Quy định việc kiểm tra, đánh giá các cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông lâm thủy sản

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Đây là nội dung chính của Thông tư số 14/2011/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT do Bộ trưởng Cao Đức Phát ký ban hành ngày 29/3/2011.

Thông tư này quy định việc kiểm tra, đánh giá phân loại điều kiện đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm các cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông lâm thủy sản và trách nhiệm, quyền hạn của các bên có liên quan. Áp dụng cho các đối tượng gồm: Các cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông lâm thủy sản có đăng ký kinh doanh trên phạm vi toàn quốc thuộc phạm vi quản lý của Bộ NN&PTNT và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông lâm thủy sản.

Ảnh: Bảo Yến

Hình thức kiểm tra các cơ sở này là: Kiểm tra, đánh giá phân loại, được áp dụng đối với: Cơ sở được kiểm tra lần đầu; Cơ sở đã được kiểm tra đạt yêu cầu nhưng sửa chữa, mở rộng sản xuất; Cơ sở không đạt yêu cầu nhưng sau đó đã khắc phục xong sai lỗi. Hình thức này có được thông báo trước. Thứ hai là kiểm tra định kỳ: Kiểm tra không thông báo trước, được áp dụng đối với các cơ sở đã được phân loại đạt yêu cầu nhằm giám sát việc duy trì điều kiện đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm. Thứ ba là kiểm tra đột xuất, áp dụng khi cơ sở có dấu hiệu vi phạm về điều kiện đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm hoặc có khiếu nại của tổ chức, cá nhân.

Việc thực hiện kiểm tra này sẽ được phân thành 3 loại:

Loại A (tốt): nếu các cơ sở đáp ứng đầy đủ các yêu cầu chất lượng, an toàn thực phẩm, không có lỗi nặng và lỗi nghiêm trọng. Tần suất kiểm tra các cơ sở loại A là 1 năm/lần.

Loại B (đạt): Khi các cơ sở đáp ứng các yêu cầu về chất lượng, an toàn thực phẩm, có ít lỗi nặng và không có lỗi nghiêm trọng. Tần suất kiểm tra đối với các cơ sở loại B là 6 tháng/lần.

Loại C (không đạt): áp dụng với các cơ sở chưa đáp ứng được các yêu cầu về điều kiện đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, còn nhiều lỗi nặng và lỗi nghiêm trọng, nếu không khắc phục, sửa chữa trong thời gian do cơ quan kiểm tra quy định mà vẫn tiếp tục sản xuất sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng, mất an toàn thực phẩm. Tần suất kiểm tra đối với các cơ sở này tùy thuộc vào mức độ sai lỗi của cơ sở.

Phí kiểm tra, kiểm nghiệm, phí cấp giấy chứng nhận được thực hiện theo quy định hiện hành của Bộ Tài chính. Thông tư này có hiệu lực sau 45 ngày kể từ ngày ban hành. 

Ban Pháp Luật – Bạn Đọc

 

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!