(TSVN) – Mới đây, đề tài nghiên cứu xây dựng quy trình nuôi ốc nhảy thương phẩm tại tỉnh Khánh Hòa do TS Vũ Trọng Đại, giảng viên Trường Đại học Nha Trang làm chủ nhiệm vừa được nghiệm thu đã cho kết quả khả quan. Nhờ kiểm soát được các yếu tố đầu vào và có thể chăm sóc quản lý ốc tốt hơn nên hiện mô hình nuôi ốc nhảy trong ao đất đang mang lại hiệu quả kinh tế và mở ra phương pháp nuôi hiệu quả đối với loài hải sản này.
Ao nuôi được tẩy dọn sạch sẽ lớp bùn đáy, diệt trừ địch hại. Quanh ao được bao bọc bằng một lớp lưới, nhằm mục đích ngăn không cho ốc bò ra bên ngoài. Cống lấy nước phải có lưới chặn để ngăn không cho các loài địch hại (cá dữ, cua, ghẹ…) xâm nhập vào ao ăn ốc con.
Nguồn giống: Giống được mua từ các cơ sở sản xuất giống ốc uy tín, có chất lượng. Giống phải đồng đều về kích cỡ, sạch bệnh, màu sắc tươi sáng. Đối với ốc nhảy 6.000 – 7.000 con/kg. Ốc giống được vận chuyển từ trại sản xuất về ao nuôi bằng phương pháp vận chuyển kín có bơm ôxy.
Con giống được thả vào sáng lúc sớm hoặc chiều mát. Trước khi thả nuôi ốc giống phải được thuần hóa để thích nghi dần với điều kiện môi trường ao nuôi.
Ban đầu ốc được ương trong giai lưới đặt ở góc ao, sau 2 tháng ốc đạt cỡ 1,5 – 2 cm thì thả ra ngoài ao.
Nuôi ốc nhảy trong ao đất tại xã Vạn Khánh, huyện Vạn Ninh. Ảnh: V.L
Nước ao nuôi được tiến hành thay hàng ngày theo chế độ thủy triều, nhằm đảm bảo chất lượng nước ao luôn trong sạch. Các yếu tố môi trường như: Nhiệt độ, pH, độ mặn, độ trong, độ kiềm, khí độc được theo dõi chặt chẽ và điều chỉnh kịp thời, đảm bảo điều kiện môi trường tối ưu cho ốc nuôi sinh trưởng và phát triển.
Vào những thời điểm không thể thay nước do thủy triều kiệt, có thể sử dụng một số chế phẩm sinh học để làm sạch môi trường, ổn định chất lượng nước ao nuôi.Tăng cường hoạt động của máy quạt nước để gom tụ chất bẩn và đảm bảo nhu cầu về ôxy cho ốc nuôi.
Đối với ốc nhảy sử dụng thức ăn chủ yếu là thựcvậtphùduvàmùnbãhữucơdướiđáyao nuôi. Lượng thức ăn cho ăn hàng ngày bằng 5 – 10% trọng lượng thân của ốc. Cho ăn mỗi ngày 1 lần vào buổi sáng hoặc buổi tối. Cá không quá nhỏ để nguyên con cho ăn. Cua, ghẹ đập vỡ vỏ trước khi cho ăn. Thức ăn được rải đều trong ao, sau khi cho ăn khoảng 1 – 2 giờ thì kiểm tra mức độ tiêu thụ thức ăn của ốc để kịp thời điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp. Thường xuyên kiểm tra vớt bỏ toàn bộ thức ăn thừa… để tránh ô nhiễm môi trường nước ao nuôi.
Với quy trình hiện nay, đặc biệt là nuôi trong ao đất thì không thể sử dụng tảo bám và thức ăn tổng hợp cho ốc. Do đó, việc nghiên cứu tìm ra loại thức ăn chế biến phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng và phương thức bắt mồi của ốc để đảm bảo tính chủ động và hiệu quả trong quá trình nuôi thương phẩm trở thành yếu tố quyết định hiệu quả nuôi.
Sau 30 tháng thực hiện đề tài, nhóm nghiên cứu đã xác định được nguồn thức ăn chế biến có nguồn protein từ cá tạp, tần suất cho ăn cũng như mật độ ương giống phù hợp để cho tỷ lệ tốt nhất về khả năng hấp thụ thức ăn, tỷ lệ sinh trưởng và tỷ lệ sống của ốc nhảy. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cũng xây dựng hoàn chỉnh hệ thống các chỉ tiêu kỹ thuật để áp dụng vào mô hình nuôi thương phẩm ốc nhảy trong ao đất và ngoài vùng triều. Trong thời gian nuôi 10 tháng, ốc nhảy được nuôi trong ao đất có tỷ lệ sống đạt hơn 70%, năng suất đạt khoảng 1,5 kg/m².
Đối với mô hình nuôi ngoài vùng triều, tỷ lệ sống của ốc đạt khoảng 62%, năng suất khoảng 1,2 kg/m². Sở dĩ mô hình nuôi ốc trong ao đất hiệu quả hơn do người nuôi kiểm soát được các yếu tố đầu vào và có thể chăm sóc quản lý ốc tốt hơn. Tuy nhiên, mô hình nào cũng có tỷ lệ lợi nhuận cao hơn phương pháp nuôi cũ, cụ thể là 30,4% (mô hình vùng triều) và 50,9% (mô hình ao đất).
>> Theo PGS.TS Thái Thanh Bình, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu, đề tài đã đảm bảo các nội dung nghiên cứu đề ra; quy trình nuôi ốc nhảy thương phẩm đã giải quyết được hạn chế của quy trình nuôi cũ, mở ra cơ hội mới trong sản xuất thương phẩm loại thủy sản có giá trị kinh tế cao này để mang lại lợi nhuận lớn cho người nuôi.
Phương Đông