Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh Quảng Ninh vừa triển khai thử nghiệm mô hình nuôi cá đối mục thương phẩm trong ao tại TX Quảng Yên. Đây là đối tượng nuôi mới, bước đầu được cán bộ kỹ thuật cũng như bà con nông dân đánh giá cao về hiệu quả. Đặc biệt, nuôi cá đối mục trong ao còn có tác dụng lớn trong việc cải tạo môi trường, nhất là cải tạo môi trường đối với diện tích ao, đầm nuôi tôm đã bị dịch bệnh.
Mô hình được triển khai thực hiện tại 2 hộ nuôi là ông Nguyễn Văn Mầu, phường Tân An và Lê Minh Tiến, phường Hà An, với quy mô 0,5 ha/hộ nuôi, số lượng giống thả nuôi 15.000 con, kích cỡ bình quân 4 – 6 cm/con giống. Mô hình trình diễn nuôi cá đối mục thương phẩm trong ao được thực hiện nhằm tận dụng diện tích ao nuôi tôm bỏ hoang, đa dạng đối tượng nuôi, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, cải tạo môi trường sinh thái, tạo sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Nâng cao trình độ kỹ thuật và trang thiết bị cho người dân kiến thức khoa học kỹ thuật nuôi trồng thuỷ sản nước lợ. Vì vậy, mô hình được triển khai tại 2 hộ dân, nhưng thông qua mô hình, đã có 60 hộ dân khác được đào tạo, tập huấn về kỹ thuật đối tượng nuôi mới này. Sau gần 9 tháng nuôi với sự hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư, cá đạt trọng lượng trung bình 0,68 kg/con, tỷ lệ sống đạt 74%, sản lượng đạt 7,6 tấn/ha, thu được 530 triệu đồng. Trừ chi phí lãi gần 200 triệu đồng/ha.
Ảnh minh họa.
Ông Lê Minh Tiến, xã Hà An cho biết: So với mô hình nuôi khác ở địa phương thì nuôi cá đối mục với cùng diện tích hiệu quả kinh tế cao hơn 15 – 20 triệu đồng/ha. Thêm vào đó, nuôi cá đối mục sử dụng ít thuốc hoá chất, nên ít ảnh hưởng đến môi trường. Cá nhanh lớn, ít dịch bệnh, là đối tượng nuôi mới có giá trị kinh tế cao, thích nghi tốt với sự biến đổi của môi trường, đồng thời có khả năng làm sạch môi trường, nhất là trong ao, đầm nuôi tôm đã từng xảy ra dịch bệnh, góp phần giải quyết tình hình dịch bệnh đối với nghề nuôi tôm tại địa phương.
Anh Nguyễn Chí Thành, Trạm trưởng Trạm thực hành chuyển giao kỹ thuật Khuyến ngư công nghệ cao (Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Quảng Ninh) cho biết: Cá đối mục là đối tượng nuôi mới, ít bệnh tật, không phải sử dụng nhiều loại thuốc, quản lý và chăm sóc dễ, nguy cơ bị lan tràn dịch bệnh ít, tỷ lệ rủi do thấp, do vậy đối tượng nuôi này là một trong những hướng đi mới trong nghề nuôi trồng thuỷ sản. Có thể nuôi ghép cá đối mục với một số đối tượng khác như tôm sú và cua biển, nhằm gia tăng đối tượng nuôi thuỷ sản, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho nghề nuôi trồng thuỷ sản. Mô hình đem lại hiệu quả kinh tế ổn định cho người nuôi, được bà con nông dân trong vùng hưởng ứng nhiệt tình và sẽ có khả năng nuôi đại trà, đặc biệt ở những khu vực nuôi tôm kém hiệu quả. Tuy nhiên, một khó khăn cho việc mở rộng nuôi đại trà là nguồn giống hiện nay chưa chủ động được.
Được biết, hiện nay Trung tâm Khoa học và Sản xuất giống thuỷ sản Quảng Ninh đã sản xuất thành công giống cá đối mục. Tuy nhiên, sản lượng còn hạn chế. Ông Vũ Công Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm cho biết: Cá đối mục thích nghi với các thuỷ vực ven biển, tập trung chủ yếu ở vùng cửa sông, nơi có nguồn thức ăn hữu cơ dồi dào. Cá đối mục là loài rộng muối, rộng nhiệt. Cá có thể sống và sinh trưởng tốt ở môi trường nước lợ, mặn và chịu đựng được nhiệt độ từ 3-35oC, thích hợp nhất là 12-25oC. Đó là một lợi thế để phát triển nuôi thương phẩm và nhân rộng đối tượng này ở vùng ven biển miền núi Quảng Ninh. Giống cá này có kích thước lớn, thịt ngon mà thức ăn chủ yếu là rong, tảo… nên chi phí nuôi thấp hơn nhiều giống cá khác. Mặt khác, cá đối mục chịu được nhiệt độ lạnh nên nuôi được qua đông, từ đó mà hiệu quả kinh tế cao hơn. Với những ưu thế nổi trội này, cá đối mục hoàn toàn có khả năng trở thành đối tượng nuôi mới đối với các vùng nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn tỉnh… Và điều không kém phần quan trọng nữa là giống cá này đưa vào nuôi sẽ góp phần cải thiện môi trường cho các khu nuôi trồng thuỷ sản, đặc biệt là khi môi trường nuôi tôm ở nhiều nơi đang bị ô nhiễm.