T3, 19/10/2021 01:30

Quyết liệt hơn với chống khai thác IUU

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Theo các nhà chuyên môn, chống khai thác cần có giải pháp để khôi phục nguồn lợi thủy sản, giải nhiệt áp lực nợ từ phía ngân hàng, chuyển đổi ngành nghề cho ngư dân… Bên cạnh đó, cần tuyên truyền mạnh hơn nữa vấn đề chống khai thác IUU đến các chủ tàu, thuyền trưởng, ngư dân, những người trực tiếp hành nghề khai thác hải sản trên biển để họ hiểu và chấp hành nghiêm túc các quy định về khai thác.

Còn không ít tồn tại

Thống kê của Sở NN&PTNT Kiên Giang, đến nay, toàn tỉnh đã có 3.629 tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, đạt 99,15% tổng số tàu thuộc diện phải lắp đặt. Mặc dù các sở, ngành và địa phương đã nỗ lực triển khai thực hiện nhưng đến nay vẫn còn 31 tàu chưa lắp đặt, nên việc giám sát, kiểm soát 100% số tàu cá hoạt động trên biển vẫn chưa đạt hiệu quả. Tình trạng tháo thiết bị giám sát gửi sang tàu khác, thiết bị mất kết nối hoặc có kết nối nhưng cùng một vị trí trong thời gian dài… vẫn diễn ra nhưng chưa được phát hiện, xử lý kịp thời. Theo Ban Chỉ đạo tỉnh Kiên Giang về IUU, hoạt động khai thác trên địa bàn tỉnh vẫn diễn biến phức tạp, công tác chống khai thác IUU chưa đạt yêu cầu đề ra. Chỉ tính từ đầu năm đến ngày 15/9, có tới 42 tàu cá vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài, tăng 5 tàu so cùng kỳ năm 2020. Lý giải điều này, cơ quan chức năng cho rằng, do số lượng tàu cá vượt xa trữ lượng nguồn lợi thủy sản địa phương, lại thêm tình trạng chưa ngăn chặn triệt để khai thác thủy sản mang tính hủy diệt, dẫn đến nguồn lợi thủy sản tự nhiên bị suy giảm, cạn kiệt.

Tình trạng tàu cá, ngư dân vi phạm khai thác IUU vẫn chưa chấm dứt, điều này có nhiều nguyên nhân, cả khách quan và chủ quan. Theo Đại tá Phạm Xuân Diệu, Phó Tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng, nguyên nhân khách quan là hiện nay, một số nghề khai thác thủy sản mang tính tận diệt vẫn chưa được kiểm soát, ngăn chặn triệt để dẫn đến nguồn lợi thủy sản ở các vùng biển của Việt Nam bị suy giảm, cạn kiệt. Trong khi, nguồn lợi thủy sản ở vùng biển nước ngoài phong phú, dễ đánh bắt, thu nhập cao. Số lượng phương tiện nhiều, đa dạng về chủng loại, khó khăn cho công tác quản lý. Đời sống nhân dân khu vực biên giới biển còn nhiều khó khăn… Nguyên nhân chủ quan là ý thức pháp luật của một bộ phận ngư dân còn hạn chế, một số ngư dân còn vì lợi ích kinh tế trước mắt cố tình vi phạm các quy định về khai thác thủy hải sản, sử dụng nhiều cách thức, thủ đoạn tinh vi để “qua mắt” lực lượng chức năng đưa tàu sang vùng biển nước khác khai thác; Công tác tuyên truyền chưa thực sự tạo được chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của ngư dân; Có tình trạng xuất hiện đường dây móc nối đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam sang vùng biển nước ngoài khai thác trái phép.

Cương quyết chống khai thác IUU

Tại Hội nghị trực tuyến sơ kết hoạt động Ban Chỉ đạo 689 về Chống khai thác IUU của tỉnh Bến Tre vào chiều 14/10, Bí Thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ nhấn mạnh, các địa phương, ngành chức năng tỉnh phải cương quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm khai thác IUU. Địa phương nào lơ là không quyết liệt, để đến cuối năm 2021 vẫn còn tàu vi phạm thì phải chịu trách nhiệm trước cấp ủy và tỉnh ủy. Ngoài ra, lực lượng Bộ đội Biên phòng, đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát, kiên quyết không cho xuất bến đối với các tàu cá không đảm bảo điều kiện theo quy định; kịp thời phát hiện, xác minh, xử lý nghiêm các trường hợp vượt đường ranh giới trên biển, các trường hợp khai thác hải sản trái pháp luật, vi phạm chủ quyền vùng biển nước ngoài, các trường hợp môi giới đưa tàu cá và ngư dân ra nước ngoài không đúng quy định của pháp luật hoặc tổ chức đưa người xuất, nhập cảnh trái phép.

Đại diện Chi cục Thủy sản Khánh Hòa thông tin, địa phương đã triển khai quyết liệt các biện pháp và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đến thời điểm này, công tác chống khai thác IUU, khắc phục cảnh báo “thẻ vàng” của EC trên địa bàn tỉnh cơ bản hoàn thiện. Bên cạnh chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của ngư dân, các khuyến nghị của EC liên quan đến thể chế, tổ chức bộ máy, quản lý tàu cá, chứng nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản đều được tỉnh triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả. Đối với việc thực hiện các quy định về chống khai thác IUU trên địa bàn tỉnh, có 2 vấn đề cần phải được gấp rút thực hiện, hoàn thành vào cuối năm nay là: Lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá; cấp giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm cho tàu cá. 

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính về chống khai thác IUU, gỡ cảnh báo “thẻ vàng”; mới đây, Bộ NN&PTNT đã có văn bản đề nghị Chủ tịch UBND 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các sở, ban ngành và lực lượng chức năng có liên quan tại địa phương triển khai thực hiện quyết liệt, có hiệu quả ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, tập trung một số nhiệm vụ giải pháp trọng yếu như: Tiến hành xây dựng, rà soát, sửa đổi, bổ sung Kế hoạch thực hiện các giải pháp chống khai thác IUU phù hợp với tình hình, kết quả chống khai thác IUU của địa phương hiện nay; gắn trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU; nhất là ở cấp xã/phường/thị trấn trong công tác tuyên truyền, vận động người dân tuân thủ pháp luật, đảm bảo “dân biết, dân hiểu, dân tin, dân theo và dân làm”. Tiếp tục ưu tiên đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng nghề cá và đảm bảo bố trí đủ nguồn nhân lực, trang thiết bị phục vụ cho các cơ quan quản lý thủy sản, các lực lượng chức năng có liên quan tại địa phương để triển khai thực hiện các giải pháp chống khai thác IUU; thực hiện đúng quy định về kiểm soát tàu cá ra vào cảng, kiểm soát sản lượng qua cảng, thực hiện công tác xác nhận, chứng nhận, truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác… Tiếp tục xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ ngư dân tại địa phương thực hiện hoạt động khai thác thủy sản theo đúng quy định, đảm bảo ổn định đời sống, sinh kế của ngư dân bền vững.

Hải Lý

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!