Nhờ cải tiến, ứng dụng các giải pháp khoa học tiên tiến, hiện đại, nhiều mô hình phát triển kinh tế thủy sản theo hướng bền vững, xanh, sạch trên địa bàn tỉnh đã được triển khai và đạt được những kết quả tích cực về mặt kinh tế; sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai, giải quyết công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động.
Hệ thống ao nuôi tôm chất lượng cao của HTX Nuôi tôm công nghệ cao Cẩm Phả tại xã Cộng Hòa (TP Cẩm Phả).
Sau hơn 3 tháng thả nuôi, ngày 7/7 vừa qua, HTX Nuôi tôm công nghệ cao Cẩm Phả tại xã Cộng Hòa đã thu hoạch 2 ao nuôi tôm thương phẩm chất lượng cao đầu tiên, với sản lượng đạt khoảng 25 tấn/2 ao, ước tính doanh thu đạt trên 3,3 tỷ đồng. Kết quả này đáp ứng đúng như sự kỳ vọng của HTX khi mạnh dạn đầu tư vào mô hình nuôi tôm công nghiệp tại một địa bàn có nhiều thuận lợi tại xã Cộng Hòa.
Anh Đặng Bá Mạnh, Giám đốc HTX Nuôi tôm công nghệ cao Cẩm Phả, cho biết: Khu vực xã Cộng Hòa có đủ các yếu tố thuận lợi cấu thành để phát triển vùng nuôi tôm công nghiệp, như nguồn nước mặn sạch, môi trường trong lành, không có nguồn phát thải gây ô nhiễm, vì vậy HTX quyết định xây dựng, đầu tư mô hình nuôi tôm công nghiệp với việc ứng dụng công nghệ tiên tiến vào thả nuôi.
Quy trình nuôi tôm công nghiệp của HTX Nuôi tôm công nghệ cao Cẩm Phả hoàn toàn được khép kín, trên diện tích 6ha. Thay vì đầu tư các đầm thả nuôi như các vùng nuôi trồng khác, HTX đầu tư các ao nuôi bằng bê tông cốt thép có hình tròn được phủ bạt kín có thể di chuyển theo nhu cầu nhằm hạn chế bị ảnh hưởng bởi thời tiết nắng nóng, giá rét, cũng như tránh được nước mưa làm giảm độ mặn trong ao nuôi. Vì vậy, công nghệ nuôi tôm này có thể triển khai thực hiện quanh năm mà không phải lo lắng vì yếu tố thời tiết.
Công nhân cho tôm ăn tại HTX Nuôi tôm công nghệ cao Cẩm Phả tại xã Cộng Hòa (TP Cẩm Phả).
Hiện HTX Nuôi tôm công nghệ cao Cẩm Phả có 12 ao nuôi, mỗi ao có diện tích khoảng 2.000m2. Quy trình nuôi tôm ở đây được xử lý khép kín, từ sử dụng nguồn nước, thả nuôi, cho ăn đến việc kiểm soát dịch bệnh. Tôm nuôi được thực hiện theo 3 giai đoạn, được kiểm soát chặt chẽ từ khâu nhập giống đến khi thu hoạch bởi các kỹ sư nuôi trồng thủy sản có nhiều kinh nghiệm. Ông Đỗ Đình Minh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT), cho biết: Với sản lượng nuôi tôm đạt như mẻ đầu tiên của HTX Nuôi tôm công nghệ cao Cẩm Phả cho thấy, sản lượng này cao hơn nhiều so với các mô hình nuôi khác đang được triển khai trên địa bàn tỉnh. Tôi đánh giá rất cao mô hình nuôi tôm này, thực sự có triển vọng, phù hợp với các yếu tố của vùng biển Quảng Ninh và có thể nhân rộng phát triển mạnh mẽ tại những địa phương có điều kiện tương đồng.
Trong buổi kiểm tra, thăm mô hình nuôi tôm này ngày 3/6/2024, đồng chí Trịnh Thị Minh Thanh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, rất tâm đắc với cách thức vận hành, sử dụng công nghệ nuôi tôm tiên tiến, hiện đại của HTX, và cho rằng đây là mô hình tiêu biểu, cần khuyến khích đầu tư phát triển rộng rãi trên địa bàn tỉnh. Các địa phương, đơn vị liên quan cần tạo điều kiện, hỗ trợ về mặt thủ tục pháp lý để tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có nhu cầu triển khai đầu tư nhằm mang lại lợi ích thiết thực, hiệu quả cho người nuôi, làm giàu cho nền kinh tế.
Với kinh nghiệm có được từ thực tế, tới đây HTX Nuôi tôm công nghệ cao Cẩm Phả trình cấp có thẩm quyền để được mở rộng quy mô khu vực nuôi tôm công nghệ cao tại xã Cộng Hòa lên trên 100ha. Nếu được chấp thuận, mô hình nuôi tôm công nghiệp công nghệ cao này trung bình mỗi năm sẽ cho sản lượng lên đến hàng nghìn tấn, nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Mô hình nuôi rong biển và nuôi cá song kết hợp với du lịch trải nghiệm của Công ty STP tại xã Hạ Long (huyện Vân Đồn).
Còn tại huyện Vân Đồn, địa phương có thế mạnh về lĩnh vực nuôi biển, hiện cũng có một mô hình tiêu biểu về nuôi rong biển và nuôi cá song kết hợp với du lịch trải nghiệm của Công ty STP tại xã Hạ Long. Công ty này đã áp dụng công nghệ nuôi cá cho ăn tự động có gắn camera theo dõi quá trình sinh trưởng, phát triển; có thiết bị đo lường môi trường nuôi; sử dụng hệ thống lồng phao bằng vật liệu xanh thân thiện môi trường. Sau một thời gian triển khai đầu tư, hiện mỗi năm, mô hình này thu hoạch 50 tấn rong khô, 100 tấn hàu, 45 tấn cá, thu hút khoảng 3.000 lượt khách tham quan, trải nghiệm.
Ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: Hiện trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế thủy sản mới, theo hướng bền vững, bước đầu cho nhiều kết quả tích cực. Bám sát vào quy hoạch tỉnh, quy hoạch ngành thủy sản, Sở đang tập trung rà soát các khu vực, vùng nuôi có đủ điều kiện để thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp, tổ hợp tác phát triển ngành nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững, sử dụng công nghệ xanh, sạch, hiện đại nhằm tạo ra những sản phẩm chất lượng, giá thành cao trên một đơn vị diện tích. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế của tỉnh.