Quy định các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên tôm nuôi

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Đây là nội dung chính của Thông tư số 52/2011/TT-BNNPTNT do Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu ký ban hành ngày 28/7/2011.

Thông tư gồm 4 Chương và 16 Điều quy định về phòng, chống dịch bệnh trên tôm nuôi và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với hoạt động này. Áp dụng cho các đối tượng là tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh tôm và tôm nuôi trên lãnh thổ Việt Nam và cơ quan quản lý có liên quan trên phạm vi cả nước.

Về phòng bệnh: Thực hiện công tác tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh trên tôm, bao gồm: Khuyến khích áp dụng quy trình thực hành nuôi tốt (GAP); sử dụng con giống có nguồn gốc rõ ràng, được kiểm dịch, đạt tiêu chuẩn chất lượng; tuyên truyền để tổ chức, cá nhân nuôi tôm, sản xuất, kinh doanh tôm cam kết thực hiện “3 không”: không giấu dịch, không xả thải chưa qua xử lý ra môi trường và không xả bỏ tôm chết, tôm bệnh ra ngoài môi trường… Đồng thời, yêu cầu các tổ chức, cá nhân nuôi tôm, sản xuất tôm giống áp dụng theo phương pháp an toàn sinh học; thực hiện chương trình giám sát dịch bệnh. Tôm giống, tôm bố mẹ nhập khẩu phải được nuôi cách ly, lấy mẫu xét nghiệm mầm bệnh; khử trùng, tiêu độc mọi phương tiện vận chuyển tôm giống, tôm bố mẹ và tôm thương phẩm qua cửa khẩu.

Khi thấy tôm chết bất thường, cần báo ngay cho cơ quan thú y       Ảnh: Thanh Nhã

Đối với các trường hợp vi phạm, sẽ thực hiện tiêu hủy hoặc xử lý đối với tôm mắc bệnh thuộc danh mục các bệnh phải công bố dịch, các bệnh mới xuất hiện và tôm nhập lậu không xác định được chủ hàng; thực hiện kiểm dịch và xử phạt với các trường hợp không có giấy chứng nhận kiểm dịch. Buộc chủ hàng thực hiện nuôi cách ly lô tôm giống để theo dõi, lấy mẫu xét nghiệm bệnh; đối với lô tôm có giấy chứng nhận kiểm dịch không hợp lệ thì tạm giữ để chủ hàng bổ sung hồ sơ.

Về chống dịch: Khi phát hiện tôm có dấu hiệu bất thường hoặc chết, các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh tôm và nuôi tôm phải báo ngay cho nhân viên thú y xã hoặc cơ quan thú y nơi gần nhất. Đồng thời, Chi cục Thú y lấy mẫu bệnh phẩm gửi đi xét nghiệm và báo ngay cho cơ quan thú y cấp trên. Trong trường hợp cần thiết, có thể quyết định tiêu hủy tôm nuôi bị bệnh mà không cần chờ kết quả xét nghiệm.

Trong trường hợp dịch bệnh thuộc danh mục các bệnh thủy sản phải công bố dịch xảy ra trong tỉnh có khả năng lây lan rộng, Chủ tịch UBND cấp tỉnh có quyền quyết định công bố dịch. Và sau 21 ngày kể từ khi đã xử lý xong ổ dịch cuối cùng và không phát sinh ổ dịch mới sẽ công bố hết dịch.

Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký.

Ban Pháp Luật – Bạn Đọc

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!