T2, 06/07/2020 11:05

Quy trình sản xuất giống cá trối

Chưa có đánh giá về bài viết

Quy trình được xây dựng dựa trên kết quả đề tài “Nghiên cứu bảo tồn, ứng dụng và phát triển cá trối (Channa hanamensis) tại thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam” của các chuyên gia Bùi Đình Đặng (Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I) và Vũ Văn Thường (Trung tâm Kiểm định, Kiểm nghiệm Hà Nam).

1. Nuôi vỗ cá bố mẹ

Chọn cá bố mẹ

Cá trối bố mẹ được lựa chọn phải khỏe mạnh, không sây sát, vây vảy đầy đủ, vân hoa và màu sắc tươi sáng, nhiều nhớt, không bị bệnh, không dị hình. Tuổi cá từ 1+ – 4+ tuổi, trọng lượng 150 – 500 g/con.

 

Thiết kế ao nuôi

Ao nuôi vỗ có diện tích 500 – 700 m2, độ sâu 1,2 – 1,5 m. Cá trối có tập tính nhảy cao nên yêu cầu bờ phải có lưới vây quanh bảo vệ, chiều cao lưới 1 – 1,5 m tính từ mặt bờ ao. Ao có hệ thống cấp và tiêu nước thuận tiện, hệ thống này phải được chắn bằng lưới để bảo vệ cá bố mẹ.

Ao phải được tát cạn, tẩy dọn và khử trùng bằng vôi bột với liều lượng 7 – 10 kg/100 m2, phơi khô đáy 3 – 5 ngày trước khi cấp nước.

Một số chỉ tiêu môi trường ao nuôi vỗ: pH 6,5 – 8,5; hàm lượng ôxy 3,5 mg/l trở lên; độ trong 20 – 30 cm.

 

Thời gian

Chia làm 2 giai đoạn: giai đoạn nuôi vỗ tích cực từ tháng 10 đến hết tháng 12 và nuôi vỗ thành thục từ tháng 1 đến hết tháng 3.

 

Mật độ

Cá bố mẹ nuôi chung trong cùng 1 ao, mật độ 0,2 – 0,4 con/m2, tương đương 0,03 – 0,07 kg/m2. Tỷ lệ cá đực/cá cái là 1:2, thực tế số lượng cá đực rất ít trong quần đàn.

 

Chăm sóc và quản lý

Thức ăn và cho ăn:

– Giai đoạn I (tháng 10 – 12): Thức ăn là cá tươi (cá mè, cá rô phi) băm nhỏ vừa cỡ mồi, cho cá ăn bằng sàn để kiểm tra sức ăn của cá và điều chỉnh hàng ngày. Khẩu phần ăn bằng 5% khối lượng đàn cá.

– Giai đoạn II (nuôi vỗ tích cực từ tháng 1 đến tháng 3): Thức ăn gồm 50% tôm tươi và 50% thịt cá tươi. Khẩu phần ăn/ngày bằng 3% khối lượng đàn cá.

 

Theo dõi hàng ngày

Thức ăn tươi sống được vệ sinh trước khi chế biến, hàng ngày cho cá ăn 1 bữa vào lúc 16 giờ, thức ăn được rải trên sàn ăn, thường xuyên kiểm tra vệ sinh sàn ăn.

Chú ý: Những ngày nhiệt độ thấp dưới 10 – 120C không cho cá ăn.

Bổ sung thêm ôxy hòa tan cho ao vào ban đêm bằng bơm phun tạo mưa. Thay 50% nước sạch cho ao 1 lần/tháng, duy trì mực nước 1 – 1,2 m.

Hàng ngày kiểm tra môi trường: nhiệt độ, ôxy, pH để xử lý kịp thời các hiện tượng bất lợi. Kiểm tra định kỳ: Sự phát triển tuyến sinh dục 1 lần/tháng để xác định thời gian cho cá đẻ. Sau 3 tháng nuôi vỗ thành thục, cá phát dục tốt, đạt trên 70%, bụng cá cái xuất hiện lườn trứng, các biểu hiện sinh dục phụ phát triển khá rõ, cá đực màu sắc sặc sỡ.

