T6, 14/10/2022 03:31

Quyết liệt khắc phục tồn tại, hạn chế trong khai thác thủy sản

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Sáng 13/10/2022, Bộ NN&PTNT đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc để rà soát, nắm bắt lại việc thực hiện các biện pháp chống khai thác IUU. Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về IUU chủ trì.

Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn cả nước, các lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý 68 tàu cá với 69 vụ vi phạm IUU. Hàng nghìn lượt tàu cá khác vẫn vi phạm các quy định, phổ biến là: Vượt ra vùng biển nước ngoài khai thác khiến nhiều ngư dân và phương tiện đã bị nước bạn bắt giữ; mất tín hiệu giám sát hành trình hơn 10 ngày trên biển; việc ghi nhật ký và thống kê sản lượng khai thác ở nhiều tỉnh còn chiếu lệ, thực hiện chưa nghiêm… Tại nhiều địa phương, nhiều tàu vi phạm vẫn không bị xử phạt mà chỉ dừng lại ở việc nhắc nhở; cùng một lỗi vi phạm, nhưng hình thức xử lý của mỗi tỉnh lại khác nhau. Do vi phạm IUU nên thời gian gần đây, sản phẩm thủy sản Việt Nam đã bị EU rút “thẻ vàng” cảnh báo và hạn chế xuất khẩu sang thị trường châu Âu khiến giá trị sản phẩm giảm, ngư dân và các cơ sở chế biến chịu thiệt thòi, mất uy tín thương hiệu hàng hóa quốc gia trên trường quốc tế…

Theo Bộ NN&PTNT, tất cả các bộ, ngành, địa phương phải coi đây là nhiệm vụ cấp bách, đồng thời là nhiệm vụ lâu dài, vì sự phát triển bền vững của nghề biển. Ảnh: Như Đồng

Sau hơn 3 tuần triển khai, Tổng cục Thủy sản đánh giá, hầu hết trong số 28 tỉnh, thành phố ven biển đã có những chuyển biến tích cực về chống IUU. Đặc biệt, nhiều tỉnh đã thành tập tổ kiểm tra, rà soát trực tiếp các vấn đề tại cảng cá. Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân nhấn mạnh, chỉ còn một tuần nữa, đoàn EC sẽ vào kiểm tra. Nếu địa phương làm thật, chắc chắn sẽ có bằng chứng để chứng minh cho EC về những kết quả chúng ta đã làm. Tất cả cần nâng cao tinh thần trách nhiệm, tránh việc trả lời loanh quanh trước EC. Việc vi phạm về IUU hầu như xảy ra cố hữu tại một số nhóm đối tượng. Do đó, địa phương cần nắm chắc, nắm sát địa bàn để có phương án tuyên truyền, giáo dục cho các đối tượng này. Tránh để số ít vụ vi phạm làm ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng triệu ngư dân.

Tại Hội nghị, các đại biểu các bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố ven biển đã báo cáo tình hình vi phạm, việc triển khai các giải pháp, xử lý tình trạng vi phạm IUU những tháng qua. Các đại biểu cũng đề xuất thêm nhiều giải pháp để ngăn chặn ngay các hình thức khai thác trái phép theo yêu cầu của EC trước mắt và lâu dài. Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa Cao Văn Cường đã khái quát tình hình chống vi phạm IUU tại địa phương thời gian qua. Hơn 9 tháng qua, tỉnh không có trường hợp tàu cá khai thác trái phép trên vùng biển nước ngoài bị bắt giữ; Thanh Hóa cũng được Bộ NN&PTNT đánh giá là một trong những địa phương triển khai hiệu quả việc gắn thiết bị hành trình cho tàu cá hiệu quả nhất cả nước. Hơn 9 tháng năm 2022, các đơn vị liên quan của Sở NN&PTNT và lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh đã phối hợp tổ chức 39 chuyến kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý vi phạm với 98 tàu cá công suất lớn với tổng số tiền hơn 564 triệu đồng. Hiện các đơn vị liên quan đã lập danh sách tàu cá có nguy cơ cao vi phạm IUU để gửi Tổng cục Thủy sản, Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố ven biển và các đơn vị liên quan trong tỉnh để phối hợp theo dõi. Trong tuyên truyền, ngoài phối hợp với Báo Thanh Hóa và Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, các đơn vị đã treo 35 băng rôn tại các cảng cá, in và phát 25.000 tờ rơi về các quy định khai thác hải sản và bảo vệ nguồn lợi thủy sản cũng như chống vi phạm IUU, tổ chức nhiều lớp tập huấn cho 85 cán bộ và ngư dân các huyện, thị xã, thành phố ven biển.

Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND Cà Mau chia sẻ, tỉnh đã xử lý triệt để các tàu vi phạm. Đồng thời, Cà Mau đã lập một tổ công tác về IUU, nhằm tháo gỡ bằng được những vướng mắc thuộc về chủ quan, nhất là công tác rà soát các phương tiện quá hạn đăng ký, đăng kiểm. Tuy nhiên, trong khai thác thủy sản của địa phương còn tồn tại thực trạng một số tàu không trung thực khai báo khi bị xử lý vi phạm; điều này dẫn đến những bất cập về việc rà soát, cung cấp thông tin công khai, minh bạch cho EC.

Đại diện Bộ Quốc phòng đã đề nghị Bộ NN&PTNT và 28 tỉnh, thành phố ven biển tạo điều kiện cho ngư dân ra khơi, bám biển trong thời gian đoàn EC kiểm tra. Đồng thời, số liệu vi phạm giữa các cơ quan, tổ chức cần được thống nhất. Về phía Bộ Ngoại giao, đơn vị cho rằng, Việt Nam cần tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, nhất là các quốc gia thuộc EU, trong việc tháo gỡ “thẻ vàng” IUU sớm nhất có thể.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, Tổng cục Thủy sản sớm tổng hợp lại những vi phạm để báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Thường trực Ban Bí thư. Yêu cầu từng bộ, ngành Trung ương, các địa phương triển khai cấp bách từng nhóm giải pháp liên quan đến ngành, địa phương mình phụ trách; tất cả phải nỗ lực để giải quyết triệt để các hình thức khai thác hải sản vi phạm IUU. Từng địa phương phải chuẩn bị sẵn hồ sơ, triển khai các điều kiện thuận lợi nếu Đoàn Thanh tra EC chọn kiểm tra ngẫu nhiên.

Thiên Lý

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!