(TSVN) – Nuôi tôm trong nhà kính công nghệ cao giúp hạn chế được rủi ro, mang lại năng suất cao và tiết kiệm tối đa chi phí. Tuy nhiên mô hình này cũng có nhiều thách thức mà người nuôi cần nghiên cứu kỹ, nắm vững kỹ thuật, tiêu chuẩn, cẩn thận lựa chọn, chỉn chu ngay từ ban đầu.
Nuôi tôm trong nhà kính giúp kiểm soát tốt môi trường, hạn chế dịch bệnh. Ảnh: Việt Úc
Màng nhà kính: Đây là yếu tố quan trong mang đến một môi trường nuôi tôm ổn định, cách biệt hoàn toàn với môi trường bên ngoài.
HDPE bạt lót hồ tôm: Bạt lót có tác dụng ngăn không cho nước thấm qua đất, hạn chế bùn, tránh được ô nhiễm nguồn nước nuôi tôm.
Hệ thống lọc nước: Hệ thống này có tác dụng làm sạch trước và sau khi đưa nước vào ao nuôi chính.
Hệ thống cung cấp ôxy: Giúp tạo ôxy để tôm phát triển tốt.
Hệ thống đèn chiếu sáng tự động: Vì tôm được nuôi trong nhà kính nên không tận dụng được ánh sáng thiên nhiên, bắt buộc cần có hệ thống đèn chiếu sáng. Điều chỉnh cường độ ánh sáng để kích thích tôm sinh trưởng.
Hệ thống cho ăn tự động: Giúp người nuôi dễ dàng quản lý đúng lượng thức ăn trong mỗi lần cho ăn, bảo đảm lượng thức ăn lý tưởng để tôm phát triển khỏe mạnh, không tích tụ gây ô nhiễm nguồn nước. Ngoài ra, còn giúp đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng cho tôm, rút ngắn thời gian nuôi.
Bên cạnh đó, nếu có điều kiện có thể đầu tư thêm hệ thống lọc và sục khí để duy trì chất lượng nước, hệ thống nhiệt và làm mát để điều chỉnh nhiệt độ, và các thiết bị giám sát để theo dõi các thông số môi trường.
Chọn loại màng có tuổi thọ cao: Màng nhà kính được phủ lên phần mái nhà kính nên sẽ tiếp xúc trực tiếp với các yếu tố của thời tiết như: mưa gió, nắng gắt, sương giá,… Do đó chúng dễ bị hư hỏng qua thời gian sử dụng. Chọn loại màng có độ bền tốt, tuổi thọ cao giúp nâng cao hiệu quả bảo vệ của nhà màng. Về lâu dài sẽ giúp tiết kiệm chi phí tu sửa và thay mới.
Chọn loại màng phù hợp với khí hậu: Với những vùng có khí hậu nóng quanh năm, nên lựa chọn loại màng có khả năng khuếch tán ánh sáng nhằm hạn chế được nhiệt độ oi bức. Với những nơi có khí hậu mát hơn, cần chú ý đến độ ẩm để lựa chọn loại màng không đọng nước, có độ khuếch tán ánh sáng thấp. Loại màng này sẽ giúp đảm bảo được nhiệt độ ở bên trong luôn cao hơn so với bên ngoài. Ngoài ra cần chú ý đến độ dày của màng kính trong khoảng từ 0,1 – 0,2 mm là tốt nhất. Tùy thuộc vào nhu cầu, vùng miền mà chọn loại kính phù hợp nhất.
Sử dụng công nghệ cao để tiết kiệm thời gian: Nuôi tôm trong nhà kính công nghệ cao có thể nói là bước đột phá, là giải pháp tối ưu nhất trong ngành nuôi tôm. Con người cần phải làm quen và sử dụng thành thạo máy móc thay thế cho sức lao động. Chẳng hạn như sử dụng máy đo quan trắc môi trường để thông báo chỉ số pH, ôxy hòa tan, độ mặn, nhiệt độ,… để cảnh báo chỉ số vượt mức cho phép nhằm kịp thời xử lý; sử dụng phần mềm trên điện thoại để quản lý thức ăn, ghi nhật ký trang trại từ xa và nhiều hơn thế nữa.
Phương Đông