(TSVN) – Bộ NN&PTNT vừa ban hành Thông tư Quy định về kiểm tra, chứng nhận an toàn thực phẩm thủy sản xuất khẩu. Đây là văn bản hợp nhất của hai Thông tư được ban hành trước đó của Bộ NN&PTNT quy định về kiểm tra, chứng nhận an toàn thực phẩm thủy sản xuất khẩu.
Ngày 23/2/2023, Bộ NN&PTNT ban hành Thông tư Quy định về kiểm tra, chứng nhận an toàn thực phẩm thủy sản xuất khẩu (Văn bản hợp nhất Thông tư số 48/2013/TT-BNNPTNT ngày 12/11/2013 và Thông tư số 32/2022/TT-BNNPTNT ngày 30/12/2023 về kiểm tra chứng nhận an toàn thực phẩm thủy sản xuất khẩu). Áp dụng với cơ sở xuất khẩu sang các quốc gia, vùng lãnh thổ có yêu cầu lô hàng được cấp chứng thư bởi Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (NAFIQAD); Thực phẩm thủy sản xuất khẩu vào các thị trường mà Cơ quan thẩm quyền nước nhập khẩu có yêu cầu lô hàng xuất khẩu được thẩm định, cấp Chứng thư của NAFIQAD…
Chế biến cá tra. Ảnh: Ngọc Trinh
Tuy nhiên, không áp dụng đối với cơ sở chỉ tiêu thụ nội địa; cơ sở xuất khẩu sang các quốc gia, vùng lãnh thổ không yêu cầu lô hàng được NAFIQAD cấp chứng thư; Thủy sản xuất khẩu không dùng làm thực phẩm; Thực phẩm thủy sản xuất khẩu vào các thị trường mà Cơ quan thẩm quyền nước nhập khẩu không yêu cầu lô hàng xuất khẩu được thẩm định, cấp Chứng thư của NAFIQAD.
Theo quy định của Thông tư này, thẩm định điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm của cơ sở bao gồm: Điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị và nguồn nhân lực tham gia sản xuất, quản lý về an toàn thực phẩm thủy sản; Chương trình quản lý an toàn thực phẩm theo nguyên tắc HACCP; Thủ tục truy xuất nguồn gốc và thu hồi sản phẩm; Lấy mẫu phân tích đánh giá hiệu quả kiểm soát điều kiện vệ sinh trong quá trình sản xuất…
Kết quả kiểm tra sẽ phân thành 4 loại: Hạng 1 (Rất tốt); Hạng 2 (Tốt); Hạng 3 (Đạt) và Hạng 4 (Không đạt).
Cũng theo quy định mới này thì cơ sở bị đưa ra khỏi Danh sách xuất khẩu trong trường hợp có văn bản đề nghị rút tên khỏi Danh sách xuất khẩu; Không tiếp tục đáp ứng tiêu chí tham gia Chương trình chứng nhận thủy sản xuất khẩu theo quy định tại khoản 3 Điều 20 Thông tư này hoặc Cơ quan thẩm quyền nước nhập khẩu đề nghị đưa tên ra khỏi danh sách xuất khẩu tương ứng.
Cùng đó, cơ sở sẽ có tên trong danh sách ưu tiên nếu có lịch sử bảo đảm an toàn thực phẩm tốt và được áp dụng hình thức chứng nhận thủy sản xuất khẩu theo quy định. Cơ sở được phân loại điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm hạng 1, hạng 2; Có ít nhất 5 lô hàng xuất khẩu và không bị Cơ quan thẩm quyền của Việt Nam hoặc thị trường nhập khẩu phát hiện vi phạm về an toàn thực phẩm trong thời gian tối thiểu 3 tháng kể từ ngày được xếp hạng 1, 2.
PV