Theo Thông tư số 52/2011/TT-BNNPTNT ngày 28/7/2011 của Bộ NN&PTNT.
Quy định trong chống dịch
Khai báo khi có dịch xảy ra
1. Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh tôm và nuôi tôm khi phát hiện tôm có dấu hiệu bất thường hoặc chết phải báo ngay cho nhân viên thú y xã hoặc cơ quan thú y nơi gần nhất; đồng thời báo ngay cho các tổ chức, cá nhân nuôi, sản xuất tôm xung quanh biết để có biện pháp phòng, chống dịch.
2. Khi nhận được thông báo, nhân viên thú y xã phải thông báo ngay đến Trạm Thú y huyện, và báo cáo bằng văn bản ghi rõ tên, địa chỉ cơ sở, dấu hiệu bệnh lý và các nội dung khác có liên quan gửi cho UBND xã và cơ quan thú y cấp trên trực tiếp.
3. Trạm Thú y huyện trong vòng 24 giờ khi nhận được thông báo phải nhanh chóng đến kiểm tra, xác minh dịch bệnh; hướng dẫn tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh tôm và nuôi tôm thực hiện ngay các biện pháp quản lý bể, ao/đầm nuôi có bệnh nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
4. Chi cục Thú y lấy mẫu bệnh phẩm gửi đi xét nghiệm, đồng thời báo ngay cho cơ quan thú y cấp trên.
5. Trong trường hợp cần thiết, Chi cục Thú y đề xuất với UBND cấp tỉnh hoặc cấp huyện được ủy quyền ra quyết định tiêu hủy tôm nuôi trong bể, ao/đầm có tôm mắc bệnh mà không cần chờ kết quả xét nghiệm theo quy định tại điểm c, d khoản 3 Điều 11 của Thông tư này.
Chẩn đoán, xét nghiệm
1. Lấy mẫu: Yêu cầu lấy bệnh phẩm thích hợp, gửi phòng thử nghiệm được chỉ định để xét nghiệm, chẩn đoán. Việc chẩn đoán phải được thực hiện nhanh chóng, kịp thời để giúp phòng, chống bệnh có hiệu quả.
Kiếm tra bệnh trên tôm – Ảnh: Phan Thanh Cường
2. Bảo quản và gửi mẫu bệnh phẩm: Mẫu cần được gửi đến phòng thử nghiệm chậm nhất là 2 ngày kể từ lúc lấy mẫu, thực hiện theo hướng dẫn của Cục Thú y.
3. Xét nghiệm, chẩn đoán:
a) Chẩn đoán dựa theo quy luật dịch, tính chất dịch tễ, triệu chứng, bệnh tích, chẩn đoán bằng trị liệu, chẩn đoán phân biệt với một số bệnh thường gặp;
b) Để xác định bệnh cần căn cứ vào kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm trong phòng thí nghiệm. Trong vòng 2 ngày kể từ khi nhận được mẫu, nơi tiến hành xét nghiệm mẫu phải trả lời kết quả để có căn cứ xác định bệnh;
c) Đối với bệnh mới, phải báo cáo Cục Thú y để liên hệ với các chuyên gia, phòng thử nghiệm trong và ngoài nước xác định tác nhân gây bệnh.
Công bố dịch
1. Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định công bố dịch bệnh, vùng uy hiếp dịch bệnh trên tôm khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Dịch bệnh thuộc danh mục các bệnh thủy sản phải công bố dịch (sau đây gọi chung là danh mục) xảy ra trong tỉnh có khả năng lây lan rộng;
b) Có báo cáo bằng văn bản của Chủ tịch UBND cấp huyện về diễn biến tình hình dịch bệnh;
c) Kết quả xét nghiệm của phòng thử nghiệm thuộc Cơ quan Thú y vùng hoặc phòng thử nghiệm được Cục Thú y chỉ định, khẳng định bệnh thuộc danh mục và có văn bản đề nghị công bố dịch của Chi cục Thú y hoặc Cục Thú y.
