Quảng Ninh nuôi tôm theo hướng tập trung

Chưa có đánh giá về bài viết

Hiện, Quảng Ninh có tổng sản lượng thủy sản và giá trị đứng thứ 4/11 trong khu vực đồng bằng sông Hồng, trong đó con tôm được xem là thế mạnh chủ lực của tỉnh.

Quảng Ninh có nhiều tiềm năng thế mạnh về vị trí địa lý, tài nguyên mặt biển, bãi triều, có hệ nguồn lợi thủy sản phong phú và truyền thống để phát triển thủy sản. Tuy nhiên, những hạn chế là năng suất nuôi trồng còn thấp, chưa phát huy lợi thế nghề nuôi, khai thác thủy sản chủ yếu tập trung ở khu vực ven bờ, giá trị xuất khẩu thủy sản còn thấp… Để thúc đẩy ngành thủy sản tỉnh phát triển, cần có chiến lược đúng đắn, giải pháp phù hợp để phát huy tiềm năng, thế mạnh ngành theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, góp phần thực hiện thành công Chiến lược Biển Việt Nam và Chương trình hành động về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Được biết, nhu cầu giống thủy sản tỉnh Quảng Ninh theo quy hoạch thủy sản đến năm 2015 là 4,9 tỷ con, đến năm 2020 là 7,1 tỷ con. Để đáp ứng nhu cầu con giống cần tập trung đầu tư có trọng điểm trên cơ sở gắn với các vùng nuôi trọng điểm và các đối tượng chủ lực của tỉnh. Cụ thể, Quy hoạch trại sản xuất tôm giống chất lượng cao ở Quảng Yên xác định khả năng nghiên cứu kỹ địa điểm xây dựng, đề xuất gần biển như ở xã Hoàng Tân. Ngoài ra, cũng cần có cơ chế chính sách nâng cấp các trại sản xuất giống tôm trên địa bàn Móng Cái để hình thành các vùng sản xuất giống tôm, cung ứng giống cho các huyện miền Đông.

Về nuôi trồng và sản xuất giống thủy sản, sẽ phát triển NTTS theo quy hoạch, hình thành các vùng nuôi tập trung, đảm bảo an toàn thực phẩm, áp dụng nuôi trồng thủy sản theo VietGap, tập trung vào những sản phẩm chủ lực, bao gồm nuôi tôm thẻ chân trắng và tôm sú, chuyển đổi tối thiểu 30% diện tích nuôi tôm quảng canh hiện nay sang thâm canh gắn với quy hoạch, xây dựng các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung chủ yếu ở 3 địa phương là Quảng Yên; Móng Cái; Tiên Yên; giữ ổn định tổng diện tích nuôi tôm như hiện nay.

Thu hoạch TTCT nuôi thâm canh ở Quảng Ninh          Ảnh: CTV

Nuôi tôm thẻ chân trắng và tôm sú tại Quảng Ninh là hình thức nuôi đê cống, do vậy cần đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật cho vùng nuôi. Riêng đối với nuôi thâm canh, chi phí đầu tư lớn, nên chăng tỉnh cần hỗ trợ đầu tư các công trình đầu mối, hạ tầng dùng chung cần nguồn lực lớn từ ngân sách để hỗ trợ đầu tư. Tiếp tục phát triển mở rộng diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng theo hình thức thâm canh theo hướng chuyển đổi diện tích nuôi tôm quảng canh sang thâm canh.

Việc áp dụng mô hình sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP và đảm bảo tiêu chuẩn cơ sở sản xuất thủy sản an toàn thực phẩm; thực hiện Quy định về truy xuất nguồn gốc sản phẩm cần được xem là yếu tố then chốt.

Theo lãnh đạo Sở NN&PTNT Quảng Ninh, tỉnh này xác định xây dựng các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung chủ yếu ở 4 địa phương là Quảng Yên (6.317 ha, tương đương 66,20% diện tích nuôi tôm toàn tỉnh); Móng Cái (1.266 ha, chiếm 13,26% diện tích nuôi tôm toàn tỉnh); Tiên Yên (669 ha, chiếm 7,11%); Hải Hà (350 ha, chiếm 3,66%), với tổng diện tích là 8.761 ha, chiếm 90% tổng diện tích nuôi tôm toàn tỉnh năm 2013. Quy hoạch đến năm 2020 giữ ổn định diện tích nuôi tôm 9.000 ha, trong đó diện tích nuôi tôm thâm canh đạt 4.000 ha, nuôi quảng canh cải tiến 5.000 ha.

Ngọc Thọ

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!