Quảng Ninh: Quảng Yên phát huy kinh tế mũi nhọn

Chưa có đánh giá về bài viết

Năm 2012, tình hình nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn TX Quảng Yên gặp nhiều khó khăn. Do thời tiết nắng nóng, mưa lớn thất thường, gây sốc đối với thuỷ sản nuôi, vào cuối tháng 6 và tháng 7 đã xảy ra tôm nuôi ở các vùng Hà An, Đông Yên Hưng xuất hiện tôm chết rải rác, gây thiệt hại cho người nuôi và đã ảnh hưởng tới kết quả nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn.

Vụ xuân – hè năm nay, bà con nông dân và các doanh nghiệp nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn thị xã Quảng Yên đã đưa vào thả nuôi 7.102ha thuỷ sản các loại, đạt 100% so với kế hoạch, trong đó nuôi nước mặn, lợ 6.159ha; nuôi nước ngọt 805ha. Diện tích nuôi công nghiệp là 175ha, đạt 94,6% so với kế hoạch, tăng 1,7% so với cùng kỳ. Riêng diện tích nuôi tôm thâm canh là 171ha, nuôi cá rô phi đơn tính là 4ha. Tổng số giống tôm, cá đã thả là 356 triệu con giống, trong đó: Tôm giống 356 triệu con; cá giống 20 triệu con, tập trung chủ yếu là trong nước ngọt và một số đầm nuôi nước lợ quảng canh cải tiến. Cua biển giống thả vụ xuân hè là 8 triệu con, vụ 2 ước thả là 5 triệu con. Vụ nuôi năm nay, các cơ sở sản xuất giống trên địa bàn thị xã đã sản xuất và cung ứng cho bà con hơn 83,06 triệu con tôm sú, 3 triệu con cua biển giống và hơn 4 triệu con cá giống nước ngọt. Sản lượng nuôi trồng thuỷ sản năm 2012 đạt hơn 5.680 tấn, trong đó sản lượng tôm nuôi đạt hơn 2.300 tấn.

Ngay khi bước vào vụ nuôi, Phòng Kinh tế thị xã và các địa phương đã chỉ đạo chuẩn bị ao đầm và các điều kiện phục vụ cho nuôi trồng thuỷ sản vụ xuân hè năm 2012; chỉ đạo phòng chống dịch bệnh đối với tôm, cá nuôi. Phối hợp với Trạm Thú y, BQL dự án thuỷ sản Đông Yên Hưng, UBND phường Tân An, xã Hoàng Tân tổ chức cấp phát và hướng dẫn xử lý 3.000 lít hoá chất tỉnh cấp cho xử lý môi trường những ao tôm bị bệnh, ngăn chặn việc lây lan dịch bệnh. Cùng với đó, Phòng Kinh tế đã hướng dẫn thực hiện cơ chế hỗ trợ phát triển kinh tế năm 2012, đề xuất cơ chế hỗ trợ chuyển giao công nghệ phát triển sản xuất giai đoạn 2012-2015 và hỗ trợ từ nguồn vốn của xây dựng nông thôn mới cho sản xuất giống tôm sú trên địa bàn.

Cùng với đó, vụ nuôi xuân – hè năm nay, trên địa bàn thị xã đã triển khai 2 dự án ứng dụng khoa học và công nghệ nuôi thử nghiệm cá hồng đỏ và cá sủ đất ở 3 ao, của 3 hộ thuộc vùng dự án Đông Yên Hưng do Ban Quản lý dự án Thuỷ sản Đông Yên Hưng thực hiện bằng nguồn vốn khoa học và công nghệ. Nhiều mô hình phát triển thuỷ sản được triển khai thực hiện như: Dự án xây dựng tiểu vùng nuôi cá rô phi đơn tính tại phường Đông Mai (do Chi cục Nuôi trồng thuỷ sản – Sở NN&PTNT thực hiện); mô hình nuôi tôm he chân trắng, cua biển (do Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh thực hiện); đề tài nuôi cá thác lác cườm và cá rô đầu vuông (do Trung tâm KHKT&SX giống thuỷ sản Quảng Ninh thực hiện), mô hình nuôi cá rô phi đen Thái Lan (do Trạm Khuyến nông thị xã thực hiện).

Vào thời điểm này, tại vùng nuôi trồng thuỷ sản tập trung nội đồng Đông Yên Hưng, bà con nông dân cũng đang tập trung thu hoạch thuỷ sản nuôi vụ xuân – hè và thả giống cho vụ nuôi thu – đông. Ngay từ đầu vụ nuôi, việc đầu tư, nâng cấp các đầm nuôi của các hộ dân trong vùng được quan tâm hơn, hệ thống công trình nuôi đã dần đáp ứng theo yêu cầu kỹ thuật. Công tác quản lý môi trường của cả vùng được quan tâm, việc điều tiết nước được tốt hơn. Chất lượng con giống đã được cải thiện, nhất là giống tôm sú, cua biển tốt hơn. Theo đánh giá của cán bộ thuỷ sản Phòng Kinh tế thị xã, trong những năm gần đây, nuôi tôm theo hình thức thâm canh (nuôi công nghiệp) đã đem lại hiệu quả khá cao cho các doanh nghiệp nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn. Riêng vụ xuân – hè năm nay, toàn thị xã có 171ha nuôi tôm theo hình thức thâm canh, chiếm hơn 2% tổng diện tích nuôi tôm nước lợ trên địa bàn nhưng sản lượng lại chiếm trên 60% tổng sản lượng tôm nuôi.

Đặc biệt trong thời gian gần đây, các cơ sở nuôi tôm công nghiệp trên địa bàn thị xã đã từng bước lựa chọn được công nghệ nuôi phù hợp, thân thiện với môi trường. Việc ứng dụng công nghệ sinh học trong nuôi tôm thâm canh đã được 100% các cơ sở nuôi thực hiện, bằng sử dụng các chế phẩm vi sinh để quản lý môi trường nuôi, nên đã giảm được chi phí, hạn chế việc sử dụng hoá chất, không sử dụng kháng sinh, hạn chế ô nhiễm môi trường nuôi, tạo sản phẩm tôm sạch bệnh, đảm bảo các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm trong nuôi trồng thuỷ sản. Để phát triển nghề nuôi trồng thuỷ sản bền vững, trong thời gian tới TX Quảng Yên tiếp tục tăng cường các nguồn lực đầu tư hạ tầng các vùng NTTS, đặc biệt quan tâm các vùng chuyển lúa kém hiệu quả sang NTTS  và vùng dự án thuỷ sản Đông Yên Hưng; tập trung chỉ đạo đầu tư NTTS vụ xuân – hè và nuôi vụ 2 đạt năng suất chất lượng cao, phấn đấu hình thành các mô hình nuôi trồng thuỷ sản theo quy trình VietGAP, khuyến khích nuôi thâm canh, ứng dụng công nghệ sinh học; tăng cường và chủ động trong điều tra dự báo cảnh báo bệnh dịch, môi trường nuôi. Duy trì hỗ trợ phí kiểm dịch giống, ưu tiên kiểm dịch tại gốc.

Hữu Việt

Báo Quảng Ninh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!