Quảng Trị: Nhân rộng những mô hình thủy sản hiệu quả

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã xuất hiện những mô hình nuôi một số loài thủy sản đặc sản như cá lăng chấm, cá lóc… bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế tốt và mở ra hướng chăn nuôi mới.

Nuôi cá lóc thương phẩm

Điển hình như mô hình nuôi cá lóc thương phẩm của hai anh Nguyễn Thanh Bình và Phan Văn Thư ở khu phố Lai Phước, phường Đông Lương, TP Đông Hà còn xây dựng xưởng chế biến cá để nâng cao giá trị sản phẩm, tìm hướng phát triển kinh tế bền vững. Sau 2 năm thực hiện, đến nay, mô hình nuôi cá lóc thương phẩm đã mang lại cho các anh nguồn thu nhập khá, tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.

Nuôi cá lóc thương phẩm cho thu nhập khá. Ảnh: ST

Năm 2022, sau khi thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp sạch công nghệ cao, anh Thư và anh Bình quyết định đầu tư 500 triệu đồng xây 4 bể xi măng với tổng diện tích 500 m2 để nuôi cá lóc thương phẩm. Để tích lũy thêm kinh nghiệm, anh Bình đã tìm đến các trại nuôi cá lóc lớn của Quảng Bình và một số tỉnh phía Nam để tìm hiểu về đặc tính của loài cá lóc và nhập nguồn giống đảm bảo chất lượng về nuôi.

Năm đầu tiên, các anh thả tổng cộng 7 vạn con cá xuống bể với mật độ nuôi từ 100 – 140 con/m2. Để việc chăm sóc đạt hiệu quả, anh Thư và anh Bình chọn nuôi theo kiểu cuốn chiếu, thay vì nuôi đồng loạt một lần. Thức ăn cho cá, các anh sử dụng sâu canxi để vừa tiết kiệm chi phí mua thức ăn công nghiệp, vừa giúp cá tăng sức đề kháng, ít bị dịch bệnh, giữ cho môi trường nước không bị ô nhiễm.

Thời gian nuôi cá lóc trong bể khoảng 8 – 9 tháng là có thể xuất bán. So với nuôi trong hồ, cá lóc nuôi trong bể xi măng dễ kiểm soát dịch bệnh, tốn ít công khi thu hoạch. “Nuôi cá lóc, điều quan trọng nhất phải đảm bảo nguồn nước luôn sạch. Do đó, không chỉ lấy nước từ giếng khoan, xử lý qua bể lọc mà chúng tôi phải thay nước hàng ngày. Quá trình xây dựng, chúng tôi cũng đã lắp đặt hệ thống thoát nước và mái che để tạo sự thoáng mát cho cá”, anh Bình cho biết.

Trung bình mỗi năm, trại cá của anh Bình và anh Thư cung ứng cho thị trường khoảng 30 – 35 tấn cá lóc thương phẩm, với giá bán dao động từ 45.000 – 50.000 đồng/kg cá tươi. Như vậy, với việc hoàn thiện quy trình khép kín từ nuôi đến chế biến, đóng gói thành phẩm và đưa đi tiêu thụ cho sản phẩm cá lóc, sau khi trừ chi phí, mô hình mang lại lợi nhuận trên 300 triệu đồng/năm.

Nuôi cá lăng chấm lồng bè

Tận dụng lợi thế diện tích mặt nước lòng hồ thủy lợi Bảo Đài, ông Trần Đức Dũng ở tại thôn Xung Phong, xã Vĩnh Khê, huyện Vĩnh Linh (tỉnh Quảng Trị) đã nuôi thử nghiệm giống cá lăng chấm trong lồng bè.

Quảng Trị có nhiều tiềm năng nuôi cá lồng hồ thủy điện. Ảnh: TTKNQT

Ông Dũng cho biết, sau một thời gian gắn bó với các đối tượng nuôi truyền thống như cá diêu hồng, cá trê lai… có hiệu quả kinh tế không cao. Qua tìm hiểu, ông được biết cá lăng chấm là đối tượng nuôi có giá trị kinh tế khá cao nên chuyển sang nuôi giống cá này.

Với lợi thế lồng bè nuôi có sẵn, năm 2022, ông mạnh dạn đưa vào nuôi thử nghiệm 600 con cá lăng chấm giống kích cỡ 10 – 12 cm trên một ô lồng có thể tích 80 m3. Sau gần 1 năm nuôi, cá lăng chấm cho thấy khả năng thích nghi với điều kiện tự nhiên, tỉ lệ sống đạt trên 80%, trọng lượng đạt từ 0,8 – 1 kg/con. Trừ chi phí ông thu lãi trên 25 triệu đồng. Nhận thấy đây là đối tượng nuôi mới mang lại lợi nhuận cao, có đầu ra khá ổn định, ông đã quyết định chuyển toàn bộ lồng bè với 8 ô lồng của gia đình sang nuôi cá lăng chấm.

Hiện tại, mỗi ô lồng nuôi có thể tích 80 m3 ông thả nuôi khoảng 1.500 con cá giống và thả nuôi theo hình thức gối vụ, từ 2 – 3 tháng ông lại thả giống một ô lồng để có cá thu hoạch quanh năm.

Theo ông Dũng, cá lăng chấm là đối tượng thủy đặc sản nước ngọt vốn chỉ đánh bắt tự nhiên thịt cá thơm ngon, được nhiều người ưa chuộng. Kỹ thuật nuôi cá lăng chấm tương đối đơn giản, cá phù hợp với điều kiện môi trường nước sạch, chảy chậm. Thức ăn của cá lăng chấm khi còn nhỏ chủ yếu là thức ăn công nghiệp, khi cá đạt trọng lượng khoảng 0,2 kg/con trở lên thì chuyển dần sang cho cá ăn bằng thức ăn tự phối trộn, ép viên có độ đạm phù hợp để giảm chi phí.

Bình quân sau khoảng 8 tháng đến 1 năm thả nuôi, cá sẽ đạt trọng lượng từ 0,1 – 1,2 kg/con, giá bán từ 80.000 – 90.000 đồng/kg nếu bán với số lượng lớn cho thương lái, còn bán lẻ cho các nhà hàng, quán ăn trên địa bàn thì lên đến 120.000 – 130.000 đồng/kg.

Ông Dũng lưu ý, trong quá trình nuôi cần quản lý tốt các yếu tố môi trường để hạn chế hao hụt. Cá lăng chấm thường xuất hiện bệnh ở thời điểm giao mùa, từ tháng 3 – 4, do vậy cần hết sức chú ý thời điểm này. Để cá phát triển tốt, các ô lồng nuôi đều phải được vệ sinh thường xuyên để tạo môi trường thông thoáng; trong các ô lồng được treo các túi vôi để phòng bệnh cho cá. Định kỳ trộn thêm men tiêu hóa, khoáng chất, Vitamin C vào thức ăn để tăng cường sức đề kháng cho cá.

Toàn tỉnh hiện có khoảng 120 hồ đập thủy lợi, đây là tiềm năng rất lớn để phát triển các mô hình nuôi thủy sản trong lồng bè, trong đó có mô hình nuôi cá lăng chấm. Tuy nhiên, để nhân rộng mô hình nuôi cá lăng chấm, góp phần đa dạng hóa đối tượng nuôi thủy sản, người dân cần tham khảo, nghiên cứu về kỹ thuật, điều kiện tự nhiên cũng như nguồn thức ăn để tránh rủi ro.

Thái Dương

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!