Quảng Trị: Khuyến nghị vụ nuôi thủy sản năm 2014

Chưa có đánh giá về bài viết

Năm 2013, sản lượng nuôi thuỷ sản toàn tỉnh Quảng Trị đạt 7.800 tấn, giảm hơn 1.000 tấn so năm 2012, nguyên nhân chính do dịch bệnh hội chứng hoại tử gan tuỵ cấp tính (AHPNS) xảy ra ở tôm nuôi giai đoạn từ 30 – 45 ngày tuổi, chủ yếu tập trung ở tôm sú, với diện tích bị bệnh lên đến trên 200 ha, gây thiệt hại lớn cho nhiều hộ nuôi tôm.

Nhằm hạn chế thiệt hại do dịch bệnh, giúp người nuôi thuỷ sản có cơ sở triển khai vụ nuôi mới năm 2014 được thuận lợi, Sở NN&PTNT Quảng Trị khuyến nghị vụ nuôi thủy sản năm 2014 như sau:

Đối với nuôi cá nước ngọt

– Đối tượng nuôi truyền thống (cá mè, trôi, trắm, chép, trê lai…) thả giống nuôi lớn theo nguyên tắc nuôi ghép nhiều loài cá là hiệu quả kinh tế nhất.

– Nuôi cá rô phi đơn tính, cá rô đầu vuông chuyên canh bắt đầu từ tháng 3.

– Nuôi cá ruộng lúa nên thả giống lớn.

– Nuôi cá chình khi thu hoạch trọng lượng cá đạt từ 2-3 kg/con, thời gian nuôi khoảng 2 năm hiệu quả càng cao.

Lưu ý: Đối với ao nuôi mới: Sau khi xây dựng xong, cấp nước vào ao và tháo ra từ 1-2 lần để thau chua, rửa phèn và bón vôi để nâng pH đất đáy ao. Đối với cá giống, luyện cá trước khi đưa về thả vào ao nuôi. 

 

Đối với nuôi các đối tượng nước mặn, lợ

Nuôi tôm:

– Tôm giống là yếu tố tiên quyết để vụ nuôi thắng lợi nên nhất thiết giống phải được thuần hoá, kiểm tra chất lượng và mầm bệnh. Đối với tôm sú phải kiểm tra bệnh còi, đốm trắng, đầu vàng, hội chứng hoại tử gan tuỵ cấp tính và bệnh hoại tử dưới vỏ; tôm chân trắng phải kiểm tra bệnh đốm trắng, đầu vàng, taura, hội chứng hoại tử gan tuỵ cấp tính và bệnh hoại tử dưới vỏ. Chính quyền địa phương và tổ cộng đồng nuôi tôm cần tổ chức kiểm tra nguồn gốc và giấy chứng nhận kiểm dịch tôm giống trước khi thả để tránh lây lan dịch bệnh trong vùng nuôi tập trung.

– Các vùng nuôi phải dần dần áp dụng Quy tắc “Thực hành nuôi tốt (GAP/CoC)” để phát triển bền vững và đăng ký, kiểm tra vùng nuôi để lập “Hồ sơ truy xuất” và đánh dấu vùng nuôi theo quy định của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

– Duy trì các yếu tố môi trường: pH nước ≤ 8; độ kiềm trong 2 tháng nuôi đầu giao động 80 – 120 mg/l, 2 tháng cuối giao động 130 – 150 mg/l (để khống chế sự phát triển của vi khuẩn Vibrio, là một trong những nguyên nhân gây hội chứng hoại tử gan tuỵ cấp tính ở tôm nuôi).

Đối với tôm sú: Nuôi một vụ tôm sú ăn chắc, thời gian thả giống tập trung vào tháng 4, tháng 5 để thu hoạch trước tháng 9. Mật độ thả nuôi từ 15 – 20 P15/m2 là phù hợp với nuôi bán thâm canh để đạt 2 tạ tôm thương phẩm/1 vạn giống P15; cỡ tôm thu hoạch dưới 40 con/kg. 

 

Mô hình luân canh nuôi tôm sú và rong câu ở Triệu Phước, Triệu Phong

Đối với nuôi vụ 2 trên ao tôm sú: Đối tượng nuôi chính là cá rô phi dòng Gift, mật độ nuôi 1 con/2 – 3 m2; rô đầu vuông, mật độ 2 – 3 con/m2 để luân canh, cải tạo môi trường sản xuất bền vững cho vụ sau.

Đối với tôm chân trắng: Nuôi tôm chân trắng cũng có nhiều rủi ro do dịch bệnh; chi phí, yêu cầu về kỹ thuật, ao nuôi và các trang bị khác cao hơn tôm sú nhiều nên phải hết sức thận trọng. Các tổ chức, cá nhân nuôi tôm chân trắng ở vùng cát ven biển theo quy hoạch chi tiết của địa phương.

Nuôi tôm chân trắng phải chuẩn bị ao thật kỹ, thời gian chuẩn bị ao cho vụ nuôi kế tiếp tối thiểu từ 15 – 20 ngày, nước sau khi lấy vào ao phải được gây màu, độ trong đạt 40 – 50cm, kiểm tra các yếu tố môi trường đạt yêu cầu mới tiến hành thả giống.

Nuôi tôm chân trắng phải kiểm tra chặt chẽ các yếu tố môi trường và hệ thống ao nuôi phải đạt tiêu chuẩn vùng nuôi an toàn theo quy định của Bộ NN&PTNT (có ao xử lý nước thải, cấp riêng biệt, nếu không đủ điều kiện thì nuôi đối tượng khác).

Nuôi tôm chân trắng, tuỳ theo điều kiện lót bạt và không lót bạt mà thả với mật độ thích hợp. Đối với ao trên cát nuôi mật độ thả nuôi khoảng 100 – 120 con/m2, ao ven sông có lót bạt khoảng 50 – 70 con/m2, ao đất hoàn toàn từ 30 – 40 con/m2.

 

Đối với nuôi ghép, cua xanh, rô phi đơn tính dòng gift…

Vùng trũng, vùng nuôi tôm bán thâm canh không hiệu quả nên chuyển sang nuôi cua, cá rô phi đơn tính hoặc nuôi ghép tôm, cua, cá rô phi đơn tính, cá nước lợ… với mật độ thấp.

Lưu ý: Sử dụng thuốc diệt giáp xác để loại bỏ vật chủ trung gian trong quá trình cải tạo ao nuôi phải thận trọng, vì một số loại thuốc diệt giáp xác có nguồn gốc thuốc bảo vệ thực vật gây ảnh hưởng cho tôm nuôi về sau.

Để vụ nuôi năm 2014 đạt kết quả cao, các địa phương, người nuôi thủy sản cần tăng cường hợp tác, quản lý cộng đồng trong các khâu sản xuất như cấp, thải nước, bảo vệ, kiểm soát, phát hiện và hỗ trợ xử lý dịch bệnh, tiêu thụ sản phẩm. Tích cực phòng chống dịch bệnh với phương châm phòng bệnh là chính. Áp dụng định mức chi phí đầu tư hợp lý để có lợi nhuận cao.

Ngoài ra các đơn vị trong ngành phối hợp chặt chẽ với địa phương, chỉ đạo và kiểm tra các cơ sở dịch vụ nuôi trồng thuỷ sản và vùng nuôi để tránh tình trạng nhập giống, thức ăn và các chế phẩm không rõ nguồn gốc và triển khai hướng dẫn đến tận vùng nuôi để đảm bảo vụ nuôi 2014 thắng lợi.

Trần Cẩn

Báo Quảng Trị

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!