T5, 08/10/2020 02:48

Quảng Trị: Ra biển đặt lừ bóng mực lá

Chưa có đánh giá về bài viết

Gần 28 năm gắn bó với nghề biển, anh Nguyễn Thanh Hoàng (41 tuổi) ở Khu phố 6, thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh làm đủ nghề từ rê khơi, lưới vây, chụp mực, câu vàng…, nhưng chính nghề đặt bóng mực lá (hay có tên gọi khác là lừ bóng) đã mang lại cho gia đình anh cuộc sống ổn định, khá giả. “Chỉ việc thả những chiếc lừ bóng xuống lòng biển sâu để dẫn dụ mực lá vào đẻ trứng, thế là có thu nhập…”, anh Hoàng chia sẻ về nghề đặt “bóng mực”.

Dù đang bận rộn với công việc sắp xếp lại vàng lừ bóng cho gọn gàng để hôm sau mang xuống tàu đánh bắt xa bờ, chuẩn bị cho chuyến vươn khơi bám biển, anh Hoàng vẫn dành chút thời gian để tiếp chuyện tôi. Anh Hoàng cho biết, khi nghe tin bão số 5 tràn vào vùng biển từ tỉnh Quảng Bình đến Quảng Nam, anh cùng vợ gấp rút đưa vàng lừ bóng từ tàu đánh bắt xa bờ lên nhà để đảm bảo an toàn tài sản. Bây giờ, trời yên biển lặng, anh sẽ tiếp tục ra khơi để làm nghề đặt lừ bóng. Trước đây, tàu của gia đình anh làm nhiều nghề biển. Cách đây khoảng 1 năm, anh quay lại làm nghề đặt lừ bóng. Đặt lừ bóng là nghề truyền thống của ngư dân vùng biển. Ngày xưa, ngư dân muốn làm nghề đặt lừ bóng phải cất công đi mua tre về ngâm nước, rồi phơi khô một thời gian dài để chống mối mọt. Sau đó, tre được chẻ thành từng đoạn dài bằng ngón tay cái để chuẩn bị cho việc làm lừ bóng. Chiếc lừ bóng có cấu tạo dạng hình hộp chữ nhật, kích thước dài 1,2 m và rộng 0,6 m; khung lừ bóng được làm bằng tre. Bao phủ xung quanh lừ bóng là một lớp lưới có kích thước mắt lưới khoảng 2 cm. Ngư dân dùng lá cây giả hoặc sợi ni lông màu đen phủ lên mặt trên chiếc lừ bóng để tạo nên vùng tối. Chùm trứng mực lá màu trắng được gắn ở bên trong lừ bóng. Con mực lá đến kỳ đẻ trứng, thấy trứng mực ở trong lừ bóng thì tìm cách vào để đẻ trứng và bị dính bẫy. Hiện tại, ngư dân vùng biển Quảng Trị không còn làm lừ bóng, mà đặt mua ở tận tỉnh Quảng Nam. Mỗi vàng lừ bóng có chiều dài 12 hải lý phải đầu tư khoảng 200 triệu đồng (bình quân mỗi chiếc lừ bóng, dây buộc, chì cùng các phụ kiện khác phải đầu tư khoảng 500 nghìn đồng).

Anh Nguyễn Thanh Hoàng sắp xếp lại vàng lừ bóng chuẩn bị cho chuyến đi biển dài ngày – Ảnh: HTS

“Nói thì dễ dàng vậy, chứ dẫn dụ được con mực lá vào lừ bóng đẻ trứng cũng lắm công phu. Vào đầu mùa đặt lừ bóng (khoảng tháng 2, 3 hằng năm), khi chưa có trứng mực để dẫn dụ mực lá vào đẻ trứng, ngư dân phải dùng miếng thạch dừa màu trắng đục hoặc dùng bông gòn để thay thế chùm trứng mực lá treo trong lừ bóng. Nhưng hiệu quả dẫn dụ mực lá không cao bằng treo trứng mực lá. Trứng mực lá khi đánh bắt được phải nhanh chóng ướp đá lạnh để trứng tươi và không ngả màu, bốc mùi hôi. Trứng mực lá bảo quản chỉ có thể phục vụ cho việc đặt lừ bóng trong khoảng 3 – 4 ngày. Con mực lá cũng rất nhạy, chỉ cần trứng mực ngả sang màu vàng là chúng không chịu vào lừ bóng để đẻ trứng…”, anh Hoàng chia sẻ.

