Quảng Trị: Hướng đến phát triển hệ thống thủy lợi đa mục tiêu

Chưa có đánh giá về bài viết

Toàn tỉnh hiện có trên 500 công trình thủy lợi lớn, nhỏ các loại, trong đó có 123 hồ chứa và 2 đập dâng với tổng dung tích khoảng 450 triệu m3 . Tuy nhiên, phần lớn các hồ chứa trên địa bàn tỉnh đều mới chỉ thực hiện nhiệm vụ chính là cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, chưa tận dụng tối đa tiềm năng vốn có của hồ chứa để khai thác tổng hợp, đa mục tiêu, đa nhiệm vụ.

Nuôi cá lồng bè trong lòng hồ tại hồ chứa thủy lợi Bảo Đài – Ảnh: L.A

Được xây dựng cơ bản đồng bộ, tập trung phần lớn ở thượng lưu của các con sông, suối trong lưu vực của 3 hệ thống sông chính: Bến Hải, Thạch Hãn và Ô Lâu, các hệ thống công trình thủy lợi có ý nghĩa hết sức quan trọng trong đảm bảo an ninh nguồn nước cho sản xuất và sinh hoạt.

Hệ thống các công trình thủy lợi góp phần không nhỏ trong công tác phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, đảm bảo an toàn, tính mạng và tài sản cho Nhân dân trong vùng. Từng bước đáp ứng nhu cầu cấp nước đa mục tiêu, đảm bảo công tác tưới tiêu ổn định, chủ động cho trên 85% diện tích gieo cấy lúa 2 vụ với hơn 50.400 ha; tưới cho màu, mạ, cây công nghiệp khoảng 2.160 ha; cấp nước cho 1.975 ha nuôi trồng thủy sản; tiêu nước đầu, cuối vụ 7.500 ha; ngăn mặn, giữ ngọt, chống lũ sớm, lũ tiểu mãn, chống cát bay, cát lấp cho hơn 33.750 ha. Hệ thống này góp phần rất lớn cho việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất nông nghiệp như giống, mùa vụ, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi…; là yếu tố quan trọng trong việc tăng trưởng kinh tế nông nghiệp của tỉnh, đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn tỉnh, thực hiện tốt phương châm “phát triển gắn với bền vững”.

Theo đánh giá của các chuyên gia, trên địa bàn tỉnh có một số công trình hồ chứa có dung tích, diện tích mặt nước, lòng hồ và vùng phụ cận lớn như: La Ngà, Bảo Đài, trên địa bàn huyện Vĩnh Linh; Trúc Kinh, Kinh Môn, Hà Thượng, Phú Dụng trên địa bàn huyện Gio Linh; Trung Chỉ, Khe Mây, Km 6 TP. Đông Hà; Ái Tử, Triệu Thượng 1, Triệu Thượng 2 huyện Triệu Phong; Nghĩa Hy, Đá Mài, Tân Kim, Đá Lã, Hiếu Nam huyện Cam Lộ; Lìa, Tân Độ huyện Hướng Hóa và hồ Khe Chanh, Khe Khế, Khe Rò 1, Thác Heo… có tiềm năng rất lớn trong việc khai thác nguồn nước, mặt nước, vùng phụ cận để phát triển nhiệm vụ đa mục tiêu của công trình thủy lợi.

Tuy nhiên, hiện tại, ngoài phục vụ sản xuất nông nghiệp truyền thống, việc khai thác tổng hợp, đa mục tiêu các công trình thủy lợi nói chung và các hồ chứa nước thuỷ lợi nói riêng trên địa bàn tỉnh còn khá hạn chế.

