tác phòng chống dịch bệnh thủy sản được 13/13 địa phương triển khai bài bản, bám sát theo kế hoạch của tỉnh. Chuyển biến rõ nhất là việc bố trí nhân lực, kinh phí cho hoạt động giám sát dịch bệnh thủy sản chủ động và dự trữ hóa chất trong phòng chống dịch bệnh. Đồng thời giữa các ngành, địa phương cơ sở có sự phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ hơn trong phản ánh kịp thời diễn biến tình hình dịch bệnh trong khu vực, giúp người dân chủ động trong công tác phòng chống dịch, hạn chế thiệt hại kinh tế cho người dân.

Nhờ đó từ đầu năm 2023 đến nay, diện tích thủy sản bị nhiễm bệnh với tôm nuôi là 109,85 ha, chiếm 1,4% tổng diện tích tôm nuôi, chỉ bằng 72,77% so với năm 2022, đảm bảo giới hạn mục tiêu kế hoạch giai đoạn đề ra là dưới 5%.

Khai thác không có tàu cá vi phạm IUU

Một trong những trọng tâm của lĩnh vực thủy sản năm 2023 là xử lý tàu cá khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) trên vùng biển của tỉnh. Toàn tỉnh đã triển khai 1 đợt cao điểm ra quân thực hiện nhiệm vụ này, được xem là động thái quyết liệt, nghiêm khắc của Quảng Ninh nhằm cùng các địa phương có biển trong nước gỡ thẻ vàng cho ngành thủy sản.

Công tác tuần tra, kiểm soát, xử phạt… gắn liền với tuyên truyền, phổ biến chủ trương, nâng cao nhận thức cho các chủ phương tiện tàu cá, ngư dân về ý nghĩa, trách nhiệm trong bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, chống đánh bắt bất hợp pháp, không sử dụng điện, ngư cụ cấm… Từ đó kêu gọi sự nỗ lực, chung tay, góp sức thực hiện nghiêm các quy định chống khai thác IUU của ngư dân.

Toàn tỉnh hiện có 5.900 tàu cá, trong đó 100% tàu có chiều dài từ 15m trở lên đều lắp đặt thiết bị giám sát theo quy định. Trong năm 2023 không ghi nhận bất kỳ tàu cá nào vi phạm vùng biển nước ngoài, bị bắt giữ, xử lý.

Sau hơn 3 năm thực hiện Quyết định số 31/2020/QĐ-UBND của UBND tỉnh “Ban hành Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về vật liệu sử dụng làm phao nổi trong nuôi trồng thủy sản lợ, mặn tại Quảng Ninh”, đến nay tỉnh đã cơ bản hoàn thành mục tiêu thay thế hơn 6,85 triệu quả phao xốp trong NTTS.

Năm 2023, tỉnh cũng triển khai hiệu quả công tác bảo tồn, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản. Đặc biệt, Sở NN&PTNT đã triển khai 104 cuộc thanh tra, tuần tra, kiểm soát, kiểm tra trong lĩnh vực thuỷ sản, xử phạt 158 trường hợp vi phạm, thu phạt 1,675 tỷ đồng.

Mục tiêu năm 2024

Bước vào năm 2024, Quảng Ninh phấn đấu đạt sản lượng thủy sản khoảng 187.700 tấn, tăng 5,9% so với năm 2023, đóng góp khoảng 50% giá trị sản xuất của toàn ngành nông, lâm, ngư nghiệp. Trong đó, sản lượng khai thác ước đạt 76.700 tấn, nuôi trồng ước đạt 110.000 tấn. Phấn đấu sản xuất, ương dưỡng tại chỗ khoảng 4 tỷ con giống, đáp ứng trên 40% nhu cầu giống thủy sản. 100% cơ sở đủ điều kiện sản xuất, đảm bảo ATTP, thực hiện kiểm tra định kỳ theo quy định. Hoàn thành cấp phép nuôi biển đối với hồ sơ đủ điều kiện và cấp mới tối thiểu 500 giấy xác nhận đăng ký NTTS lồng bè, đối tượng thủy sản nuôi chủ lực.

Đối với lĩnh vực khai thác, Quảng Ninh xác định duy trì việc không để tàu cá của tỉnh vi phạm vùng biển nước ngoài; tiếp tục duy trì nhóm zalo quản lý tàu cá cấp tỉnh đối với tàu từ 15m trở lên, tổ chức trực ban 24/24 giờ, theo dõi, giám sát tàu cá trên biển thực hiện ghi chép, lưu trữ thông tin tàu cá vi phạm; hướng dẫn, hỗ trợ chủ tàu cá thực hiện giám sát hành trình…

Để bảo vệ nguồn lợi thủy sản, tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu thả được tối thiểu 5 triệu con giống thủy sản tái tạo nguồn lợi cho các vùng biển ven bờ và sông, hồ, đập trên địa bàn. Tổ chức 38 – 40 cuộc tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển, gắn liền với việc bố trí đội tàu kiểm ngư hoạt động trên biển 24/24 giờ tại các ngư trường trọng điểm, tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng, các địa phương ven biển… Đồng thời, bộ phận thường trực đường dây nóng sẽ tiếp nhận đầy đủ, xác minh kịp thời 100% tin báo của quần chúng nhân dân về hành vi vi phạm liên quan đến lĩnh vực thủy sản…

Anh Vũ

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!