Đó là ý kiến của nhiều đại biểu đóng góp cho Đề án “Quy hoạch nuôi tôm nước lợ vùng ĐBSCL đến năm 2020, định hướng năm 2030”.
Ngày 22/5/2015 tại Bạc Liêu, dưới sự chỉ đạo của Bộ NN&PTNT, Tổng cục Thủy sản, Viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản phối hợp với Tạp chí Thủy sản Việt Nam tổ chức Hội thảo“Quy hoạch nuôi tôm nước lợ vùng ĐBSCL đến năm 2020, định hướng năm 2030”. Theo Đề án Quy hoạch, diện tích nuôi tôm nước lợ vùng ĐBSCL đến năm 2020 sẽ đạt khoảng 608.501 ha, sản lượng đạt 747.895 tấn; Và đến năm 2030, diện tích sẽ đạt 626.727 ha; sản lượng 952.118 tấn.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Huy Điền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết: ĐBSCL chiếm diện tích nuôi tôm nước lợ lớn nhất cả nước, là nơi cung cấp tôm chính cho thị trường trong và ngoài nước. Tuy nhiên, nghề nuôi tôm hiện đang phải đối diện với nhiều thách thức về dịch bệnh, ô nhiễm môi trường… Nguyên nhân thì có nhiều nhưng nổi bật nhất vẫn là do chất lượng con giống còn thấp, công tác quản lý môi trường, dịch bệnh trong nuôi tôm nhiều hạn chế, tình trạng nuôi tôm ngoài vùng quy hoạch diễn ra ở khắp các địa phương. Đây là những yếu tố khiến nghề nuôi tôm nước lợ ở ĐBSCL phát triển thiếu bền vững. Do vậy, xây dựng quy hoạch nuôi tôm nước lợ ĐSBCL là vấn đề cấp thiết.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản khẳng định: Ngành nuôi tôm nước lợ chiếm vị trí đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế ngành thủy sản Việt Nam hơn 10 năm qua. Mặc dù tăng trưởng các chỉ tiêu kinh tế ngành tôm năm sau luôn cao hơn năm trước nhưng chất lượng tăng trưởng còn hạn chế ở nhiều mặt. Do vậy “xây dựng quy hoạch nuôi tôm nước lợ vùng ĐBSCL đến năm 2020, định hướng năm 2030” là cần thiết và cấp bách, nhằm cơ cấu và tổ chức lại sản xuất một cách hợp lý, xác định được những bước đi và giải pháp phù hợp để chủ động trong tận dụng lợi thế, cơ hội. Đồng thời giải quyết được các khó khăn, thách thức trong giai đoạn tới, đưa ngành tôm tiếp tục phát triển ổn định, bền vững chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.