(Thuỷ sản Việt Nam) – Hỏi: Những hành vi nào bị cấm trong hoạt động khai thác thủy sản?
Cảng cá Hậu Lộc, Thanh Hóa Ảnh: Huy Hùng
Trả lời: Theo Điều 6, Chương I Luật Thủy sản 2003 quy định: Các hành vi khai thác thủy sản bị cấm bao gồm:
– Khai thác, hủy hoại trái phép các rạn đá ngầm, rạn san hô, các bãi thực vật ngầm, rừng ngập mặn và hệ sinh cảnh khác; phá hủy, cản trở trái phép đường di chuyển tự nhiên của các loài thủy sản ở sông, hồ, đầm, phá, eo, vịnh.
– Khai thác các loài thủy sản thuộc danh mục cấm, kể cả cấm có thời hạn, trừ trường hợp vì mục đích nghiên cứu khoa học được Chính phủ cho phép; khai thác thủy sản nhỏ hơn kích cỡ quy định, trừ trường hợp được phép khai thác để nuôi trồng.
– Lấn, chiếm, xâm hại các khu bảo tồn vùng nước nội địa, khu bảo tồn biển đã được quy hoạch và công bố; vi phạm các quy định trong quy chế quản lý khu bảo tồn.
– Vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường đối với môi trường sống của các loài thủy sản.
– Khai thác thủy sản ở khu vực cấm, khu vực đang trong thời gian cấm; khai thác quá sản lượng cho phép.
– Sản xuất, lưu hành, sử dụng ngư cụ bị cấm; sử dụng loại nghề bị cấm để khai thác thủy sản; sử dụng các loại chất nổ, chất độc, xung điện và các phương pháp có tính hủy diệt khác.
– Sử dụng các ngư cụ làm cản trở hoặc gây thiệt hại cho tổ chức cá nhân khác đang khai thác hoặc gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân đang khai thác; thả neo, đậu tàu tại nơi có ngư cụ của tổ chức cá nhân khác đang khai thác hoặc nơi tàu cá khác ra dấu hiệu đang khai thác, trừ trường hợp bất khả kháng.
– Vứt bỏ ngư cụ xuống vùng nước tự nhiên, trừ trường hợp bất khả kháng.
– Vi phạm các quy định về an toàn giao thông, an toàn của các công trình theo quy định của pháp luật về hàng hải, về giao thông đường thủy nội địa và các quy định khác của pháp luật có liên quan.