Quảng Ninh: Sản xuất thủy sản bám sát kế hoạch năm 2023

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – 6 tháng đầu năm 2023, tổng sản lượng thủy sản của tỉnh Quảng Ninh đạt 89.769,7 tấn, bằng 105,5% so cùng kỳ năm 2022; trong đó nuôi trồng 52.472,9 tấn, bằng 109,2% so cùng kỳ và khai thác 37.296,8 tấn, bằng 100,7% so cùng kỳ.

Tôm nuôi gặp khó khăn

Chi cục Thủy sản đã thực hiện cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống là 2 cơ sở, lũy kế 17/17 cơ sở, đạt tỷ lệ 100%; đã sản xuất, ương dưỡng tại chỗ khoảng 1.960 triệu giống thủy sản ra thị trường, giống tôm là 1.645 triệu con, giống cá biển là 5 triệu con, nhuyễn thể là 230 triệu con, cá nước ngọt là 28 triệu con và đối tượng nuôi khác là 52 triệu con. Cấp mới 47 giấy chứng nhận cơ sở nuôi trồng thủy sản lồng bè/đối tượng chủ lực, lũy kế 512 cơ sở/5.073 cơ sở, chiếm tỷ lệ 10,1%; tăng 149 cơ sở so với cùng kỳ năm 2022.

Những tháng đầu năm 2023, Chi cục Thủy sản Quảng Ninh đã thực hiện nhiệm vụ quan trắc, cảnh báo môi trường vùng nuôi trồng thủy sản năm 2023 phục vụ cảnh báo nuôi các đối tượng chủ lực, đặc thù của tỉnh. Cụ thể, đã phối hợp với đơn vị tư vấn thu mẫu được 2 lần, tổng số mẫu là 1.710 mẫu nước nuôi trồng thủy sản tại 18 vùng thuộc 9 địa phương Móng Cái, Đầm Hà, Tiên Yên, Hải Hà, Vân Đồn, Cẩm Phả, Quảng Yên, Đông Triều, Uông Bí; kịp thời khuyến cáo về kết quả quan trắc môi trường vùng nuôi trồng thủy sản đến các địa phương và người nuôi. 

Do tình hình thời tiết có nhiều diễn biến bất lợi, 6 tháng đầu năm 2023, xuất hiện tình trạng tôm nuôi bị bệnh hoại tử gan tụy cấp (AHPND) và bệnh đốm trắng (WSSSV) tại các vùng nuôi trọng điểm trên địa bàn tỉnh (Quảng Yên, Đầm Hà, Hải Hà, Tiên Yên và Móng Cái) với trên 120 hộ nuôi, diện tích hơn 92 ha. Chi cục Thủy sản Quảng Ninh đã phối hợp với phòng NN&PTNT các địa phương thực hiện khoanh vùng, kịp thời hướng dẫn, hỗ trợ người dân khử trùng ao nuôi theo quy định. 

Các địa phương đã tăng cường vận động, hướng dẫn, hỗ trợ người dân thực hiện chuyển đổi vật liệu nổi theo quy định, đến ngày 31/5/2023, toàn tỉnh có 5.959.885 quả phao xốp, đến nay đã cắt bỏ 3.446.464 quả, đã thực hiện chuyển đổi từ phao xốp sang phao nhựa theo quy chuẩn là 2.287.719/2.513.421, đạt tỷ lệ 91%, còn phải chuyển đổi là 240.677 quả (chiếm 9%).

Vẫn còn nhiều tàu cá vi phạm

Tổng số tàu cá trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến 15/6/2023 là 6.005 tàu, trong đó: 1.431 tàu cá có chiều dài lớn nhất dưới 6 m; 3.772 tàu cá có chiều dài từ 6 m đến dưới 12 m; 573 tàu cá có chiều dài từ 12 m đến dưới 15 m và 231 tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên (hoạt động tại vùng khơi).

6 tháng đầu năm 2023 Chi cục Thủy sản Quảng Ninh đã thực hiện cấp phép khai thác thủy sản đối với 44 tàu cá, lũy kế đã cấp 559/804 tàu; cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm cho 83 tàu cá, lũy kế cấp 209/231 tàu, đạt 90,48%.