 

2. Sinh sản nhân tạo

Cơ sở vật chất và thiết bị phục vụ sinh sản nhân tạo

Cơ sở trang thiết bị phụ trợ cần thiết cho sinh sản nhân tạo cá trối gồm:

Bể hình chữ nhật, số lượng 2 – 3 bể, kích thước bể (2,5 m x 1,2 m x 1 m); Bể kính ấp trứng, số lượng 10 – 12 bể, kích thước (0,8 m x 0,6 m x 0,3 m); Khay ấp trứng, dụng cụ phụ trợ cho cá đẻ; Hệ thống bể cấp nước (bể chứa), máy bơm, máy sục khí, các trang thiết bị phụ trợ hoạt động trong suốt quá trình cho cá đẻ, ấp cá bột và ương cá con.

 

Bể ấp trứng và ương cá hương

Mùa vụ sinh sản

Thời gian cho cá đẻ bắt đầu từ trung tuần tháng 4 đến hết tháng 5. Mùa vụ kéo dài đến tháng 8 trong năm (cá đẻ vụ thu). Nhiệt độ thích hợp 28 – 300C.

 

Chọn cá bố mẹ cho đẻ

Cá đực thành thục

Màu sắc thân: Các sọc vân trên thân, các vây phát triển, màu vân tươi sáng rõ ràng, các chấm trắng trên thân và vây thể hiện rõ hơn cá cái. Hình thái: Thân cá thon, dài, bụng nhỏ và cứng, lỗ sinh dục hẹp nhỏ và hơi lõm vào, tách xa lỗ hậu môn. Cá đực kiểm tra không có tinh dịch chảy ra như cá khác. Chọn cá đực to khỏe, không có mầm bệnh, khối lượng từ 150 g trở lên, các sọc vân đậm rõ ràng, vây phát triển, thân rắn chắc, cá dài, nhiều nhớt.

 

Cá trối bố mẹ được lựa chọn phải khỏe mạnh – Ảnh: Anh Tuấn

Cá cái thành thục

Màu sắc thân: Các sọc trên thân màu đen không hiện rõ từ vây ngực đến lỗ sinh dục, các vây không phát triển, không có các chấm trắng trên thân và vây. Hình thái: Thân cá ngắn mập và bụng to, mềm nhìn rõ 2 lườn bụng. Lỗ sinh dục tròn và hơi hồng, nằm sát với lỗ hậu môn. Kiểm tra bằng que thăm trứng, trứng cá thành thục có màu vàng sậm, có giọt dầu. Cá cái được chọn, bụng to mềm, lật ngửa cá nhìn rõ 2 lườn bụng, lỗ sinh dục hồng mở rộng. Thăm trứng, đa số các hạt trứng căng tròn, đều, màu vàng sậm.

 

Tỷ lệ đực/cái

Tỷ lệ cá đực/cá cái là 1:1. Tuy nhiên, trong quần đàn cá trối thường tỷ lệ cá đực rất ít, đây là một trong những khó khăn cho công tác sinh sản nhân tạo.

 

Kích dục tố và phương pháp tiêm

Loại kích dục tố và liều lượng

Sử dụng phối hợp kích dục tố gồm não thùy thể cá chép; LRH-A (Luteotropin Releasing Hormoned Analog); Dom – Motilium và HCG. Liều lượng kích dục tố: Não thùy 1 chiếc/cá bố mẹ; LRH-A 58, 1 µg; DOM 17,4 mg; HCG 2140 UI. Liều lượng tiêm cá đực bằng 1/5 – 1/4 cá cái.

 

Phương pháp tiêm

Số lần tiêm: Đối với cá cái tiêm 3 lần, tiêm liều dẫn dùng 1 não thùy cá chép; Tiêm lần 2 bằng LRH-A phối hợp với DOM liều lượng bằng 1/3 tổng liều, thời gian tiêm cách liều dẫn 16 giờ; Tiêm lần 3 lượng LRH-A và DOM còn lại và 2140 UI HCG, thời gian tiêm cách liều dẫn 24 giờ. Đối với cá đực tiêm 1 lần trước khi tiêm lần 2 cho cá cái. Tiêm dưới gốc vây ngực cá bố mẹ, nên dùng bơm kim tiêm cỡ nhỏ loại 0,5 ml.

