Quảng Ninh: Nuôi biển kết hợp du lịch trải nghiệm

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Mô hình này được một số doanh nghiệp tại huyện Vân Đồn triển khai và được xem là hướng đi đầy triển vọng của huyện đảo.

Tiền năng lớn

Đảo Phất Cờ nằm trên vịnh Bái Tử Long, cách cảng tàu khu du lịch Việt – Mỹ (xã Hạ Long, huyện Vân Đồn, Quảng Ninh) khoảng 1,5 km. Ngoài cảnh quan tự nhiên, đảo Phất Cờ còn được biết đến là mô hình tiên phong ứng dụng công nghệ tiên tiến trong nuôi biển một số loài thủy, hải sản kết hợp làm du lịch. Điển hình là mô hình nuôi biển kết hợp du lịch trải nghiệm của HTX Nuôi trồng thủy sản Phất Cờ (HTX Phất Cờ), huyện Vân Đồn, Quảng Ninh cùng Tập đoàn Nhựa Super Trường Phát.

HTX Phất Cờ được thành lập từ năm 2017, các giống thủy sản nuôi chủ yếu tại HTX là các loại cá (song, giò, rìa, hồng mỹ), hàu, ngao giá, ốc hương… Gần đây, HTX Phất Cờ đã thử nghiệm thành công nuôi rong sụn trên vịnh Bái Tử Long, mở ra hướng đi mới trong phát triển đa dạng đối tượng, xen canh trên cùng diện tích nuôi trồng.

Mô hình nuôi biển kết hợp du lịch của HTX Nuôi trồng thủy sản Phất Cờ. Nguồn: quangninh.gov.vn

Với chủ trương thay thế vật liệu nổi trong nuôi trồng thủy sản bằng vật liệu mới bền vững, không ô nhiễm, thân thiện với môi trường, HTX Phất Cờ sử dụng phao nổi và lồng bè nuôi cá bằng chất liệu HDPE trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

HTX cũng kết hợp với Tập đoàn nhựa Super Trường Phát nhằm đầu tư, xây dựng mô hình trang trại nuôi biển kết hợp với du lịch cùng các xã viên. Trang trại nổi được xây dựng trên diện tích 5 ha, gồm 3 phân khu: Khu điều hành, khu nuôi trồng và khu trải nghiệm.

Trong đó, khu điều hành là hệ thống nhà nổi bằng composite với hệ nâng nổi từ HDPE, tích hợp các không gian tiện ích cơ bản. Khu nuôi trồng là hệ thống các khu vực nuôi trồng thủy sản đa dưỡng tích hợp (IMTA), kết hợp nuôi nhiều loài trong cùng một khu vực. Khu trải nghiệm gồm các công trình phục vụ hoạt động trải nghiệm cho ngư dân, khách tham quan.

Đây là mô hình áp dụng công nghệ mới có nhiều ưu điểm nổi trội so với mô hình nuôi lồng gỗ truyền thống, đặc biệt là trong điều kiện sóng lớn, mưa bão.

Tăng hiệu quả

Hệ thống lồng vuông tại mô hình (12 chiếc với diện tích từ 16 – 30 m2/chiếc), hệ thống lồng tròn (2 chiếc với đường kính 12 m); hệ thống giàn hàu trên diện tích 4 ha (trên 6.000 quả phao nổi); hệ thống bè ương, nuôi giống rong sụn (100 ô có diện tích 9 m2); hệ thống sân phơi rong thương phẩm rộng trên 2.000 m2.

Đây là phần diện tích thử nghiệm nuôi các loài thủy sản mới có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện tự nhiên, đồng thời cũng là nơi xây dựng mô hình trình diễn các loại vật liệu nổi kết hợp với du lịch trải nghiệm. Đến tham quan, du khách được trao đổi kinh nghiệm thiết kế, vận hành, quản lý mô hình nuôi. Đặc biệt có thể được trải nghiệm câu cá trên bè và thưởng thức những sản phẩm do tự tay mình khai thác, chế biến…

Để tăng hiệu quả kinh tế trên một diện tích sản xuất, HTX Phất Cờ đã thử nghiệm thành công việc nuôi xen canh giữa hàu Thái Bình Dương và rong sụn. Một mặt phá thế độc canh của con hàu, giảm sức tải của môi trường do nuôi một đối tượng hàu ở mật độ cao dễ phát sinh dịch bệnh và thiếu thức ăn. Mặt khác, tạo ra một ngành hàng mới có giá trị là rong sụn.

Theo Công ty CP Tập Đoàn Nhựa Super Trường Phát, nuôi biển kết hợp du lịch sinh thái là một hướng đi đúng đắn với quốc gia có đường bờ biển trải dài như Việt Nam. Hiện nay, ở các nước tiên tiến trên thế giới, họ thay đổi vật liệu sản xuất trong nuôi biển để hướng đến làm du lịch, tạo môi trường bền vững, không sản sinh chất độc hại ra môi trường biển, giúp các loài thủy hải sản phát triển tốt.

Ngọc Diệp

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!