(TSVN) – Trải qua 30 năm xây dựng và phát triển, khuyến nông Quảng Trị đã có nhiều đóng góp quan trọng trong việc thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, công tác khuyến nông luôn đồng hành với nông dân trong quá trình sản xuất.
Mô hình nuôi tôm thâm canh 2 giai đoạn, 3 giai đoạn theo công nghệ biofloc, sử dụng chế phẩm sinh học, thời gian nuôi rút ngắn, tôm phát triển nhanh, không sử dụng hóa chất và kháng sinh, hạn chế dịch bệnh, chi phí sản xuất thấp, cho năng suất cao, TTCT đạt từ 23 – 28 tấn/ha, tôm sú đạt từ 3,5 – 4,3 tấn/ha.
Mô hình nuôi tôm kết hợp với cá và cua trong ao nâng cao hiệu quả sử dụng thức ăn, duy trì tính ổn định của vùng nuôi, hạn chế rủi ro do dịch bệnh, cho hiệu quả cao. Ngoài ra, trung tâm cũng triển khai các mô hình nuôi thâm canh cá dìa, cá kình, cá leo bước đầu phù hợp với điều kiện thời tiết của địa bàn và mang lại giá trị kinh tế khá.
Mô hình nuôi cá chình thương phẩm tại Bình Định. Ảnh: Thành Nguyên
Từ những thành công của công tác chuyển giao tiến bộ kỹ thuật thông qua các mô hình NTTS, diện tích và sản lượng nuôi trồng ngày càng tăng cao cả về quy mô và chất lượng. Năm 2000, diện tích NTTS 688 ha, sản lượng 744,3 tấn, đến năm 2022 diện tích 3.605,1 ha, sản lượng 9.017,3 tấn.
Chương trình khuyến ngư về khai thác, bảo quản, chế biến thủy sản đã cải tiến ngư lưới cụ, cơ giới hóa nghề cá, sử dụng các phương pháp bảo quản, cải hoán hầm tàu…
Một số mô hình trọng điểm đã xây dựng và chuyển giao thành công như: Mô hình chế biến nước mắm bằng phương pháp phơi kín, ứng dụng máy dò ngang, công nghệ CPF trong bao quản sản phẩm trên tàu khai thác xa bờ, rê bùng nhùng, rê hỗn hợp… Các mô hình đã góp phần thay đổi phương thức khai thác và chế biến thủy sản, nâng cao hiệu quả kinh tế, giúp người dân mạnh dạn đầu tư, vươn khơi bám biển, tăng sản lượng khai thác từ 11.999,3 tấn năm 2000 lên 26.848,7 tấn năm 2022.
Sau 30 năm hoạt động, Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị đã chuyển giao thành công nhiều tiến bộ kỹ thuật đến với nông dân. Khuyến nông thực sự là người bạn gần gũi, tin cậy của nhà nông, đồng hành với nông dân trong sản xuất và đời sống, giúp nông dân nâng cao trình độ dân trí, trình độ kỹ thuật và kỹ năng tổ chức, quản lý sản xuất để tăng thu nhập, tạo cuộc sống vật chất ngày càng tốt hơn.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng cho biết, thời gian tới, hệ thống khuyến nông tiếp tục đổi mới nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ trong tình hình mới, trong đó chú trọng một số nhiệm vụ, giải pháp: Củng cố, kiện toàn hệ thống tổ chức khuyến nông các cấp theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Trong đó, chú trọng kiện toàn hệ thống khuyến nông cơ sở theo mô hình tổ khuyến nông cộng đồng, nhằm đẩy mạnh hoạt động tư vấn, dịch vụ khuyến nông đáp ứng nhu cầu của sản xuất.
>> Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị: “Khuyến nông không chỉ dừng lại ở vấn đề kỹ thuật mà phải gắn với các vấn đề kinh tế, văn hóa, xã hội...; giúp nông dân tổ chức sản xuất tốt, nâng cao tri thức, chuyển đổi tư duy từ hỗ trợ sản xuất nông nghiệp sang hỗ trợ nông dân có kiến thức, kỹ năng làm kinh tế nông nghiệp”.
Anh Vũ