Theo Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi Thủy sản Quảng Ninh, hiện nay, loại tàu chủ yếu của tỉnh là từ 90 CV đến dưới 400 CV nên nhiều ngư dân trong tỉnh vẫn chưa thể tiếp cận chính sách hỗ trợ mới của nhà nước.
Cụ thể, sự phát triển của đội tàu khai thác xa bờ tại Quảng Ninh trong 4 năm qua còn chậm và nhiều hạn chế. Hiện nay, tàu đánh bắt xa bờ, đặc biệt là tàu vỏ sắt tăng không mạnh chủ yếu là do ngư dân chưa đủ nguồn tài chính. Chi phí đóng mới và bảo dưỡng cho loại tàu đánh bắt cá vỏ sắt khá cao. Trong khi đó, nếu ngư dân chỉ đánh bắt ở ngư trường gần như Vịnh Bắc bộ thì khó khai thác hết công suất.
Một mô hình tàu vỏ sắt – Ảnh: Nguyễn Huy
Theo ngư dân Nguyễn Văn Khắc 52 tuổi, trú tại thị trấn Cái Rồng, huyện Vân Đồn, tàu vỏ sắt có ưu điểm là độ bền cao, tuổi thọ dài, chống chịu sóng, gió, nước biển tốt. Do vậy, tàu loại này thích hợp với việc đi biển dài ngày nhưng chi phí sửa chữa, bảo dưỡng cao hơn nhiều so với tàu vỏ gỗ.
Trước thông tin từ 25/8, Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản có hiệu lực, trong đó có chính sách hỗ trợ tín dụng cho ngư dân đóng mới, nâng cấp tàu cá hoạt động xa bờ, nhiều ngư dân tại Quảng Ninh rất phấn khởi. Theo Nghị định, chủ tàu được vay vốn ngân hàng thương mại tối đa 95% đối với vỏ tàu sắt và 70% đối với vỏ tàu gỗ. Lãi suất ngư dân phải trả tối thiểu là 1%, tối đa 3%/năm thời hạn cho vay tối đa là 11 năm, trong đó năm đầu tiên chủ tàu được miễn lãi và chưa phải trả nợ gốc; chủ tàu được thế chấp tài sản hình thành từ vốn vay làm tài sản đảm bảo khoản vay. Đây là cơ hội để ngư dân Quảng Ninh có điều kiện đóng mới tàu khai thác xa bờ có công suất lớn.