Hỏi: Tổ chức, cá nhân muốn tham gia vào lĩnh vực sản xuất giống thủy sản cần phải tuân theo những quy định gì?
Các cơ sở sản xuất cần đảm bảo chất lượng con giống thủy sản – Ảnh: Hải Linh
Trả lời:
Theo Điều 11 Nghị định 59/2005/NĐ-CP ngày 4/5/2005 của Chính phủ về điều kiện sản xuất kinh doanh một số ngành nghề thủy sản và khoản 10, Nghị định 14/2009/NĐ-CP ngày 13/2/2009 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 59, các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh giống thủy sản phải đảm bảo các điều kiện:
– Có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh về giống thủy sản do cơ quan quản lý có thẩm quyền cấp;
– Địa điểm xây dựng cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thủy sản phải theo quy hoạch của địa phương;
– Cơ sở vật chất kỹ thuật và các trang thiết bị kỹ thuật, hệ thống cấp và thoát nước, hệ thống xử lý nước thải, phương tiện vận chuyển, lưu giữ của cơ sở phải đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh từng đối tượng giống thủy sản, phải đảm bảo điều kiện vệ sinh, bảo vệ môi trường; nhân viên kỹ thuật được đào tạo về nuôi trồng thủy sản;
– Có hồ sơ theo dõi quá trình sản xuất, kinh doanh giống; quy trình kỹ thuật trong sản xuất phải theo đúng quy định;
– Đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, ghi nhãn hàng hoá theo quy định.
Ngoài ra, riêng đối với sản xuất, kinh doanh đực giống, cái giống, tinh đực giống, trứng giống và ấu trùng động vật thủy sản thêm các điều kiện:
– Có nhân viên kỹ thuật đã được cấp giấy chứng chỉ đào tạo về kỹ thuật thụ tinh nhân tạo, cấy truyền phôi, về kỹ thuật ấp trứng, công nghệ nhân giống thủy sản;
– Thực hiện quy chế quản lý khai thác, sử dụng tinh, phôi và môi trường bảo quản, pha chế tinh, phôi theo quy định.
– Đực giống, cái giống thủy sản phải có nguồn gốc rõ ràng, đã được kiểm dịch thú y;
– Thực hiện quy chế quản lý khai thác, sử dụng đực giống, cái giống thủy sản, trứng giống, ấu trùng thủy sản theo quy định.