Khi chiều xuống, chiếc tàu đánh bắt xa bờ của anh Hoàng chất đầy những chiếc lừ bóng chẻ từng đợt sóng bạc đầu ra khơi, tìm đến ngư trường Cồn Cỏ để bắt đầu cho chuyến biển kéo dài khoảng 10 – 12 ngày. “Ở ngư trường Cồn Cỏ có hệ sinh thái rạn san hô có độ phủ cao, đa dạng về thành phần loài thủy sản, trong đó có mực lá. Hiện tại, ở ngư trường Cồn Cỏ có ít người làm nghề đặt lừ bóng mực lá (riêng thị trấn Cửa Việt chỉ có 3 tàu làm nghề đặt lừ bóng mực lá) nên sản lượng khai thác còn cao”. Phải mất mấy tiếng đồng hồ, tàu của anh Hoàng mới ra đến vị trí dự định đặt lừ bóng. Tất cả các thuyền viên trên tàu mỗi người một công việc như buộc dây, buộc đá, buộc mồi vào lừ bóng. Khi công việc xong xuôi, cũng là lúc màn đêm buông xuống. Ăn vội bữa cơm tối, tất cả thuyền viên trên tàu tranh thủ ngủ cho đến khoảng 2 giờ sáng hôm sau thì thức dậy để bắt đầu thả từng chiếc lừ bóng xuống lòng biển sâu. Quá trình thả lừ bóng được thực hiện phía sau đuôi tàu và thu lừ bóng phía trước tàu. Đầu tiên thả neo rồi đến phao tín hiệu và lần lượt thả từng lừ bóng được buộc chặt với sợi dây chính (sợi dây to nối các lừ bóng lại với nhau và có chiều dài trên 12 hải lý) xuống biển. Cứ cách 50 m thì thả 1 lừ bóng. Công việc thả lừ bóng kéo dài cho đến tận 6 – 7 giờ sáng mới hoàn thành. Thả xong lừ bóng thì chờ khoảng 4 – 5 giờ đồng hồ, cho tàu chạy chậm để vừa thu lừ bóng lấy mực lá trong lồng, thay mồi và tiếp tục thả lừ bóng xuống đáy biển. Đây cũng là thời điểm niềm vui, nỗi buồn lộ rõ trên gương mặt sạm đen nắng gió của những ngư dân gắn bó một đời với biển. Niềm vui của họ là khi kéo chiếc lừ bóng lên và tự tay bắt từng con mực lá mắt xanh trong, thân hình óng ánh nằm gọn trong lừ bóng; còn nỗi buồn khi kéo hàng chục chiếc lừ bóng trống không. “Công việc của anh em chúng tôi trên biển cứ lặp đi, lặp lại như vậy cho đến khi đánh bắt được nhiều mực lá thì cho tàu về bến để bán và nghỉ ngơi vài ngày sau đó chuẩn bị cho chuyến biển tiếp theo. Nghề đặt lừ bóng là vậy đó, có ngày thu vài chục cân mực lá, nhưng cũng có hôm chỉ được vài cân. Cứ vật lộn với sóng gió biển khơi trong suốt chuyến biển dài ngày để gom góp vài chục cân cho đến vài tạ mực lá mới cho tàu vào bờ. Nghề đặt lừ bóng cũng khá vất vả, nhưng đổi lại có thu nhập cao. Như chuyến biển trước, tàu của gia đình tôi đánh bắt được gần 3 tạ mực lá, thu gần 60 triệu đồng (giá mực lá hiện tại giao động khoảng 200 – 240 nghìn đồng/kg)”.

Anh Hoàng nói với tôi rằng, trong khi nhiều ngư dân xã Gio Việt, thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh đôn đáo vay tiền ngân hàng để đầu tư đóng mới tàu, thuyền có công suất lớn, mua sắm ngư lưới cụ hiện đại phục vụ cho việc đánh bắt xa bờ, thì anh quay lại gắn bó với nghề đặt lừ bóng mà từ lâu ngư dân vùng biển xem là nghề truyền thống, thân thiện với môi trường và ít người làm. Cũng nhờ làm nghề đặt lừ bóng mà mỗi chuyển biển tàu gia đình anh thu hàng chục triệu đồng từ ngư trường Cồn Cỏ.

HTS

Nguồn: Báo Quảng Trị

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!