(TSVN) – Sau 4 năm kể từ ngày EC cảnh báo “thẻ vàng” đối với sản phẩm hải sản khai thác của Việt Nam (23/10/2017 – 23/10/2021), dù đạt được nhiều kết quả khả quan, nhưng để có thể gỡ được “thẻ vàng” đòi hỏi cơ quan quản lý Nhà nước, Hiệp hội cùng doanh nghiệp và ngư dân cần quyết liệt hơn nữa trong thực hiện các giải pháp chống khai thác IUU.
Chia sẻ tại Hội nghị đánh giá 4 năm triển khai Chương trình Doanh nghiệp hải sản cam kết chống khai thác IUU của VASEP sáng 23/10 theo hình thức trực tuyến; bà Phan Thị Huệ, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Tổng cục Thủy sản cho biết, theo đánh giá của EC, việc thực hiện chống khai thác IUU của Việt Nam đã đạt được một số kết quả. Về khung pháp lý, hệ thống pháp luật về thủy sản đã được hoàn thiện và cơ bản đáp ứng được yêu cầu hội nhập quốc tế, đảm bảo quản lý, phát triển nghề cá bền vững, có trách nhiệm.
Việc triển khai bước đầu đã có nhiều cố gắng, tiến bộ. Đến nay, đã có 90,87% tàu cá chiều dài từ 15 m được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS). Hệ thống giám sát tàu cá, cơ sở dữ liệu giám sát tàu cá đã được kết nối, chia sẻ, triển khai đồng bộ, bước đầu đã đạt được kết quả trong theo dõi, quản lý tàu cá hoạt động trên biển; 90,53% số lượng tàu cá đã thực hiện đánh dấu theo quy định. Công tác quản lý đội tàu khai thác hải sản theo quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản, đã có kết quả tích cực bước đầu theo hướng duy trì, không tăng số lượng tàu cá hiện có. Cùng đó, đã ngăn chặn, chấm dứt được tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm khai thác hải sản ở các nước, quốc đảo Thái Bình Dương; tuy nhiên, tình hình tàu cá vi phạm vùng biển các nước trong khu vực như Indonesia, Malaysia, Thái Lan… dù có giảm so trước nhưng chưa vững chắc.
Việc xử phạt các hành vi khai thác IUU đã có nhiều kết quả bước đầu
Việc xử phạt các hành vi khai thác IUU đã có kết quả bước đầu. Một số tỉnh bước đầu đã xử phạt các tàu vi phạm vùng biển nước ngoài, ngắt kết nối VMS như: Cà Mau, Kiên Giang, Bến Tre, Tiền Giang, Quảng Ngãi, Bình Định, Bình Thuận. Năm 2020, phạt 2.468 vụ với tổng số tiền xử phạt là 61.904.462.000 đồng. Từ đầu năm 2021 đến nay, đã phạt 1.527 vụ với tổng số tiền xử phạt là 13.679.600.000 đồng.
Bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Phó Chủ tịch VASEP chia sẻ, với mục tiêu tháo gỡ “thẻ vàng” và sự phát triển bền vững của ngành khai thác và chế biến xuất khẩu thủy hải sản Việt Nam, các doanh nghiệp cũng đã đồng lòng cam kết chống khai thác IUU bằng những hành động cụ thể: Chỉ thu mua nguyên liệu từ tàu cá khai thác hợp pháp, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chỉ nhập khẩu thủy hải sản khai thác có nguồn gốc khai thác hợp pháp… Doanh nghiệp hấp nhận xuất khẩu sang EU không có lợi nhuận để chờ ngày EC gỡ bỏ lệnh cấm “thẻ vàng”.
Ông Huỳnh Thanh Lĩn, Giám đốc Xuất nhập khẩu Công ty TNHH Hải Vương cho rằng, những năm qua doanh nghiệp tham gia chương trình cam kết chống khai thác IUU, nhưng trên thực tế doanh nghiệp thu mua hải sản rất khó xác định hải sản đó có vi phạm IUU hay không vì không có đủ cơ sở dữ liệu đáng tin cậy. Nhiều trường hợp doanh nghiệp mua nguyên liệu, chế biến xong, nhưng khi làm hồ sơ xuất khẩu mới biết nguyên liệu vi phạm và không thể xuất khẩu. Nếu xuất khẩu rồi mới phát hiện thì càng nguy hiểm hơn bởi sẽ bị EC tiến hành điều tra. Do vậy, để chống khai thác IUU đồng bộ trong toàn chuỗi, cần có cơ sở dữ liệu được kết nối, chia sẻ từ các Chi cục thủy sản địa phương, Ban quản lý các cảng cá và doanh nghiệp thu mua.
Còn theo Thượng tá Nguyễn Đình Phúc, Phó trưởng phòng An ninh hàng hải, Bộ Tư lệnh Cảnh sát Biển, việc giám sát của các đơn vị dù sát sao đến đâu cũng chỉ giải quyết được phần ngọn của vấn đề khai thác IUU. Để khắc phục được “thẻ vàng” IUU phải giải quyết các tồn tại, vi phạm từ gốc, nghĩa là phải nâng cao nhận thức của người trực tiếp khai thác, có giải pháp gia tăng lợi ích kinh tế cho người chấp hành quy định so với những người khai thác không tuân thủ để tạo động lực thay đổi một cách tự giác, bền vững.
Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản nhận định, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển cần ưu tiên bố trí vốn đầu tư của tỉnh để đầu tư, nâng cấp hoàn thiện hệ thống cảng cá thuộc thẩm quyền quản lý. Quan tâm đầu tư, kiện toàn và nâng cao năng lực cho bộ máy quản lý thủy sản tại địa phương để đáp ứng yêu cầu thực thi pháp luật thủy sản, trọng tâm là nhiệm vụ chống khai thác IUU, gỡ “thẻ vàng” của EC. Hiệp hội ngành nghề thủy sản, đặc biệt là Hội Nghề cá Việt Nam, VASEP cần tích cực tham gia hợp tác công tư trong công tác xây dựng cơ sở hạ tầng nghề cá; cùng với cộng đồng ngư dân, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản chung tay cùng Chính phủ hỗ trợ nguồn lực để chống khai thác IUU; kiên quyết từ chối thu mua, chế biến, xuất khẩu các sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác IUU. Tổ chức, cá nhân tham gia hoặc có liên quan đến hoạt động khai thác thủy sản phải chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật và nói không với khai thác IUU.
>> Thông tin từ Tổng cục Thủy sản, ngày 27/10 tới, đoàn kiểm tra của EC sẽ kiểm tra trực tuyến về công tác nâng cấp, cải thiện chống khai thác thủy hải sản bất hợp pháp của Việt Nam. |