Nằm về phía Bắc của tỉnh Quảng Trị, huyện Vĩnh Linh được thiên nhiên ưu đãi có bờ biển dài khoảng 25km, hệ sinh thái biển vô cùng đa dạng, ngư trường rộng lớn với nguồn lợi hải sản phong phú. Dọc bờ biển có nhiều bãi tắm đẹp. Đây chính là những thế mạnh để địa phương khai thác thế mạnh kinh tế biển.
Khai thác hải sản ở Vĩnh Linh – Ảnh: P.N
Đối với nghề khai thác, đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản và hậu cần nghề cá được huyện quan tâm hàng đầu. Để ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển, huyện Vĩnh Linh đã xây dựng các chính sách tổ chức lại sản xuất, đánh giá năng lực khai thác xa bờ và tạo điều kiện cho ngư dân tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi từ ngân hàng nhằm đầu tư phương tiện hiện đại, ngư lưới cụ phù hợp để khai thác đánh bắt đạt hiệu quả cao hơn.
Đồng thời, tổ chức tuyên truyền, phổ biến, vận động, hướng dẫn ngư dân thực hiện các quy định của Luật Thủy sản, chống khai thác bất hợp pháp… Đến nay, toàn huyện có trên 700 tàu thuyền khai thác các loại cùng lực lượng ngư dân đông đảo và dày dặn kinh nghiệm, nhờ vậy, sản lượng đánh bắt bình quân hàng năm luôn đạt từ 3.700- 4.000 tấn.
Hoạt động nuôi trồng thủy sản được phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa bền vững. Với định hướng tập trung đầu tư vào các loại thủy, hải sản có giá trị kinh tế, kết hợp ứng dụng khoa học công nghệ cao trong quá trình nuôi trồng, toàn huyện hiện có gần 870 ha nuôi trồng thủy sản cho sản lượng bình quân đạt gần 2.300 tấn/năm.
Dịch vụ hậu cần nghề cá cũng đang phát triển mạnh. Trên địa bàn đã có Khu hậu cần nghề cá Cửa Tùng; Nhà máy chế biến cá khô, bột cá với công suất 30.000 tấn/năm của Công ty TNHH MTV Ngọc Tuấn; trên 100 cơ sở chế biến cá hấp tập trung tại Cảng cá Cửa Tùng cùng nhiều cơ sở chế biến nước mắm, ruốc ở các xã Vĩnh Thái, Vĩnh Giang và thị trấn Cửa Tùng với sản lượng nước mắm hằng năm đạt hơn 1 triệu lít. Cùng với đó, nhờ thực hiện các chính sách hỗ trợ tối đa cho nghề chế biến truyền thống, huyện đã từng bước xây dựng thương hiệu và đăng ký OCOP thành công cho các sản phẩm như nước mắm, ruốc…
Trong chiến lược phát triển kinh tế vùng biển của huyện Vĩnh Linh, du lịch dịch vụ biển được xem là một phần quan trọng. Các bãi biển trên địa bàn huyện mang một vẻ đẹp riêng biệt, độc đáo. Những năm gần đây, lượng khách du lịch đến với các vùng biển Vĩnh Linh có xu hướng tăng cao. Theo thống kê, bình quân hằng năm có khoảng 70.000 lượt khách đến tham quan tại các điểm du lịch trên địa bàn huyện, trong đó có khoảng 10.000 lượt khách quốc tế.
Bên cạnh việc khai thác, phát huy hiệu quả các thế mạnh nhờ tạo hóa của thiên nhiên, huyện Vĩnh Linh cũng đã đưa ra nhiều chủ trương, chính sách để phát triển nhóm ngành dịch vụ du lịch biển. Tập trung huy động mọi nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng, triển khai các chính sách khuyến khích và tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế, thu hút các nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực du lịch theo hướng đa dạng các hình thức tổ chức thương mại.
Phối hợp với các cấp, các ngành đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình, dự án khu vực ven biển và đẩy mạnh các hoạt động quảng bá về du lịch biển. Hiện nay, nhiều công trình hạng mục đã và đang trong quá trình hoàn thành, hứa hẹn mang đến một diện mạo mới về hạ tầng cơ sở. Huyện Vĩnh Linh đặt ra mục tiêu thu hút khoảng 150.000 lượt khách, trong đó có 30.000 lượt khách quốc tế với tổng doanh thu đạt trên 220 tỉ đồng vào năm 2025. Đến năm 2030, thu hút 400.000 lượt khách, doanh thu trên 450 tỉ đồng và cơ bản hoàn thành việc đầu tư kết cấu hạ tầng để tạo bước phát triển cho giai đoạn tiếp theo.
Để phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh, tạo tiền đề đẩy mạnh phát triển kinh tế vùng biển, hiện nay huyện Vĩnh Linh đang nỗ lực lao động sản xuất, khắc phục khó khăn, quyết tâm xây dựng huyện Vĩnh Linh trở thành vùng kinh tế động lực ở phía Bắc của tỉnh Quảng Trị.
Phương Nga
Nguồn: Báo Quảng Trị