2. Phạm vi công bố dịch:
a) Khi xảy ra 3 ổ dịch trở lên trong cùng một trang trại hoặc cụm nông hộ nuôi tôm có chung nguồn cấp nước trên địa bàn một xã thì công bố xã có dịch;
b) Khi có từ 3 xã có dịch trở lên trong một huyện thì công bố dịch trên địa bàn toàn huyện;
c) Khi có từ 3 huyện có dịch trở lên trong một tỉnh thì công bố dịch trên địa bàn toàn tỉnh.
3. Trường hợp bệnh mới (chưa có trong danh mục) nhưng có khả năng lây lan nhanh trên diện rộng, gây chết tôm hàng loạt, Cục Thú y gửi văn bản đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh ra quyết định công bố vùng dịch và vùng bị dịch uy hiếp.
Các biện pháp chống dịch
1. Khoanh vùng dịch: Xã có dịch được xác định là vùng dịch; các xã tiếp giáp với xã có dịch được xác định là vùng bị dịch uy hiếp.
2. Chủ tịch UBND huyện huy động các lực lượng thú y, công an, quản lý thị trường và các cơ quan, tổ chức khác có liên quan lập các trạm kiểm dịch, chốt kiểm dịch ở các trục giao thông chính xung quanh vùng có dịch và vùng bị dịch uy hiếp theo uỷ quyền của Chủ tịch UBND tỉnh;
3. Chủ tịch UBND cấp xã huy động các lực lượng thú y, công an và các tổ chức đoàn thể của địa phương tham gia chống dịch. Biện pháp bao gồm:
a) Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh tôm và nuôi tôm khoanh vùng, dập dịch, nghiêm cấm xả nước, chất thải từ ổ dịch ra ngoài môi trường;
b) Đối với tôm đạt kích cỡ thương phẩm mà bị bệnh, cần tiến hành thu hoạch ngay. Khi thu hoạch, tuyệt đối không tháo nước để thu tôm. Tôm phải được vận chuyển bằng xe chuyên dụng, đảm bảo không làm rơi vãi nước trên đường đi; phương tiện vận chuyển phải được vệ sinh, khử trùng tiêu độc;
c) Đối với tôm nhỏ không thể sử dụng để làm thực phẩm thì phải dùng hóa chất tiêu hủy;
d) Các bể, ao/đầm sau khi thu hoạch hoặc tiêu hủy phải khử trùng nước; tẩy trùng, sát khuẩn, xử lý nền đáy, diệt giáp xác và các vật chủ trung gian truyền bệnh. Người tham gia xử lý, tiêu hủy tôm phải thực hiện việc vệ sinh cá nhân để tiêu diệt mầm bệnh, tránh làm phát tán ra các địa điểm khác;
đ) Tiến hành kiểm tra toàn bộ cơ sở sản xuất, kinh doanh tôm, nuôi tôm trong vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp; lập danh sách các cơ sở nuôi tôm và có tôm bị bệnh để giám sát và thông báo cơ quan quản lý thú y và nuôi trồng thủy sản địa phương.
4. Biện pháp xử lý đối với các bể, ao/đầm nuôi chưa có bệnh trong vùng dịch:
a) Áp dụng các biện pháp nuôi an toàn sinh học và thường xuyên vệ sinh tiêu độc môi trường, khu vực nuôi tôm;
b) Tăng cường chăm sóc, nuôi dưỡng, nâng cao sức đề kháng cho tôm;
c) Không thay nước, không thả tôm giống bổ sung trong thời gian có dịch bệnh…
Công bố hết dịch
1. Chủ tịch UBND cấp tỉnh ra quyết định công bố hết dịch khi:
a) Sau 21 ngày kể từ khi xử lý xong ổ dịch cuối cùng theo quy định tại Điều 11 của Thông tư này;
b) Không phát sinh ổ dịch mới;
c) Chi cục Thú y có văn bản báo cáo, đề nghị công bố hết dịch và vùng hết bị dịch uy hiếp.
2. Căn cứ vào tình hình thực tế, cơ quan quản lý nuôi trồng thủy sản địa phương hướng dẫn cơ sở tiếp tục nuôi hay tạm dừng nuôi.