(TSVN) – Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), trong 3 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cá tra của cả nước ước đạt 646 triệu USD, tăng 88% so với cùng kỳ năm 2021, chiếm khoảng 27% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của cả nước.
Thời gian qua, giá xăng dầu tăng ảnh hưởng của giá vật tư đầu vào của ngành cá tra, hơn nữa, tác động dịch bệnh COVID-19, nhiều nông dân đã lo ngại, không dám thả nuôi cá tra. Điều này đã khiến cho nguồn nguyên liệu cá tra cung ứng cho chế biến và xuất khẩu thiếu hụt, kéo theo giá cá tra biến động liên tục trong thời gian qua. Vì vậy, hiện tại, giá cá tra nguyên liệu đã tăng tới 25% so với cuối năm ngoái, chạm mốc kỷ lục khoảng 32.000 đồng/kg và có nơi giá cá tra nguyên liệu còn cao hơn.
VASEP cũng dự báo, việc thiếu hụt nguyên liệu có thể kéo dài đến hết quý II/2022. Nguồn cung khan hiếm trong khi nhu cầu tăng càng là yếu tố hỗ trợ mạnh đối với giá cá tra nguyên liệu.
Với kim ngạch xuất khẩu cá tra trong quý I/2022 như vậy, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá tra đang lấy lại vị thế trong cơ cấu sản phẩm thuỷ sản xuất khẩu. Điển hình như doanh nghiệp đầu ngành là Công ty CP Vĩnh Hoàn đặt mục tiêu doanh thu thuần hợp nhất 13.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.500 tỷ đồng, tương ứng tăng 43,5% và tăng 35,6% so với năm 2021.
Chế biến cá tra. Ảnh: Lê Hoàng Vũ
Giá nguyên liệu cao dẫn đến giá xuất khẩu cao và đối với Vĩnh Hoàn, doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi lớn từ biên lợi nhuận gộp mở rộng do có thể tự cung cấp được nguyên liệu. Thêm vào đó, giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng từ năm ngoái kéo dài đến năm nay. Điều này càng đẩy chi phí nuôi cá tăng cao và từ nay đến cuối năm, giá cá tra sẽ ngày càng cao.
Cùng với Vĩnh Hoàn, nhiều doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá tra cũng đang đặt mục tiêu lợi nhuận tăng cao trong năm 2022. Công ty CP Đầu tư và Phát triển Đa Quốc gia (I.D.I) cho biết, công ty đã ký đủ đơn hàng xuất khẩu đến hết quý II năm nay.
Đồng thời, đơn vị cũng đã chuẩn bị kho hàng dự trữ lên đến 1.400 tỷ đồng cá tra giá rẻ (17.000 – 18.000 đồng/kg) cho đợt nhu cầu thị trường phục hồi này, đặc biệt là Mexico và Brazil, nơi I.D.I chiếm thị phần lớn. Năm nay, I.D.I đặt kế hoạch doanh thu thuần 8.300 tỷ đồng, tăng 45% so với năm 2021 và lợi nhuận sau thuế đạt 900 tỷ đồng, tăng gấp 6,3 lần so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài ra, năm nay IDI xây dựng thêm nhà máy chế biến thứ 3 với công suất 500 tấn/ngày nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường đang ở mức cao. Hai nhà máy còn lại (300 tấn/ngày và 150 tấn/ngày) đều đã hoạt động hết công suất nhưng vẫn không đáp ứng được hết nhu cầu của khách hàng.
Hiện nhu cầu tiêu dùng cá tra phục hồi mạnh ở các thị trường chính đẩy doanh nghiệp vào tình huống sản xuất không kịp trả đơn hàng. Doanh nghiệp xuất khẩu cá tra phải tính toán tăng công suất hoạt động để đáp ứng các đơn hàng tăng mạnh trong năm nay. Một số doanh nghiệp xuất khẩu cá tra chịu tác động nặng nề từ dịch COVID-19 năm ngoái khiến kết quả kinh doanh không được như kế hoạch thì năm nay cũng kỳ vọng lợi nhuận tăng nhiều lần.
Bình An