(TSVN) – Mới đây, Bộ NN&PTNT đã dự thảo Quyết định phê duyệt Quy hoạch hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Mục tiêu chung đến năm 2030, quy hoạch hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá nhằm hoàn thiện và hiện đại hóa cơ sở hạ tầng ngành thủy sản, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nghề cá; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, giảm tổn thất sau thu hoạch; đảm bảo an toàn cho tàu cá và ngư dân; hội nhập quốc tế sâu rộng; thích ứng biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường hệ sinh thái và góp phần bảo đảm an ninh, quốc phòng.
Cụ thể, sẽ hoàn chỉnh hệ thống cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá trên quy mô cả nước thành một hệ thống liên hoàn, liên vùng nhằm đáp ứng nhu cầu neo đậu, dịch vụ hậu cần nghề cá và từng bước phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; Đảm bảo thông qua 2,65 triệu tấn thủy sản/năm (tương đương 100% sản lượng khai thác), đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc, xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác tại cảng cá được chỉ định, ngăn chặn các hoạt động khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định và tăng cường công tác quản lý nghề cá. Bố trí sử dụng đất (bao gồm cả mặt nước) cho phát triển hệ thống cảng cá phù hợp Điều 78 Luật Thủy sản số 18/2017/QH14.
Cùng đó, đảm bảo sức chứa 83.600 chiếc tàu cá neo đậu tránh trú bão an toàn, đáp ứng yêu cầu neo đậu tránh trú bão của ngư dân. Bố trí sử dụng đất (bao gồm cả mặt nước) cho phát triển hệ thống khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá phù hợp Điều 84 Luật thủy sản số 18/2017/QH14; Hình thành những đầu mối giao thương quan trọng trong nước và với quốc tế làm động lực phát triển các khu công nghiệp thủy sản, khu kinh tế ven biển, các Trung tâm nghề cá lớn (tại Hải Phòng, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bà Rịa – Vũng Tàu, Kiên Giang) gắn với các ngư trường trọng điểm; tạo sức hút, tạo động lực cho ngành thủy sản phát triển theo hướng hiệu quả và bền vững. Mặt khác, kiện toàn và nâng cao năng lực hệ thống quản lý cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá từ trung ương đến địa phương; cải thiện cơ sở hạ tầng, dịch vụ tại cảng, đáp ứng tốt nhu cầu hậu cần nghề cá, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, góp phần phát triển kinh tế, du lịch, văn hóa, xã hội, vệ sinh môi trường và xây dựng nông thôn mới.
Tầm nhìn đến năm 2050, hệ thống cảng cá Việt Nam được phát triển đồng bộ, toàn diện, hiện đại, ngang tầm với các cảng cá lớn trong khu vực và trên thế giới, đáp ứng các tiêu chí cảng xanh. Các cảng cá động lực đóng vai trò cửa ngõ quốc tế là các mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị thủy sản toàn cầu, có sức cạnh tranh cao. Đồng thời, hệ thống cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đáp ứng đầy đủ, hiệu quả nhu cầu phát triển kinh tế xã hội đất nước, là nền tảng phát triển thành công kinh tế thủy sản theo định hướng Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22 tháng 10 năm 2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, góp phần đưa nước ta trở thành quốc gia biển mạnh và nước phát triển, thu nhập cao; hoàn thiện hệ thống cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá theo hướng công nghiệp, hiện đại tại các đảo, đặc biệt tại hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.
PV