Quảng Trị: Hiệu quả nhờ thay đổi đối tượng, hình thức nuôi mới

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Nhằm đa dạng hóa, chuyển đổi đối tượng nuôi tại những vùng nuôi tôm kém hiệu quả hay bị dịch bệnh sang đối tượng nuôi mới phù hợp; trong những năm qua, Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị đã triển khai một số mô hình trình diễn như: Nuôi cá dìa trong ao, nuôi xen ghép các đối tượng thủy sản… mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nuôi cá dìa trong ao 

Mô hình được triển khai tại hộ anh Hoàng Thế Vinh ở thôn Nam Sơn, xã Trung Giang, huyện Gio Linh, trên diện tích 3.000 m², mật độ thả 50 con/m². 

Qua quá trình nuôi, anh Vinh chia sẻ, được sự hướng dẫn của cán bộ khuyến nông, anh thấy kỹ thuật nuôi cá dìa không khó, kỹ thuật nuôi không đòi hỏi nghiêm ngặt như nuôi tôm. Dịch bệnh trên cá dìa cũng ít, chỉ cần môi trường nuôi cá sạch, không ô nhiễm. Sau 2,5 tháng nuôi, cá dìa sinh trưởng phát triển nhanh, kích cỡ bình quân đạt 20 con/kg, sản lượng ước đạt 1,8 – 2 tấn, với giá bán 120.000 đồng/kg, dự tính anh Vinh thu được trên 100 triệu đồng tiền lãi. 

 

Những năm qua, mô hình nuôi xen ghép thủy sản được Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị triển khai cho hiệu quả cao Ảnh: TTKNQT 

Việc triển khai mô hình cho thấy cá dìa sinh trưởng và phát triển tốt, phù hợp với khí hậu, thời tiết tại địa phương, có giá trị kinh tế cao, cần nhân rộng và phát triển mô hình một cách bền vững. Thông qua mô hình sẽ hoàn thiện quy trình nuôi thương phẩm cá dìa trong ao; chuyển giao kỹ thuật tới người dân trên địa bàn về phương pháp nuôi ổn định hơn với điều kiện địa phương. 

Nuôi thủy sản xen ghép 

Ông Nguyễn Sản ở xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong đăng ký tham gia thực hiện mô hình nuôi TTCT kết hợp cá đối mục và cua trong ao do Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị triển khai từ năm 2020. Ông Sản cho biết, với diện tích ao nuôi 4.000 m² ông thả nuôi 6 vạn con tôm giống và 2.000 con cua giống, tương đương mật độ 15 con/m² đối với tôm và 0,5 con/m² đối với cua. Sau gần 15 ngày, ông thả nuôi tiếp 4.000 con cá đối mục, mật độ 1 con/m². Sau gần hơn 3 tháng nuôi đối với tôm và cua, 5 tháng nuôi đối với cá đối mục, ông thu được hơn 600 kg tôm thương phẩm, 310 kg cá đối và 150 cua. Trừ chi phí ông lãi trên 67 triệu đồng. Từ thành công của mô hình nuôi thử nghiệm do Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ, đến nay ông Sản đã chuyển toàn bộ diện tích nuôi tôm còn lại của mình sang nuôi xen ghép. 

Mặc dù hiệu quả kinh tế của nuôi xen ghép không cao bằng nuôi độc canh con tôm nhưng ít rủi ro hơn, mang lại thu nhập cho người nuôi ổn định hơn. Chỉ sau khoảng 2 tháng thả giống là đã cho thu hoạch theo hình thức thu tỉa, bình quân mỗi ao nuôi từ 4 – 5 kg tôm, cua/ngày và cho thu hoạch liên tục trong 2 – 3 tháng. Với giá bán hiện nay, trừ chi phí người nuôi có thu nhập từ 500.000 – 600.000 đồng/ngày. 

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị Phan Văn Phương, khi thực hiện các mô hình phải đúng thời điểm mùa vụ, nuôi đúng yêu cầu kỹ thuật từ khâu chọn giống, phòng bệnh đến chăm sóc. Đồng thời, người nuôi cần tìm hiểu đặc điểm, điều kiện tự nhiên của từng vùng để kết hợp đối tượng nuôi trồng cho phù hợp. 

Anh Vũ

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!