Ngoài ra, Chi cục Thủy sản Quảng Ninh đã tổ chức 19 cuộc tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trong hoạt động khai thác, bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản trên biển; đã phát hiện và xử phạt 126 trường hợp vi phạm với tổng số tiền thu phạt là 1.332 triệu đồng; tiếp nhận 108 tin báo đường dây nóng, trong đó có 97 tin liên quan đến lĩnh vực quản lý, xử phạt 14 trường hợp, thu nộp ngân sách nhà nước 187,5 triệu đồng. 

Tổng số lượt tàu cá cập, rời bến tại cảng Cái Rồng là 1.060 lượt tàu cá, trong đó: 517 lượt cập, 543 lượt rời; tổng sản lượng thủy sản khai thác bốc dỡ là 1.650,1 tấn; thu 474 cuốn nhật ký khai thác, thu mua và báo cáo khai thác thuỷ sản. Tại các điểm kiểm soát tại các địa phương, số tàu cập và rời cảng luỹ kế 2.061 lượt, số sản lượng kiểm soát qua cảng luỹ kế 3.999 tấn.

Nông dân xã Hải Lạng (huyện Tiên Yên, Quảng Ninh) thu hoạch tôm. Ảnh: Nguyễn Thanh

Đảm bảo chỉ tiêu cuối năm

Nhằm tiếp tục thực hiện đúng, đảm bảo các chỉ tiêu, kịch bản tăng trưởng năm 2023, 6 tháng cuối năm 2023, Chi cục Thủy sản Quảng Ninh tiếp tục bám sát kế hoạch và kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2023 lĩnh vực thủy sản. Tham mưu Sở NN&PTNT trình xin chủ trương UBND tỉnh phê duyệt và triển khai thực hiện các dự án, đề án trọng tâm: Phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển bền vững giai đoạn năm 2022 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của tỉnh Quảng Ninh; Đề án đổi mới, sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức bộ máy của Chi cục Thủy sản; Đề án cơ cấu lại đội tàu khai thác thủy sản đến năm 2030; Đề án phát triển bền vững kinh tế thủy sản đến năm 2030; Kế hoạch thực hiện Đề án bảo vệ môi trường trong hoạt động thủy sản giai đoạn 2021 – 2030; Nhiệm vụ thuê dịch vụ công nghệ thông tin thực hiện công tác quản lý hoạt động khai thác, nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn tỉnh. 

Đồng thời, tham mưu Sở NN&PTNT chủ trì và Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp ban hành hướng dẫn liên ngành về phương án tổ chức sản xuất và giao khu vực biển để thống nhất đồng bộ trong giao mặt nước; phối hợp với các địa phương xác định đối tượng, vùng nuôi, hạn mức giao/sử dụng mặt nước biển. Triển khai Kế hoạch sơ kết sản xuất vụ tôm Xuân – Hè, kế hoạch triển khai sản xuất vụ Thu – Đông. 

Tổ chức các chuyến tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người và phương tiện; xử lý nghiêm các lỗi vi phạm theo quy định; lồng ghép kiểm tra, đánh giá các hoạt động nuôi trồng thủy sản trên biển tại các khu vực tuần tra, nhất là tình hình sử dụng và chuyển đổi vật liệu nổi. 

Kịp thời nắm bắt thông tin về môi trường, tình hình sản xuất, thiên tai, dịch bệnh trên tôm, cá, nhuyễn thể, hoạt động của các dự án trong lĩnh vực thủy sản; thực hiện nhiệm vụ quan trắc, cảnh báo môi trường vùng nuôi trồng thủy sản. Phối hợp với UBND huyện Tiên Yên thực hiện chương trình thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản nhân dịp Lễ Vu Lan năm 2023. Quản lý đội tàu, kiểm tra, kiểm soát tàu cá; kiểm soát sản lượng thủy sản khai thác.

Ngọc Diệp

(Tổng hợp)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!