(TSVN) – Năm 2024, ngành nông nghiệp Quảng Ninh đối mặt với nhiều khó khăn do dịch bệnh cũng như ảnh hưởng của Cơn bão số 3. Tuy nhiên với quyết tâm, nỗ lực vượt khó, toàn ngành, đặc biệt là lĩnh vực thủy sản đã bắt tay ngay vào triển khai các giải pháp hướng dẫn người dân xử lý môi trường, kiểm soát dịch bệnh.
Mới đây, ngày 26/12, Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức hội nghị đánh giá kết quả sản xuất một số loài thủy sản chủ lực năm 2024, phương hướng nhiệm vụ trong năm tới.
Theo báo cáo tại Hội nghị, sau 4 tháng bão số 3 đi qua, hoạt động nuôi trồng thủy sản trên toàn tỉnh đã cơ bản khôi phục trở lại. Diện tích nuôi nội địa toàn tỉnh khoảng 32.092 ha, trong đó ngành đang tập trung vào con tôm thẻ chân trắng ở vụ 3 với diện tích thả nuôi đạt gần 2.000 ha nhằm bù đắp thiệt hại giá trị thủy sản của ngành, cũng như đáp ứng nhu cầu dịp Tết tăng cao.
Lồng bè nuôi thủy sản công nghệ cao tại Vân Đồn, Quảng Ninh. Ảnh: Thùy Khánh
Về nuôi biển, toàn tỉnh có khoảng 10.200 ha. Sau bão, ngành nông nghiệp đã đồng hành trong hướng dẫn nhân dân biện pháp chăm sóc, quan trắc môi trường, cảnh báo cho nhân dân tiếp cận được thông tin nhanh nhất để chủ động phòng, chống dịch bệnh, nuôi trồng được hiệu quả.
Bên cạnh đó, công tác cấp phép mặt nước nuôi trồng cũng được các địa phương ven biển đẩy mạnh. Đến nay, toàn tỉnh có 4 địa phương đã thực hiện giao khu vực biển cho các tổ chức, cá nhân nuôi trồng với tổng diện tích trên 8.790 ha tại Quảng Yên, Vân Đồn, Cẩm Phả và Hải Hà.
Dự báo hết quý II/2025, các cơ sở nuôi trồng thủy sản biển tại Quảng Ninh mới cơ bản khắc phục xong cơ sở hạ tầng và đi vào sản xuất ổn định. Yếu tố thời tiết được dự báo ngày càng diễn biến khó lường và một số yếu tố trong môi trường nước có thể gây sốc hoặc bất lợi cho một số thuỷ sản chậm thích nghi.
Ông Phan Thanh Nghị, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Ninh cho biết, trên cơ sở phân tích, đánh giá những khó khăn, thuận lợi, ngành Nông nghiệp tỉnh đặt mục tiêu tăng trưởng lĩnh vực thủy sản sẽ đạt từ 6 đến 8% trong năm 2025. Đồng thời, phấn đấu đưa sản lượng nuôi tôm chiếm tối thiểu trên 25% tổng sản lượng thủy sản nuôi toàn tỉnh.
Riêng đối với nuôi biển, tỉnh sẽ tập trung phối hợp với các địa phương sắp xếp lại theo đề án/phương án được phê duyệt, phấn đấu trước ngày 15/3/2025 hoàn thành quy hoạch vùng nuôi tập trung, vùng nuôi phân tán trên địa bàn và hoàn thành giao khu vực biển nuôi trồng thủy sản; tăng cường hướng dẫn, khuyến khích ứng dụng công nghệ, kỹ thuật đã triển khai có hiệu quả trên địa bàn tỉnh trong nuôi tôm và nuôi biển.
Minh Khuê