T2, 06/07/2020 10:34

Quy định điều kiện sản xuất giống, nuôi tôm thẻ chân trắng (tiếp)

Chưa có đánh giá về bài viết

Quy định này ban hành kèm theo Quyết định số 456/QĐ-BNN-NTTS của Bộ NN&PTNT quy định về điều kiện sản xuất giống, nuôi tôm thẻ chân trắng.

>> Phần 1

Điều 3. Yêu cầu chất lượng tôm thẻ chân trắng bố mẹ

1. Nguồn gốc tôm bố mẹ

a. Tôm bố mẹ phải nhập từ các trại tôm giống có nguồn gốc Hawaii. Tôm phải được cơ quan thú y thủy sản kiểm dịch trước khi nuôi thích nghi, thuần hóa và thành thục. Các trại sản xuất tôm giống phải tiến hành kiểm tra các bệnh quan trọng dù tôm đã thông qua kiểm dịch. Sau thời gian thích nghi và nuôi thành thục, tôm đạt khối lượng > 40 gram/con được chọn làm tôm bố mẹ.

b. Nếu tôm bố mẹ được ương nuôi từ postlarvae 12 – 15 ngày tuổi thì phải đảm bảo các tiêu chuẩn sau:

– PL 12 – 15 được sản xuất từ tôm bố mẹ sạch bệnh hoặc có khả năng kháng bệnh, có chứng chỉ nguồn gốc và chứng nhận kiểm dịch của cơ quan có thẩm quyền.

– Quá trình ương nuôi PL >12 – 15 thành tôm hậu bị phải được tiến hành trong bể có kiểm soát các yếu tố môi trường và bệnh.

– Tôm hậu bị phải được kiểm tra đảm bảo sạch bệnh trước khi tuyển chọn làm tôm bố mẹ để nuôi thành thục và cho đẻ.

c. Không tuyển chọn tôm bố mẹ từ nguồn tôm nuôi thương phẩm tại các ao đầm.

 

2. Yêu cầu kỹ thuật

a. Chọn tôm bố mẹ nuôi vỗ thành thục: Chất lượng tôm bố mẹ để nuôi vỗ thành thục phải đúng tiêu chuẩn kỹ thuật sau:

– Khối lượng: đối với tôm đực không nhỏ hơn 35g, đối với tôm cái không nhỏ hơn 40g.

– Ngoại hình: Cơ thể nguyên vẹn, cân đối, vỏ không thô ráp hoặc dập nứt, râu dài 1,5 – 2 lần chiều dài thân, đầy đủ các phần phụ bộ.

– Màu sắc: tự nhiên như màu của loài.

– Mức độ nhiễm bệnh: Không có mầm bệnh Taura (TSV), bệnh đốm trắng (WSSV), bệnh đầu vàng (YHV), bệnh hoại tử dưới vỏ và cơ quan tạo máu (IHHNV), BP…; không có mầm bệnh vi khuẩn.

– Cơ quan sinh dục: đối với tôm đực Petasma còn nguyên vẹn, không có vết lạ, túi chứa tinh hơi phồng, màu trắng sữa; đối với tôm cái Thelycum còn nguyên vẹn, không có vết lạ, buồng trứng từ giai đoạn I đến III.

b. Chọn tôm bố mẹ cho đẻ: Chất lượng tôm bố mẹ để cho đẻ phải theo đúng yêu cầu kỹ thuật sau:

– Ngoại hình: Cơ thể nguyên vẹn, cân đối, vỏ không thô ráp hoặc dập nứt, râu dài 1,5 – 2 lần chiều dài thân, đầy đủ các phần phụ bộ.

– Màu sắc: tự nhiên như màu của loài.

– Khối lượng: đối với tôm đực khối lượng không nhỏ hơn 40g, đối với tôm cái không nhỏ hơn 45g.

– Tuyến sinh dục: đối với tôm đực túi chứa tinh căng phồng, không bị các vết đen, có màu trắng sữa; đối với tôm cái tuyến sinh dục phát triển lan rộng ở phía trên của khoang giáp đầu ngực và kéo dài dọc lưng xuống đuôi, có màu hồng đậm.

– Mức độ nhiễm bệnh: không mang mầm bệnh virus (TSV, WSSV, YHV, IHHNV, BP…), không có mầm bệnh vi khuẩn.

– Thời gian sử dụng tôm bố mẹ: nuôi và cho đẻ chỉ được sử dụng không quá 5 đến 6 tháng tính từ lần đẻ đầu tiên.

 

Điều 4: Yêu cầu chất lượng giống TTCT

1. Nguồn gốc:

– TTCT giống PL12 phải được sản xuất từ tôm bố mẹ đảm bảo chất lượng theo Quy định (tại mục 2 Điều 3).