 

Tạo môi trường sinh thái

Sau khi tiêm liều quyết định, thả chung cá đực, cái trong cùng bể, mực nước trong bể đạt 50 – 60 cm, bể có nắp chống cá nhảy, đảm bảo sục khí và cấp nước dạng phun mưa, tạo dòng chảy nhẹ trong bể.

 

Thời gian cá đẻ và tỷ lệ đẻ

Trong điều kiện nhiệt độ 28 – 300C, cá đẻ sau liều quyết định khoảng 8 – 10 giờ. Theo đúng quy trình tỷ lệ đẻ đạt trên 70%.

 

Thụ tinh và ấp trứng

Thụ tinh nhân tạo cho cá trối

Phương pháp thụ tinh khô

– Chuẩn bị dụng cụ: Dụng cụ phục vụ cho đẻ vuốt cá gồm: chậu men, nước sạch, bát sứ sạch khô, dụng cụ giải phẫu, cối chày sứ, khăn bông và bể ấp trứng có sục khí. 

– Kiểm tra cá cái: Sau khi tiêm liều quyết định 8 – 10 giờ, nhiệt độ nước 28 – 300C, cá cái bắt đầu chảy trứng, bắt cá nhẹ nhàng, thấm khô bằng khăn mềm, ôm cá nằm sấp, nghiêng 100 từ đầu xuống hậu môn, dùng ngón trỏ tay phải ép vuông góc vào bụng cá, đưa nhẹ từ vây ngực xuống phần lỗ sinh dục, trứng chảy ra thành dòng vào bát sứ (bát men) sạch đã được chuẩn bị trước.      

– Thu sẹ cá đực: Đồng thời với quá trình vuốt trứng cá cái, phải tiến hành bắt cá đực, thấm khô, giải phẫu thu tuyến sinh dục (2 dải sẹ), dùng kéo cắt nhỏ, nghiền nhẹ trong cối sứ.

– Thụ tinh cho trứng: Sau khi thu được trứng và sẹ (tinh dịch), thao tác khẩn trương trộn sẹ vào bát trứng, dùng lông gia cầm đảo đều cho trứng được tiếp súc với sẹ, cho thêm 5 – 10 ml nước sạch vào bát trứng và đảo đều nhẹ để sẹ cá đực có thể tiếp cận và thụ tinh cho trứng trong thời gian 1 – 2 phút, sau đó, thêm nước sạch vào bát trứng. Thụ tinh xong, chuyển trứng vào bể ấp.

 

Phương pháp cho cá đẻ tự nhiên

Sau khi tiêm liều quyết định, thả ghép cá bố mẹ vào bể (ao cho đẻ). Ao cho cá đẻ có diện tích 50 – 100 m2. Độ sâu của ao 0,3 – 0,8 m. Trên mặt thiết kế các tổ bèo, rau muống đường kính tổ 40 – 50 cm, diện tích tổ chiếm 25 – 30% diện tích mặt nước.

Mật độ thả 1 cặp/2 – 5 m2 (cá 150 – 250 g). Tạo dòng nước chảy nhẹ hoặc phun mưa nhân tạo để kích thích cá đẻ. Thời gian hiệu ứng sau tiêm liều quyết định 8 – 12 giờ, có thể kéo dài đến 16 giờ, tùy thuộc vào mức độ thành thục của cá. Khi cá bắt đầu đẻ thì ngừng phun nước để không làm hỏng tổ trứng, trứng cá có giọt dầu nổi trên mặt nước.

 

Phương pháp ấp trứng

– Thu trứng cá đã thụ tinh, chuyển vào dụng cụ ấp, bể xi măng, bể kính. Mực nước bể ấp 20 – 30 cm. Mật độ trứng ấp: 7.000 – 8.000 trứng/m2.

– Chăm sóc bể ấp trứng: Đảm bảo sục khí 24/24 giờ, điều chỉnh sục nhẹ để lớp trứng ấp được ổn định. Trong quá trình ấp, thay nước 4 – 6 lần/ngày – đêm hoặc có dòng nước chảy nhẹ liên tục. Vớt bỏ ngay những trứng bị ung (màu trắng đục). Ở nhiệt độ 28 – 300C, sau 20 – 26 giờ, trứng sẽ nở thành ấu trùng, ấu trùng rất yếu và nổi trên mặt nước, dinh dưỡng bằng noãn hoàng cho đến ngày thứ 3 – 4 mới tiêu hết, lúc này cá bột có thể sử dụng thức ăn bên ngoài tự nhiên.

