(TSVN) – Mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực hai giai đoạn có nhiều tính ưu việt hơn so với mô hình nuôi truyền thống như: tốc độ sinh trưởng nhanh hơn, tỷ lệ sống, năng suất và hiệu quả kinh tế cao hơn, giảm rủi ro bệnh và tiết kiệm chi phí.
Diện tích ao nuôi giai đoạn 1 từ 500 – 2.000 m2, ao lắng 1.000 – 2.000 m2. Ao nuôi và ao lắng ở giai đoạn 2 có diện tích khoảng 2.000 – 5.000 m2.
Tiến hành tháo cạn nước trong ao, bắt hết cá tạp, cá dữ, dọn sạch bèo, rác, cỏ. Tu sửa bờ ao và lấp kín các hang hốc là nơi trú ẩn của địch hại. Nếu đáy ao có bùn quá dày phải nạo vét để lại lớp bùn dày khoảng 15 – 20 cm.
Bón vôi cả tạo nền đáy, nâng cao pH ở ngưỡng thích hợp; diệt trừ mầm bệnh, cá tạp, cá dữ và các sinh vật địch hại làm tơi xốp nền đáy… Lượng vôi bột sử dụng từ 7 – 10 kg/100 m2 ao. Vôi được rải đều khắp đáy ao và xung quanh bờ ao, sau đó cày, xới đáy ao nhưng tránh không để đất chua phèn ở đáy bị đảo lên. Thời gian phơi đáy ao thời gian khoảng 5 – 7 ngày, đến khi mặt lớp bùn nứt chân chim. Đối với những ao không phơi được đáy cần bơm cạn nước tối đa có thể, dùng máy cào chất thải về góc ao, bơm chất thải vào ao chứa thải, sau đó tiến hành bón vôi với liều lượng 15 – 20 kg/100 m2, ngâm nước vôi từ 3 – 5 ngày, sau đó xả bỏ, cấp nước mới.
Nước cấp vào ao nuôi phải qua túi lọc và cần được xử lý theo đúng quy trình để loại bỏ mầm bệnh. Tiến hành gây màu nước đến khi nước có màu xanh vỏ đỗ hoặc nõn chuối, kiểm tra các yếu tố pH trong khoảng 7 – 7,5, độ kiềm 80 – 120 mg/lít, độ trong 30 – 40 cm thì có thể thả giống.
Chọn mua tôm càng xanh (TCX) giống có chất lượng tốt từ các trại sản xuất có uy tín, tôm có nguồn gốc rõ ràng, được sản xuất theo quy trình đảm bảo chất lượng. Cỡ giống PL20, tỷ lệ đồng cỡ trên 90%; tỷ lệ đực trên 95%. TCX có thân hình cân đối, đuôi xòe khi bơi lội, tôm bám vào thành bể, lội ngược dòng, phản xạ nhanh với tiếng động, ruột đầy thức ăn.
Mùa vụ thả giống: Khoảng tháng 4 – 5 dương lịch.
Mật độ thả: 150 con/m2.
Thời điểm thả tôm là lúc sáng sớm hay chiều mát. Khi vận chuyển tôm về, nên kiểm tra độ mặn. Nếu chênh lệch độ mặn dưới 5‰ thì có thể thả thẳng xuống ao, cần ngâm bọc tôm trong ao từ 15 – 20 phút để cho nhiệt độ nước bên ngoài và trong bọc cân bằng, sau đó mở bọc cho nước vào từ từ và cho tôm bơi ra ngoài. Nếu chênh lệch độ mặn từ 5‰ trở lên phải có thời gian để thuần dưỡng, cần chuẩn bị các dụng cụ như thùng, bể và sục khí. Thời gian thuần phụ thuộc vào độ mặn chênh lệch, trung bình mỗi giờ thuần được 4‰.
Tốt nhất nên cho tôm ăn thức ăn viên công nghiệp, có độ đạm từ >40%. Liều lượng cho ăn (cho 100.000 con): Ngày đầu tiên cho ăn 1,2 kg, sau đó tăng dần khoảng 100 g/ngày, tuần thứ 2: 200 g/ngày, tuần thứ 3: 300 g/ngày, tuần thứ 4: 500 g/ngày. Sau tháng đầu tiên có thể dùng sàng để kiểm tra mức độ sử dụng thức ăn của tôm để điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp. Khẩu phần ăn khoảng 5 – 5,5% trọng lượng thân. Thức ăn vào sàng ăn là 1 – 1,2% khẩu phần thức ăn/ngày.
Khi tôm chuyển sang giai đoạn thứ hai, sử dụng thức ăn công nghiệp đảm bảo có hàm lượng đạm tổng số từ 35 – 40%; theo dõi sàng ăn để điều chỉnh, quản lý thức ăn cho phù hợp, tránh cho ăn thiếu hoặc thừa đều ảnh hưởng đến tốc độ phát triển và sức khỏe của tôm. Khẩu phần ăn hàng ngày dao động 1,6 – 2,5% trọng lượng thân, tùy giai đoạn.
Cho ăn 2 lần/ngày vào lúc 5 – 6 giờ sáng và 17 – 20 giờ tối, liều lượng cho ăn phụ thuộc vào khả năng bắt mồi của tôm, thời tiết thông qua thức ăn còn lại trong sàng. Cùng đó, bổ sung thêm men vi sinh, Vitamin C, Premix… vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho tôm
Lưu ý, khi chuyển đổi loại thức ăn cho phù hợp theo giai đoạn phát triển, cỡ miệng tôm và nhu cầu dinh dưỡng theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Khi chuyển đổi thức ăn, nên trộn lẫn 2 loại thức ăn cũ và mới, cho ăn ít nhất 3 ngày.
Tôm nuôi giai đoạn 1, đạt cỡ 6 – 8 g/con thì tiến hành san tôm chuyển sang nuôi thương phẩm (giai đoạn 2). Có thể sử dụng chài hoặc kéo lưới để bắt san qua ao nuôi, thời điểm thực hiện lúc sáng sớm hoặc chiều mát để tránh tôm bị sốc. Mật độ thả: 15 – 20 con/m2. Thời gian nuôi khoảng 100 – 135 ngày.
Trong quá trình nuôi, cần thường xuyên theo dõi hoạt động của tôm nhất là vào ban đêm, xem màu nước ao để điều chỉnh lượng thức ăn. Định kỳ thay nước đảm bảo cho tôm phát triển và lột xác nhanh lớn. Hàng ngày kiểm tra bờ ao, cống tránh tôm bị thất thoát.
Hàng ngày cần tiến hành đo hàm lượng ôxy hòa tan, pH, nhiệt độ. Định kỳ 3 – 5 ngày đo độ kiềm, độ trong và 4 lần/tháng đo các thông số NH3, H2S, NO2.
Trong quá trình sinh trưởng, tôm cần rất nhiều khoáng nên cần duy trì độ kiềm từ 80 mg/l trở lên. Đinh kỳ 7 ngày/lần kiểm tra mật độ vi khuẩn của nước và chất đáy ao nuôi. Mỗi tháng nên có 1 lần xử lý nước và đáy ao bằng chế phẩm sinh học, liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Đối với TCX, việc thay nước rất quan trọng, do đó người nuôi cần chủ động và thay nước thường xuyên, mỗi lần thay từ 20 – 30% nước trong ao nuôi. Khi cấp nước cần kiểm tra các yếu tố môi trường trong ao lắng và ao nuôi phải có sự tương đồng và đảm bảo chất lượng nguồn nước cấp vào không bị ô nhiễm.
Thái Thuận