(TSVN) – Chiều 1/6, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tổ chức cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) với 28 tỉnh, thành phố ven biển trên toàn quốc.
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, sau hơn 5 năm (từ ngày 23/10/2017) triển khai thực hiện các giải pháp chống khai thác IUU theo khuyến nghị của EC nhằm gỡ cảnh báo “thẻ vàng” Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực. EC đã ghi nhận và đánh giá cao quyết tâm chính trị của Việt Nam trong việc chống khai thác IUU.
Bộ NN&PTNT đã phối hợp tốt với các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo và tổ chức triển khai nhiều giải pháp tích cực để chống khai thác IUU. Công tác quản lý đội tàu, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) đã có sự chuyển biến tích cực; đã triển khai hệ thống phần mềm theo dõi, quản lý hoạt động xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản. Thực hiện việc kiểm soát sản phẩm thủy sản nhập khẩu theo quy định của Hiệp định về các biện pháp quốc gia có cảng (Hiệp định PSMA) về tổng thể đã có sự cải thiện tốt hơn so với trước.
Thực hiện khuyến nghị của EC, 26/28 tỉnh, thành phố ven biển trực thuộc trung ương thực hiện xong việc rà soát, kiểm kê tàu cá, xác định hạn ngạch khai thác thủy sản tại vùng biển ven bờ và vùng lộng. Về theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá trên biển, cả nước đã lắp đặt thiết bị VMS trên tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên đạt 97,65%. Việt Nam đã ngăn chặn, chấm dứt được tình trạng tàu cá vi phạm ở các nước, quốc đảo Thái Bình Dương. Công tác thực thi pháp luật, xử phạt vi phạm hành chính đã được triển khai tích cực tại nhiều địa phương. Từ đầu năm 2023 đến nay, xử phạt trên 13 tỷ đồng các tàu cá vi phạm.
Toàn cảnh hội nghị diễn ra ngày 1/6/2023. Ảnh: VGP
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc tổ chức triển khai Luật Thủy sản, các quy định chống khai thác IUU còn chưa đồng bộ, xuyên suốt giữa các địa phương. Việc đăng ký tàu cá, cấp Giấy phép khai thác thủy sản, lắp đặt thiết bị VMS chưa hoàn thành theo quy định… Tình trạng tàu cá tham gia hoạt động khai thác thủy sản chưa đảm bảo đủ điều kiện, không thông báo trước khi cập cảng, rời cảng, khai thác sai vùng, chất lượng nhật ký khai thác không đảm bảo vẫn tiếp tục diễn ra. Tình trạng tàu cá vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài vẫn xảy ra, diễn biến phức tạp.
Tại Hội nghị, các địa phương, bộ, ngành đã tập trung thảo luận những hạn chế, khó khăn trong chống khai thác IUU. Trên cơ sở đó, đề xuất các kiến nghị, giải pháp, nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác chống khai thác IUU. Như tại tỉnh Ninh Bình, vướng mắc nhất hiện nay của địa phương là phần lớn tàu cá đang khai thác hải sản có công suất, chiều dài nhỏ, chủ yếu hoạt động vùng lộng và vùng ven bờ, neo đậu tại các luồng lạch (do không có cảng cá) nên việc quản lý các tàu này còn gặp nhiều khó khăn. Trong khi, bộ máy Kiểm ngư mỏng, trang thiết bị, kinh phí phục vụ công tác tuần tra, kiểm soát trên biển còn hạn chế. Còn với Quảng Ngãi, hiện tỷ lệ tàu cá cấp giấy phép khai thác thủy sản và lắp đặt thiết bị VMS chưa đạt 100% theo yêu cầu; công tác phát hiện và xử lý tàu cá vi phạm còn hạn chế; cơ sở hạ tầng tại các cảng cá chưa đáp ứng yêu cầu về chống khai thác IUU.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang khẳng định, việc gỡ bỏ “thẻ vàng” của EC là rất quan trọng, bởi nó không chỉ tác động đến hoạt động xuất khẩu mà còn ảnh hưởng đến hình ảnh, vị thế của Việt Nam. Do vậy, Phó Thủ tướng đề nghị, thời gian tới, các Ban, Bộ, ngành trung ương và các địa phương phải hành động quyết liệt hơn, nêu cao tinh thần trách nhiệm hơn trong triển khai thực hiện các giải pháp chống khai thác IUU. Yêu cầu người đứng đầu các bộ, ngành trung ương có liên quan và 28 tỉnh, thành phố ven biển coi đây là nhiệm vụ ưu tiên, cấp bách cần tập trung nguồn lực tổ chức chỉ đạo thực hiện quyết liệt, sâu sát, hiệu quả hơn nữa, sớm gỡ cảnh báo “thẻ vàng” theo các nhóm khuyến nghị của EC trong lần làm việc thứ 3. Đồng thời, tập trung rà soát, chuẩn bị kỹ các nội dung làm việc khi Đoàn thanh tra của EC sang Việt Nam kiểm tra tình hình chống khai thác IUU lần thứ 4 vào tháng 10 tới đây; tổ chức các đoàn công tác kiểm tra, giám sát địa phương việc triển khai các quy định chống khai thác IUU để kịp thời đôn đốc, hướng dẫn.
Đợt làm việc với Đoàn thanh tra EC lần thứ 4 vào tháng 10/2023 là cơ hội để Việt Nam gỡ “thẻ vàng” cho thủy sản Việt Nam. Vì vậy, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành liên quan và địa phương ven biển tập trung công tác tuyên truyền, quản lý đội tàu và xử lý nghiêm các trường hợp tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài và vi phạm các quy định trong khai thác IUU; thực hiện truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác; kiểm soát nguyên liệu thủy sản khai thác bất hợp pháp nhập khẩu. Tới đây, Ban Chỉ đạo Quốc gia về chống khai thác IUU sẽ trực tiếp đi kiểm tra thực tế công tác thực hiện các biện pháp chống khai thác IUU tại một số địa phương ven biển.
Ngọc Anh