(TSVN) – Bão số 3 (bão YAGI) đi qua đã gây thiệt hại nặng nề cho tỉnh Quảng Ninh, trong đó, phải kể đến những người nuôi trồng thủy sản (NTTS) trên biển. Tính đến ngày 11/9, toàn tỉnh có 41 tàu cá các loại bị chìm, trôi dạt; trên 2.402 cơ sở NTTS bị thiệt hại.
Cụ thể, tại huyện Vân Đồn, bão số 3 đã gây thiệt hại trên 2.200 tỷ đồng cho ngư dân. Trong đó, nhuyễn thể thiệt hại ước tính trên 1.300 tỷ đồng; cá biển trên 500 tỷ đồng; hải sản khác gần 400 tỷ đồng. Ngoài ra còn thiệt hại 318 nhà bè; gần 90 tàu thuyền các loại bị đắm, vỡ. Còn tại TP Cẩm Phả, ước tính có 158/371 cơ sở NTTS bị thiệt hại do bão, với tổng giá trị thiệt hại ước tính hàng trăm tỷ đồng.
Mới đây, ngày 11/9, khi kiểm tra thực tế tình hình thiệt hại và trò chuyện với các hộ NTTS trên biển bị ảnh hưởng nặng nề trong bão Yagi tại Vân Đồn và Cẩm Phả, bà Trịnh Thị Minh Thanh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh chia sẻ khó khăn với người dân, đồng thời, động viên các gia đình cố gắng vượt qua thời điểm này, bình tĩnh, nhanh chóng khôi phục lại nuôi trồng đối với những lồng bè còn sót lại, có thể sửa chữa, nuôi tiếp.
Bà Thanh yêu cầu chính quyền huyện Vân Đồn và TP Cẩm Phả kịp thời động viên, hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả; bảo vệ tài sản còn lại của người dân, giúp họ khôi phục sản xuất trong thời gian sớm nhất; đồng thời tiếp tục thống kê các hộ thiệt hại, mức độ thiệt hại, từ đó đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ cho người dân.
Với số lượng lồng bè, giàn nuôi hàu của người dân bị thiệt hại lớn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh yêu cầu 2 địa phương hướng dẫn các hộ dân và bố trí lực lượng hỗ trợ thu gom, trục vớt, tránh để gây ô nhiễm môi trường và không ảnh hưởng đến các tuyến, luồng đường thủy nội địa, quốc gia qua địa bàn. Đối với những phương tiện thủy bị vỡ, đắm, có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường vì dầu loang, 2 địa phương cần triển khai ngay việc trục vớt, khoanh vùng, không để ảnh hưởng đến môi trường biển.
Để đảm bảo công tác NTTS được bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, bà Thanh yêu cầu 2 địa phương trên cơ sở các quy hoạch đã được phê duyệt, đặc biệt là quy hoạch nuôi biển và các định hướng phát triển kinh tế biển, cần xây dựng giải pháp tổng thể để khôi phục nghề nuôi biển theo hướng bền vững hơn, nhất là trong điều kiện diễn biến thời tiết ngày càng phức tạp như hiện nay.
Tối ngày 12/9, UBND huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh, tổ chức hội nghị động viên, lắng nghe ý kiến, kiến nghị của các cơ sở, hộ gia đình NTTS bị ảnh hưởng do bão số 3. Theo thống kê của địa phương, bão số 3 gây thiệt hại nặng nề cho các cơ sở, hộ gia đình NTTS trên địa bàn huyện Vân Đồn. Trong đó, tổng sản lượng thủy sản đến kỳ thu hoạch bị thiệt hại khoảng 32.112 tấn. Cụ thể hàu 25.638 tấn, cá 636 tấn, hải sản khác 5.840 tấn. Tổng thiệt hại ước tính đối với hàu là 1.353 tỷ đồng, cá 533 tỷ đồng, hải sản khác 395 tỷ đồng.
Tại hội nghị, các cơ sở, hộ NTTS trên địa bàn huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh, đề xuất lãnh đạo UBND huyện Vân Đồn kiến nghị cấp thẩm quyền có cơ chế, chính sách phù hợp hỗ trợ để người dân có điều kiện tái sản xuất trong thời gian sớm nhất. Bên cạnh đó, các ngân hàng khoanh nợ và tạo điều kiện vay vốn mới để tái sản xuất ở mức lãi suất thấp nhất cho người dân cũng như hoãn, giãn, giảm thu thuế đối với diện tích thuê mặt biển.
Bên cạnh đó, theo phản ảnh của một số cơ sở, hộ NTTS ở huyện Vân Đồn, hiện một số vùng biển xuất hiện tình trạng hôi của, mặc dù không phải tài sản của mình nhưng vẫn ra biển thu gom thủy sản hộ khác nuôi trồng. Họ kiến nghị chính quyền địa phương cần thực hiện các biện pháp ngăn chặn kịp thời.
Lãnh đạo UBND huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh bày tỏ, chính quyền địa phương rất thấu hiểu, chia sẻ với những khó khăn mà các hộ NTTS trên địa bàn đang phải gánh chịu sau bão. Những kiến nghị mà người NTTS nêu ra là xác đáng, phù hợp với bối cảnh hiện tại.
Địa phương cũng cam kết luôn đồng hành với các cơ sở, người NTTS để sớm tháo gỡ những khó khăn trước mắt, nhất là tạo điều kiện tốt nhất giúp người nuôi tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của các ngân hàng. Liên quan đến phản ánh tình trạng hôi của sau bão, UBND huyện Vân Đồn cho biết sẽ giao cơ quan chức năng vào cuộc xác minh và sớm có biện pháp ngăn chặn.
Cách đây không lâu, những người nuôi biển ở Quảng Ninh đã cơ bản hoàn thành việc chuyển đổi vật liệu sử dụng làm lồng bè nuôi từ bằng phao xốp sang vật liệu quy chuẩn nhựa HDPE thân thiện với môi trường với chi phí đầu tư khá lớn. Tuy nhiên, cơn bão số 3 đã tàn phá nghề nuôi biển của địa phương này. Hầu hết các lồng bè nuôi này đều bị sóng, gió đánh cuộn thành từng mảng trôi dạt trên biển vào các gành núi đá.
Ông Phan Thanh Nghị, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ninh cho biết, qua kiểm tra, nhìn chung hầu hết gần 3.000 hộ nuôi biển trên địa bàn tỉnh ít nhiều đều bị thiệt hại. Nếu tính quy mô nuôi, mỗi hộ đầu tư từ 2 – 3 tỷ đồng, cá biệt có hộ đầu tư cả chục tỷ đồng thì thiệt hại riêng nghề nuôi biển cũng hàng nghìn tỷ đồng.
Minh Khuê
(Tổng hợp)