 

3. Ương nuôi cá hương, cá giống

Ương ấu trùng trong bể

– Diện tích bể ương: 4 – 10 m2, mực nước 50 – 60 cm. Mật độ cá bột ương: 1.000 – 1.500 con/m2.

– Chăm sóc:

+ Tuần đầu tiên, cá ăn sinh vật phù du tươi sống, vệ sinh bằng nước muối loãng trước khi cho cá ăn. Khẩu phần ăn, cho cá ăn thỏa mãn, theo dõi sau bữa ăn 15 phút, màu nước bể xanh là còn dư 1 ít thức ăn là đảm bảo. Cho ăn 4 bữa/ngày.

+ Tuần thứ 2: Tập cho cá ăn thêm trùn chỉ, 50% phù du + 50% trùn chỉ (cho ăn vừa đủ). Vệ sinh trùn chỉ bằng nước muối, cắt nhỏ vừa cỡ mồi cho cá ăn. Từ ngày thứ 10 tập cho cá ăn thịt cá tạp xay nhuyễn.

Lưu ý: Lượng cho ăn vừa đủ, không để dư thừa thức ăn, làm cho môi trường dễ bị ô nhiễm. Thường xuyên thay nước, loại thức ăn dư thừa và những cá thể yếu, chết. Sau 15 ngày, chuyển cá ương sang giai lưới trong ao.

 

Ương cá hương trong giai lưới

Giai lưới, kích thước 2 – 5 m2. Mật độ thả 1.000 con/m2. Thức ăn là thịt cá tươi xay, phối trộn thêm Vitamin A, C, D, E (2 g/100 kg thức ăn). Khẩu phần ăn 250 g/1.000 con, chia làm 4 bữa, khẩu phần ăn được tăng dần theo mức độ sinh trưởng của cá. Bố trí thả trong giai lưới các cây thủy sinh làm nơi trú ngụ và tránh nắng gắt cho cá như rau muống, lục bình chiếm 1/3 diện tích giai ương. Định kỳ thay nước mới giữ cho môi trường ao sạch. Kiểm tra sinh trưởng cá định kỳ 1 lần/tuần, loại bỏ cá yếu. Sau 55 – 60 ngày ương trong giai lưới, cá có thể đạt khối lượng trung bình  15 – 17 g/con, đạt cỡ cá giống.

 

Ương cá trong ao đất

Ao ương: Diện tích 300 – 500 m2. Ao được tát cạn, cải tạo đáy ao, sử dụng vôi bột để khử trùng với lượng 7 – 10 kg/100 m2 ao. Sau khi tẩy vôi phơi ao 3 – 5 ngày, có thể bón lót phân hữu cơ đã ủ kỹ với lượng 25 – 30 kg/100 m2 để gây thức ăn tự nhiên cho cá hương. Cấp nước vào ao phải lọc kỹ, tránh địch hại vào ao trước khi thả cá 2 – 3 ngày tạo điều kiện cho sinh vật phù du phát triển làm thức ăn tự nhiên cho cá. Mực nước ao đạt được 0,8 m.

 

Chăm sóc quản lý

+ Trong 10 ngày đầu cá ăn thức ăn tự nhiên, bổ sung thêm lòng đỏ trứng chín. Khi màu nước giảm, bổ sung phân vô cơ đạm/lân với tỷ lệ 1/3 để gây thức ăn tự nhiên.

+ Ương cá từ ngày thứ 11: Bổ sung thêm thịt cá xay nhuyễn, té đều khắp ao. Khẩu phần ăn 10% khối lượng đàn cá.

+ Ương cá đạt 30 ngày tuổi: Cho cá ăn cỡ mồi lớn hơn bằng cá tạp băm nhỏ, cho cá ăn trên sàn ăn, đặt cách mặt nước 10 – 20 cm.

+ Ương cá đạt 45 ngày tuổi: Cho ăn tôm, cá tạp băm nhỏ. Thức ăn được đưa xuống để cố định trong ao.

