Quảng Ninh: Triển vọng mô hình nuôi sá sùng thương phẩm

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Mô hình là sản phẩm nghiên cứu của Trường Cao đẳng Kinh tế, Kỹ thuật và Thủy sản đã Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Ninh. Mô hình được thí điểm nuôi tại bãi triều xã Quảng Minh (huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh). Bước đầu đã cho kết quả khả quan.

Thả giống sá sùng (Sipunculus nudus) trên bãi triều tại huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: ftec.edu.vn

Sá sùng được gọi là “thực phẩm giàu dinh dưỡng” và là một trong những đặc sản đặc trưng của tỉnh Quảng Ninh với giá trị kinh tế rất lớn. Giá thành sá sùng khô trên thị trường dao động từ 4 – 6 triệu đồng/kg và giá sá sùng tươi dao động từ 150 – 350 nghìn đồng/kg tùy vào từng thời điểm khác nhau.

Thời gian gần đây, sá sùng được thu mua và chế biến xuất khẩu sang một số nước. Nhờ có thị trường xuất khẩu cho nên việc khai thác sá sùng đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân ven biển. Vì thế, hàng năm, ngư dân khai thác khá nhiều, một phần được tiêu thụ trong nước và phần lớn được xuất khẩu ra nước ngoài dưới dạng sản phẩm khô. Tuy nhiên, trong quá trình khai thác, người dân đã khai thác không đúng mùa vụ, không đúng kích cỡ nên đã làm giảm đáng kể nguồn lợi sá sùng.

Theo nghiên cứu của các chuyên gia, điển hình như tại xã Minh Châu (huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh), sản lượng khai thác sá sùng năm 1996 là 12 tấn khô, năm 2007 là 10 tấn, năm 2008 là 6 – 8 tấn, hiện nay ước tính chỉ đạt 4 – 5 tấn. Kích thước của sá sùng cũng có xu hướng giảm mạnh, từ 11cm (năm 1998) hiện nay giảm còn khoảng 7 cm.

Trước thực trạng này, ngày 3/8/2023 UBND tỉnh Quảng Ninh ra Quyết định số 2208 về việc phê duyệt nhiệm vụ “Hoàn thiện công nghệ sản xuất giống và nuôi thương phẩm sá sùng quy mô hàng hóa tại tỉnh Quảng Ninh”. Trường Cao đẳng Kinh tế, Kỹ thuật và Thủy sản đã ký kết hợp đồng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Ninh thực hiện.

Trường Cao đẳng Kinh tế, Kỹ thuật và Thủy sản cho biết, trường đã và đang thực hiện các nội dung theo đúng tiến độ được phê duyệt. Đợt thả 9.000 giống sá sùng vừa qua là bước thực hiện nội dung thí nghiệm 7, sau khi nghiên cứu, thực nghiệm ương giống lên cấp 2 trong bể xi măng rồi mới đưa ra nuôi thương phẩm ngoài bãi triều.

Ông Nguyễn Văn Sơn – Giám đốc HTX Quảng Hà cho biết: Sau hơn 1 tháng thả 9.000 giống sá sùng xuống bãi triều (được quây thành 6 ô với tổng diện tích 300 m2), sá sùng sinh trưởng rất tốt. 

Theo ông Sơn, bãi triều Quảng Minh có cát vàng, xốp, môi trường trong sạch, nguồn thức ăn phong phú từ các bãi sú, vẹt lân cận và từ sông Hà Cối chảy ra, hơn nữa bãi triều Quảng Minh có sá sùng xuất hiện tự nhiên. Đây là những điều kiện tối ưu về môi trường, thổ nhưỡng để sá sùng sinh trưởng và phát triển.

Thời gian tới, HTX Quảng Hà phối hợp với Trường Cao đẳng Kinh tế, Kỹ thuật và Thủy sản tiếp tục thả 35.000 đến 40.000 giống sá sùng xuống ao nuôi tại bãi triều Quảng Minh. Sau khi thu nhận được những dấu hiệu khả quan, dự kiến đến tháng 10 sẽ thả tiếp với số lượng lớn hơn nhiều lần.

Mô hình hứa hẹn thành công sẽ là cơ sở cho nghề nuôi sá sùng phát triển, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân ven biển, giảm áp lực khai thác sá sùng tự nhiên và phục vụ cho việc bảo tồn nguồn lợi.

Ngọc Diệp

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!