Ngày 11/9/2013, UBND tỉnh Long An ban hành Quyết định số 45/2013/QĐ-UBND quy định quản lý các hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh.
Những hành vi khai thác thủy sản bị cấm bao gồm:
– Sử dụng chất nổ, hóa chất độc hại, chất gây mê, mồi thuốc dẫn dụ, thực vật có độc tố.
– Sử dụng xung điện dưới mọi hình thức và các công cụ đánh bắt, khai thác có tính chất tận diệt.
– Sử dụng ngư cụ đánh bắt thủy sản có kích thước mắt lưới nhỏ hơn kích thước mắt lưới quy định tại phụ lục I kèm theo Quy định này.
– Khai thác các loài thủy sản có kích thước nhỏ hơn quy định tại phụ lục II của Quy định này; Khai thác cá con (cá rô non, cá ròng ròng…), khai thác thủy sản bố mẹ đang thời kỳ sinh sản nuôi con.
Các loại nghề, đối tượng khai thác thủy sản bị cấm:
– Tàu cá làm nghề cào khung không được phép hoạt động khai thác thủy sản ở vùng cửa sông, sông, kênh rạch.
– Khai thác những đối tượng cấm khai thác và cấm khai thác có thời hạn được quy định tại phụ lục III, phụ lục IV kèm theo Quy định này.
Vùng và thời gian cấm khai thác thủy sản:
– Tàu cá khai thác thủy sản không được phép hoạt động tại các khu bảo tồn nội địa, trong khu vực Nhà nước quy hoạch nuôi cá lồng, bè (trừ hoạt động thu hoạch của cơ sở nuôi). Vùng quy hoạch nuôi thủy sản do tỉnh phê duyệt.
– Nghiêm cấm hoạt động khai thác thủy sản trên các tuyến kênh rạch nội đồng làm ô nhiễm môi trường nước, ảnh hưởng đến việc cấp nước trong sản xuất nông nghiệp, nuôi thủy sản.
Khai thác thủy sản tại cửa biển Bạc Liêu – Ảnh: Phan Thanh
Bảo vệ nguồn lợi:
Nghiêm cấm các hoạt động khai thác, tiêu thụ, chế biến, vận chuyển các loài thủy sản quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng cần bảo vệ, bảo tồn và phát triển theo quy định của pháp luật.
Bảo vệ môi trường sống của các loài thủy sản:
Các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khai thác thủy sản cần lưu ý:
– Khi xây dựng mới, thay đổi hoặc phá bỏ các công trình có liên quan đến môi trường sống, di cư, sinh sản của các loài thủy sản phải thực hiện đánh giá tác động môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
– Khai thác thủy sản bằng đặt đăng, đáy hoặc bằng phương pháp ngăn, chắn ở các sông phải dành hành lang cho các loài thủy sản di chuyển.
– Phải tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường, pháp luật về tài nguyên nước và các quy địnhkhác của pháp luật có liên quan.
– Có trách nhiệm bảo vệ môi trường sống của các loài thủy sản trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ và các hoạt động khác.
Bảo tồn, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản:
– Tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ thực hiện việc bảo tồn, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản theo quy định của Luật Thủy sản và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
– Khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư nghiên cứu khoa học, tham gia thả giống thủy sản vào môi trường tự nhiên và tạo ra các vùng cư trú nhân tạo nhằm phục hồi, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản.
– Nghiêm cấm mọi tổ chức, cá nhân tự ý du nhập, thả, phóng sinh các loài thủy sinh vật ngoại lai vào các vùng nước tự nhiên, khu bảo tồn nội địa.