Trong tổng số 123 hồ chứa nước thủy lợi và 2 đập dâng chỉ mới có 5 công trình hồ chứa nước mở rộng khai thác, phục vụ cấp nước sinh hoạt, sản xuất phi nông nghiệp gồm: hồ chứa nước Hà Thượng cấp nước cho khu công nghiệp Quán Ngang, huyện Gio Linh; hồ Ái Tử tạo nguồn cấp nước cho nhà máy nước Đông Lương, TP. Đông Hà; hồ chứa nước Đá Mài – Tân Kim cấp nước cho nhà máy sắn An Thái; hồ chứa nước Khe Mây cấp nước cho nhà khách Tỉnh ủy; hệ thống Nam Thạch Hãn cấp nước cho nhà máy sắn Hải Lăng và tạo nguồn cấp nước cho nhà máy nước Tích Tường, thị xã Quảng Trị.

Ngoài ra còn có một số hồ kết hợp nuôi trồng thủy sản với quy mô nhỏ, không đáng kể. Các dịch vụ khác như: kinh doanh dịch vụ du lịch, thể thao, nuôi trồng thủy sản, rừng gỗ lớn đầu nguồn, trồng cây dược liệu, khai thác năng lượng (thủy điện, điện mặt trời)… chưa được tận dụng khai thác.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hồ Xuân Hòe thông tin, hiện nay, trên cả nước đã có những hồ chứa lớn thực hiện thêm một số nhiệm vụ mới như hồ Hòa Bình phát triển du lịch lòng hồ, tham quan nhà máy thủy điện, nuôi cá lồng bè phía thượng lưu hồ; hồ Trị An phát triển nuôi cá lồng bè, trang trại sinh thái; hồ Núi Một, hồ Định Bình (Bình Định) phát triển du lịch lòng hồ, nuôi thủy sản đánh bắt tự nhiên ở lòng hồ, nuôi cá lồng bè.

Một số hồ chứa đã lập đề án khai thác tổng hợp đã được phê duyệt và triển khai có hiệu quả như: hồ Thanh Lanh (phê duyệt năm 2022), hồ chứa nước Vân Trục, Bò Lạc (phê duyệt năm 2023) thuộc tỉnh Vĩnh Phúc. Trên cơ sở đó, để tận dụng quỹ đất hiện có trong phạm vi bảo vệ công trình và vùng phụ cận; diện tích mặt nước, nguồn nước và các lợi thế hiện có của các hồ chứa để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, Sở Nông nghiệp và PTNT đang lập đề án khai thác tổng hợp, đa mục tiêu các hồ chứa thủy lợi trên địa bàn tỉnh.

Mục tiêu của đề án nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế tại mỗi hồ chứa nước phù hợp với Quy hoạch phát triển vùng; đảm bảo phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, cấp nước sạch; an toàn đập; khai thác tổng hợp nguồn nước phục vụ đa mục tiêu. Tạo điều kiện cho các đơn vị được giao quản lý công trình điều hành, sử dụng nguồn nước hợp lý, nâng cao hiệu quả sử dụng đất vùng bán ngập, vùng phụ cận; đảm bảo an toàn công trình.

Tạo cơ sở pháp lý để các cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị quản lý công trình và các nhà đầu tư nghiên cứu, triển khai đầu tư, khai thác phát triển kinh tế đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật.

Phát triển du lịch, dịch vụ, văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí; sản xuất điện (điện mặt trời, thuỷ điện); nuôi trồng thuỷ sản trong lòng hồ… “Đề án được triển khai sẽ góp phần tăng ngân sách cho Nhà nước, kích cầu phát triển kinh tế, du lịch, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng nông nghiệp, nông thôn, dịch vụ…

Đồng thời, đề án cũng tạo việc làm cho Nhân dân trong vùng; mang đến không gian, cảnh quan xanh, sạch, đẹp cho môi trường tại các công trình hồ chứa nước và sự đa dạng cho nhu cầu vui chơi, giải trí, gần gũi với thiên nhiên của người dân trong tỉnh cũng như khách du lịch”, ông Hòe khẳng định.

Lê An

Nguồn: Báo Quảng Trị

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!