+ Trong giai đoạn cuối, có thể cho cá ăn thức ăn chế biến khi cá đạt kích cỡ 5 – 7 cm sau 45 ngày ương. Các nguyên liệu phối trộn gồm: cám, bột cá, cá biển, cá tạp, đảm bảo đạt 25 – 30% đạm. Bổ sung thêm vitamin vào thức ăn (200 g/100 kg thức ăn).

Sau thời gian ương 80 – 90 ngày, cá đạt cỡ cá giống, kích thước 8 – 12 cm.

 

Cá trối trưởng thành – Ảnh: Anh Tuấn

4. Phòng trị bệnh cá

Quá trình ương cá bột lên cá hương trong bể và giai lưới cần đặc biệt quan tâm đến môi trường và dịch bệnh cho cá. Khi cá hoạt động không bình thường, có biểu hiện kém ăn, bỏ ăn tiến hành thu mẫu kiểm tra theo phương pháp nghiên cứu KST đồng bộ của Viện sĩ  Dolgiel, Bychowsky Palopsky (1968); Hà Ký (1968). Kiểm tra trên da và mang cá để phát hiện bệnh và xử lý.

Kết quả phân tích và phát hiện một số tác nhân gây bệnh trên cá trối:

– Tác nhân gây bệnh là vi khuẩn: Đã phát hiện các loại vi khuẩn hình que mảnh, gram âm tại các vết lở loét trên cơ thể cá, mang cá với mật độ rất cao. Kết quả nuôi cấy phân lập cũng bắt gặp vi khuẩn Flavobacterium sp ở trên tất cả các mẫu nghiên cứu.

– Tác nhân gây bệnh là nấm: Phát hiện nấm thủy my Achlya sp, ký sinh trên cơ cá của 70% số mẫu nghiên cứu.

-Tác nhân gây bệnh là ký sinh trùng: Đã phát hiện ký sinh trùng Trichodina sp trên da và mang cá. Các loại ký sinh trùng có kích thước nhỏ, mẫu vật được đặt lên lamen phơi khô. Sán lá đơn chủ, ấu trùng sán cố định trong cồn 700, làm tiêu bản trên lam kính với NH4OH 2%. Bào tử sợi làm tiêu bản trực tiếp hoặc nhuộm bằng AgNO3 2%. Giáp xác cố định trong cồn 700 hoặc Formaline 3%. Trong quá trình ương cá hương, cá giống bắt gặp trùng bánh xe và trùng loa kèn.

Giai đoạn ương cá bột lên cá hương trong bể và giai lưới cần đặc biệt quan tâm đến chất lượng nước. Thức ăn từ phù du và trùn chỉ, thịt cá tươi sống, đây là nguồn lây nhiễm các bệnh ký sinh trùng nhanh nhất, nên khâu xử lý vệ sinh thức ăn trước khi cho cá ăn rất cần thiết. Do các yếu tố môi trường bị ảnh hưởng trực tiếp của lượng thức ăn dư thừa, chất thải của cá đã gây thiếu ôxy cục bộ làm nấm và vi khuẩn gây bệnh phát triển ảnh hưởng trực tiếp đến sinh trưởng và tỷ lệ sống của cá. Chính vì vậy, việc kiểm tra thường xuyên, bổ sung thay nước, vệ sinh thức ăn dư thừa hàng ngày là công việc rất quan trọng và đảm bảo lượng ôxy hòa tan đạt trên 3 mg/l trở lên.

Các khâu kỹ thuật trong quy trình được đảm bảo, với thời gian ương sau 45 ngày, tỷ lệ cá sống đạt trên 75%. Sau 80 – 90 ngày, tỷ lệ sống đạt trên 60%.

>> Cá trối là loài quý hiếm, đặc hữu có tại đầm Tam Chúc, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam; Do môi trường sống thay đổi và bị khai thác bừa bãi nên nguồn cá trối trong tự nhiên đã bị cạn kiệt. Việc nghiên cứu tìm ra quy trình sản xuất cá giống có ý nghĩa quan trọng, nhằm bảo tồn và phát triển loài thủy sản có giá trị này.

ThS. Bùi Đình Đặng - Viện Nghiên cứu NTTS I

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!