Toàn xã Vĩnh Thái (Vĩnh Linh, Quảng Trị) hiện có 253 phương tiện đánh bắt thủy sản nhưng đa phần là thuyền máy nhỏ với công suất từ 6 – 15 CV, dù chưa có thuyền to, máy lớn nhưng ngư dân vùng biển bãi ngang này vẫn kiên trì ra khơi, vào lộng. Đặc biệt, để bám biển làm ăn trong thời buổi kinh tế khó khăn, ngư dân Vĩnh Thái đã có nhiều cách làm hay.
Ông Nguyễn Quang Bái, thôn Thái Lai xuất thân trong gia đình có truyền thống đi biển với nghề câu mực ống, mực lá và đánh bắt tôm cá gần bờ. Tuy nhiên, những năm gần đây nguồn hải sản gần bờ dần cạn kiệt, những chuyến ra khơi của ông Bái không còn hiệu quả như trước.
Để đảm bảo cho cuộc sống gia đình, ông đã nghĩ cách chuyển đổi nguồn thu nhập từ chỗ hoàn toàn phụ thuộc biển sang nhiều nguồn thu nhập bổ trợ nhau. Trước tiên, đó là việc cải tạo toàn bộ diện tích khuôn viên sân vườn theo mô hình VAC, ngoài những diện tích nhỏ hẹp trong vườn được tận dụng tối đa để trồng rau, phần đất trống sau nhà ông Bái dành xây dựng một khu chuồng trại chăn nuôi lợn, gà với quy mô từ 20 – 25 con lớn/lứa, 100 con gà/lứa và 150 m2 diện tích đất còn lại ông đào ao nuôi cá lóc và cá trê vàng. Khác với cách chăn nuôi của nhiều nông hộ hiện nay là cho gia súc, gia cầm ăn bằng thức ăn công nghiệp, gia đình ông Bái chăn nuôi hoàn toàn bằng nguồn thức ăn tận dụng từ những chuyến đi biển như các loại tôm, cá nhỏ hoặc ruốc biển…Những lúc đến mùa khai thác được nhiều như ruốc biển (khuyếc) vợ chồng ông đem phơi khô hoặc muối dự trữ làm thức ăn chăn nuôi.
Mô hình VAC hiệu quả trên vùng biển bãi ngang Vĩnh Thái của gia đình ông Nguyễn Quang Bái
Ông Bái cho biết: “ Từ ngày có mô hình chăn nuôi ở nhà, việc đi biển của tôi trở nên nhẹ nhàng chứ không áp lực như trước. Nếu khai thác được tôm cá có giá trị mới đem bán còn không thì để tận dụng làm thức ăn chăn nuôi. Khác với trước đây cứ đi biển thì đánh bắt và đem bán bằng mọi giá vì đó là nguồn thu duy nhất mặc dù biết làm như vậy sẽ hủy diệt môi trường biển mà giá trị kinh tế cũng thấp”.
Cũng theo ông Bái, việc chăn nuôi hoàn toàn bằng nguồn thực phẩm sạch, không sử dụng thức ăn công nghiệp của gia đình ông được những thương lái trong vùng biết đến nên sản phẩm chăn nuôi cung cấp cho thị trường luôn đảm bảo về đầu ra, đặc biệt là cá và gà bán vào vụ tết, rất được giá. Trung bình, ngoài việc đi biển gia đình ông Bái thu nhập thêm mỗi năm từ 40 – 50 triệu đồng từ mô hình chăn nuôi.
Trong khi đó, để tăng thêm thu nhập từ những chuyến đi biển, ông Trần Văn Ngân ở thôn Thử Luật lại chọn cách mở thêm quầy dịch vụ phục vụ ăn uống ở bãi tắm Vĩnh Thái. Vào mùa hè, việc đánh bắt thuận lợi hơn nên hàng ngày cứ đi biển về, được sản phẩm nào tươi ngon, ông Ngân không bán cho thương lái mà mang lên quán của gia đình ở bãi tắm và tự tay chế biến những món ngon phục vụ khách du lịch tắm biển. Từ ngày đi biển mở kèm thêm dịch vụ kinh doanh ăn uống, mặc dù sản lượng khai thác mỗi chuyến ra khơi của ông Ngân không tăng nhưng thu nhập của gia đình ông tăng lên đáng kể vì không còn cảnh bị tư thương ép giá, đồng thời các món ăn ở quán ông cũng được khách tin tưởng lựa chọn vì thực phẩm do ông tự đánh bắt hàng ngày nên vừa tươi ngon mà giá cả bình dân.
Ông Trần Văn Thận, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thái cho biết: “ Với đặc thù của một vùng biển bãi ngang, đời sống của người dân còn thấp nên không đủ điều kiện để sắm thuyền to, máy lớn vươn khơi xa trong khi nguồn thủy sản gần bờ cạn kiệt thì việc tìm các mô hình kết hợp với đi biển phù hợp để giúp ngư dân là việc mà chính quyền xã rất quan tâm và khuyến khích. Năm 2011, xã Vĩnh Thái thành lập được Hội nghề cá với 7 phân hội và 312 hội viên. Ngoài việc được tham gia tập huấn để nâng cao trình độ nhận thức cho ngư dân biết khai thác đi đôi với bảo vệ nguồn lợi thủy hải sản thì từ sự hỗ trợ của nhà nước, Hội nghề cá Vĩnh Thái đã hỗ trợ 65 máy điện thoại, phao cứu sinh và 10 xe kéo thuyền lên bờ nhằm giảm rủi ro, giảm sức lao động cho ngư dân khi gặp thời tiết không thuận lợi. Đồng thời Hội nghề cá Vĩnh Thái cũng đã hỗ trợ xây dựng 3 mô hình chế biến nước mắm và 5 hầm bioga để một số ngư dân phát triển thêm nghề chăn nuôi lợn. Những việc làm thiết thực này đã phần nào giảm bớt khó khăn với ngư dân, tạo điều kiện để ngư dân vững tin bám biển”.