(TSVN) – Theo một báo cáo mới nhất từ Rabobank, các công ty thủy sản đang nhắm đến thị trường Trung Quốc cần thích nghi với sự phức tạp và các xu hướng tiêu dùng mới.
Trung Quốc là một thị trường thủy sản lớn, đầy tiềm năng. Gần đây, thị trường này đang có xu hướng dịch chuyển sang các sản phẩm giá trị cao như tôm, cá khai thác tự nhiên, và các loài ở vùng biển sâu, mặc dù nền kinh tế hậu Covid của quốc gia này có những bước đi chậm chạp và túi tiền của người dân cũng không “rủng rỉnh”.
Người dân Trung Quốc ngày càng ưa chuộng hải sản
Rabobank dự đoán thủy sản sẽ là sản phẩm protein động vật có tốc độ phát triển nhanh nhất Trung Quốc trong thập kỷ tới. Từ năm 2013 đến 2023, mức tiêu dùng thủy sản hàng năm tăng 4,4%, vượt qua thịt heo, gia cầm và trứng. Thậm chí tiêu dùng thịt bò cũng tăng chậm, chỉ tăng 3,2%/năm.
Sự dịch chuyển này phản ánh thu nhập và ý thức đối với sức khỏe ngày càng cao của 1,4 tỷ dân Trung Quốc, cũng như sự quan tâm về an toàn thực phẩm. Trung Quốc tiêu thụ khoảng 1/3 sản lượng thủy sản toàn cầu. Năm 2023, Trung Quốc chi 23 tỷ để nhập khẩu 4,67 triệu tấn thủy sản, trong đó 6 tỷ cho tôm. Đa số thủy sản nhập khẩu vào Trung Quốc là cá đông lạnh nguyên con, sau đó được chế biến và tái xuất khẩu dưới dạng phi lê sang châu Âu, Bắc Mỹ và Nhật Bản. Nhưng các số liệu cho thấy khối lượng tiêu thụ nội địa ngày càng tăng.
“Tôm là hạng mục có giá trị nhập khẩu cao nhất tại Trung Quốc, đã tăng 6 lần trong 13 năm qua. Chúng tôi hy vọng nhập khẩu thủy sản duy trì xu hướng tăng trưởng trong những năm tới, bất chấp kinh tế trì trệ”, chuyên gia phân tích Chenjun Pan của RaboResearch viết.
Khoảng 2/3 số lượng tôm nhập khẩu vào Trung Quốc là tôm nguyên con đông lạnh từ Ecuador. Ngoài ra các sản phẩm nằm trong top danh sách nhập khẩu bao gồm cua, tôm hùm và cá hồi Đại Tây Dương.
Ngoài ra, khi người Trung Quốc ngày càng trở nên “giàu có”, họ sẽ có xu hướng sử dụng các dịch vụ như dùng bữa ở bên ngoài thay vì nấu ăn ở nhà. Các nhà hàng hiện nay cũng đã có nhiều chương trình giảm giá mạnh để thu hút khách hàng.
Trước những thay đổi trong xu hướng tiêu dùng thủy sản của Trung Quốc, ông Pan cho rằng các công ty thủy sản cần chuẩn bị thiết lập quan hệ hợp tác với các nhà bán lẻ và nhà hàng để phân phối các sản phẩm bền vững, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng đối với dòng thực phẩm chế biến sẵn.
An Vy
Theo UCN