– Nếu TTCT giống được nhập khẩu thì cỡ phải từ PL12 trở lên, có xuất xứ rõ ràng và có chứng nhận kiểm dịch của cơ quan có thẩm quyền.

2. Chỉ tiêu cảm quan

– Trạng thái hoạt động: tôm bơi thành đàn ngược dòng liên tục quanh thành bể ương hoặc chậu, có phản xạ tốt khi có tác động đột ngột của tiếng động mạnh hoặc ánh sáng.

– Ngoại hình: các phụ bộ hoàn chỉnh, các đốt bụng hình chữ nhật, đầu và thân cân đối, không có dị tật; chân đuôi mở rộng dạng chữ V khi bơi.

– Màu sắc: màu tự nhiên của loài.

– Chiều dài thân: chiều dài thân lớn hơn 9mm, tôm đồng đều về kích cỡ, tỉ lệ chênh lệch đàn không lớn hơn 10%.

3. Mức độ nhiễm bệnh

– Bệnh do vi khuẩn: không có mầm bệnh

– Bệnh do nấm: không có mầm bệnh

– Bệnh nguyên sinh động vật: cho phép dưới 10% số cá thể trong mẫu nhiễm

– Bệnh virus: không có mầm bệnh virus (TSV, WSSV, YHV, IHHNV, BP…).

 

Điều 5. Vệ sinh an toàn, phòng bệnh

1. Thực hiện biện pháp vệ sinh khử trùng đối với người và phương tiện trước khi vào khu sản xuất (theo nội quy của cơ sở). Tiêu độc, xử lý hệ thống trại sau mỗi đợt cho đẻ và sau khi dập dịch.

2. Trang thiết bị, dụng cụ sử dụng chuyên dùng đảm bảo vệ sinh.

3. Bảo quản, sử dụng thuốc, chế phẩm sinh học, thức ăn theo quy định của Bộ.

 

Điều 6. Quản lý hoạt động trại sản xuất

1. Có hồ sơ lưu, nhật ký ghi chép từng đợt sản xuất giống như: số lượng tôm bố mẹ, khối lượng cá thể, nguồn gốc, tình trạng sức khỏe, mức độ thành thục, số lượng trứng, tỉ lệ thụ tinh, tỉ lệ nở, tỉ lệ sống, triệu chứng bệnh (nếu có). Số lượng, ngày tháng nhập, xuất tôm bố mẹ và tôm giống…

2. Mỗi lô hàng tôm giống đạt tiêu chuẩn xuất trại phải được đóng gói, có nhãn mác hàng hóa ghi trên bao bì (theo quy định hiện hành).

 

Chương III: Nuôi TTCT

Điều 7. Yêu cầu chung đối với vùng nuôi TTCT

1. TTCT chỉ được nuôi: Đối với các tỉnh Nam bộ (Đông Nam bộ và ĐBSCL) được nuôi theo hình thức thâm canh. Các tỉnh từ Quảng Ninh đến Bình Thuận được nuôi theo nhu cầu của các nhà đầu tư và nằm trong vùng quy hoạch nuôi tôm của địa phương.

2. Các cơ sở nuôi phải quản lý không được để tôm thoát ra môi trường nước xung quanh.

3. Hệ thống cấp và thoát nước trong cơ sở nuôi phải được bố trí riêng rẽ để tránh gây ô nhiễm.

4. Các cơ sở nuôi thâm canh (kể từ Quảng Ninh đến ĐBSCL) thực hiện đúng Tiêu chuẩn ngành 28 TCN 191 : 2004 Vùng nuôi tôm – Điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (kèm theo).

 

Điều 8. Phòng trừ dịch bệnh

1. Thực hiện biện pháp phòng ngừa bệnh, dịch là chính, vệ sinh khử trùng đối với người và phương tiện trước khi vào khu sản xuất. Xử lý hệ thống ao/đầm, dụng cụ sản xuất sau mỗi đợt thu hoạch và sau khi dập dịch.

2. Cơ sở sản xuất phải phối hợp với các cơ quan chức năng, tạo mọi điều kiện để các cơ quan chức năng thực hiện phòng chống dịch.

3. Bảo quản, sử dụng thuốc, chế phẩm sinh học, thức ăn theo quy định.

4. Chủ đầu tư phải chấp hành sự giám sát và kiểm tra của các cơ quan quản lý, cơ quan thú y địa phương và Trung ương về phòng trừ dịch bệnh, tự trả chi phí khử trùng, tiêu độc và tiêu diệt mầm bệnh khi có dịch bệnh xảy ra. Khi có dịch bệnh phải xem xét nguyên nhân và truy cứu trách nhiệm.

Ban Pháp luật - Bạn đọc

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!