Quy trình xử lý nước thải ao tôm

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Hỏi: Xin tư vấn quy trình xử lý nước thải ao tôm bằng hệ thống xử lý nước thải công nghiệp?

(Nguyễn Công Thịnh, xã Phú Thành B, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp)

Trả lời:

Với hệ thống xử lý nước thải công nghiệp, nước thay và nước xi phông sẽ được tách các chất rắn lơ lửng bằng thiết bị lọc trống. Nước sau khi tách chất rắn lơ lửng sẽ được đưa vào các bể xử lý sinh học. Tại đây, bể lọc sinh học với các giá thể sinh học lơ lửng trong nước sẽ được sục khí tích cực và nhờ vào số lượng lớn vi sinh trong bùn hoạt tính sẽ chuyển hóa các hợp chất hữu cơ hòa tan thành hợp chất vô cơ không độc hoặc sinh khối vi khuẩn. Nước sau khi qua khỏi bể lọc sinh học được chuyển qua bể lắng để tách bùn, sau đó chuyển qua bể khử trùng diệt khuẩn và tuần hoàn tái sử dụng hoặc thải ra môi trường. Lượng bùn phát sinh từ bể lắng sẽ được thu gom vào bể chứa bùn để xử lý hoặc tận dụng trồng cây.

Ưu điểm của phương pháp là xử lý nước thải với hiệu suất cao và thời gian xử lý nhanh. Thế nhưng, đây là phương pháp đòi hỏi chi phí cao, cần có chuyên môn sâu về nguyên lý kỹ thuật để vận hành. Chỉ áp dụng được đối với các công ty lớn, khó áp dụng đại trà.

Hỏi: Nguyên lý của phương pháp xử lý nước thải bằng ao sinh học?

(Mai Văn Hà, xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau) 

Trả lời:

Phương pháp ao sinh học dựa trên nguyên lý xử lý nước thải nhờ vào các quá trình phân hủy sinh học các hợp chất hữu cơ của các loại vi sinh hữu ích và các loài thủy sản ăn chất cặn lắng hữu cơ như cá rô phi, sò, nghêu… Trên thực tế, hệ thống xử lý bằng ao sinh học được thiết kế gồm nhiều ao kế tiếp nhau có công dụng khác nhau, trong đó chủ yếu là ao lắng và ao xử lý sinh học kỵ khí, hiếu khí hoặc tùy tiện (ao có cả vùng kỵ khí và hiếu khí). Tác dụng của các ao lắng nhằm giữ lại phần lớn chất lơ lửng trước khi nước thải được đưa vào các ao sinh học, thiết kế ao lắng phải phù hợp để có đủ thời gian lắng các cặn lơ lửng. Tại các ao xử lý sinh học, chất hữu cơ lơ lửng sẽ được phân hủy sinh học bằng hệ vi sinh vật có trong ao cũng như tận dụng nuôi các loài thủy sản như: Cá phi, cá nâu, sò, nghêu… để xử lý các chất rắn lơ lửng, rong tảo. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Cà Mau, người dân thường nuôi cá trê để tận dụng vỏ tôm lột, cá phi, cá nâu để xử lý chất thải xi phông từ ao nuôi.

Ưu điểm của phương pháp này là chi phí thấp; Dễ thực hiện và áp dụng đại trà. Tuy nhiên, để thực hiện đòi hỏi phải có diện tích lớn để bố trí ao sinh học. Chất lượng nước sau xử lý còn biến động. Ngoài ra, thời gian xử lý cũng khá lâu.

Ban KHKT

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!