T7, 10/02/2024 07:58

Rabobank: Thủy sản toàn cầu vươn mình đón năm mới

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Theo dự đoán của các chuyên gia phân tích tại Rabobank, định chế tài chính hàng đầu thế giới, thị trường thủy sản toàn cầu sẽ có những bước chuyển mình, chào đón một năm mới trọn đầy niềm tin.

Rabobank khá lạc quan vào bức tranh thị trường thủy sản năm 2024. Ảnh: Shutterstock

Tôm

Theo khảo sát của Rabobank, sau khi giảm nhẹ khoảng 0,4% vào năm 2023, sản xuất tôm sẽ tăng trưởng khoảng 4,8% trong năm 2024, với tổng sản lượng vượt qua mức kỷ lục của năm 2022. 

Tuy vậy, Rabobank dự báo nhu cầu tiêu dùng của Trung Quốc chưa thể hồi phục trong năm tới; ngoài ra, El Nino sẽ đem theo những trận mưa kéo dài với tiềm ẩn lũ lụt phá hủy cơ sở hạ tầng và ảnh hưởng nguồn nước nuôi tôm tại Ecuador, khiến sức tăng trưởng của Ecuador sẽ chậm lại trong năm 2024, chỉ khoảng 7%.

Cũng theo các chuyên gia phân tích, lần đầu tiên sau 10 năm thịnh vượng, ngành tôm châu Á phải chịu những biến động có thể nói là “khủng hoảng” trong năm 2023. Nhưng bước qua 2024, khu vực này sẽ chứng kiến cú lội ngược dòng và hồi phục khoảng 4%. 

Sau khi giảm mạnh 12% trong năm 2023, Ấn Độ được dự báo sản xuất phục hồi 2%, người nuôi dần thu hẹp diện tích tôm thẻ chân trắng mà thay vào đó là tôm sú. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng của khu vực, sức sản xuất sẽ tăng khoảng 6% sau khi giảm 15% trong năm 2023. Tuy vậy, sản lượng tôm của châu Á hoặc Mỹ Latinh có tăng như dự báo hay không, vẫn phụ thuộc nhu cầu tiêu dùng của Mỹ và châu Âu, đồng thời giá tôm phục hồi mới có thể thúc đẩy người nông dân ngưng treo ao và thả nuôi trở lại.

Cá rô phi

Sau khoảng thời gian chững lại vào năm 2020, sản xuất cá rô phi toàn cầu đang dần phục hồi và được kỳ vọng đạt 7 triệu tấn vào năm 2024, tăng 5% so với năm 2023; trong đó Trung Quốc, Indonesia và Ai Cập sẽ trở thành những ông lớn, chiếm lĩnh 3/4 nguồn cung của thế giới. Trung Quốc được dự đoán tiếp tục là nhà sản xuất hàng đầu, tuy nhiên, tỷ lệ tăng trưởng có thể sẽ giảm do thị hiếu người tiêu dùng chuyển hướng sang các sản phẩm cao cấp hơn. Với lịch sử phát triển bền vững của ngành rô phi Trung Quốc, ông Gorjan Nikolik, chuyên gia phân tích cấp cao của Rabobank, cho rằng năm 2024 sản lượng rô phi nước này sẽ tăng 1,3%.

Mặt khác, Indonesia sẽ tiếp tục gia tăng diện tích sản xuất cá rô phi. Đã từng đạt mức tăng trưởng 10,4% trong quá khứ, Indonesia được kỳ vọng sẽ cung cấp cho thế giới khoảng 1,6 triệu tấn rô phi vào năm 2024. Sức tăng trưởng này có thể sẽ đưa Indonesia vào vị trí quan trọng trong sân chơi của ngành rô phi toàn cầu.

Mỹ Latinh hứa hẹn trở thành khu vực nuôi cá rô phi đáng chú ý, với tâm điểm là Brazil. Quốc gia này được dự đoán sẽ sản xuất 400.000 tấn rô phi trong năm 2024, sức tăng trưởng 8%. 

Ai Cập, cái nôi của ngành sản xuất cá rô phi, đang trong giai đoạn phục hồi sau một thời gian đầy khó khăn, hy vọng sẽ bứt phá tăng trưởng 5,2% trong năm tới và cung cấp 1,1 triệu tấn rô phi cho toàn cầu.

Cá tra

Các chuyên gia Rabobank khá lạc quan về thị trường cá tra trong năm 2024 và tin rằng sức tăng trưởng sẽ đạt khoảng 2,8%. Tuy nhiên, kèm theo dự đoán đó vẫn là điều kiện nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh và hàng tồn kho được giải phóng, đặc biệt ở Trung Quốc. Trong trường hợp khả quan, sản lượng cá tra toàn cầu có thể đạt 3,2 triệu tấn, Việt Nam tiếp tục là quốc gia sản xuất cá tra lớn nhất thế giới, chiếm 52% sản lượng toàn cầu. Ấn Độ được dự đoán tăng trưởng 5% với 695.100 tấn cá tra; Bangladesh khoảng 474.347 tấn; Indonesia 229.030 tấn; và Trung Quốc khoảng 400.000 tấn. 

Cá chẽm và cá tráp

Ngành cá chẽm và cá tráp được kỳ vọng sẽ thịnh vượng trong hai năm tới đây, theo đó năm 2024 sức tăng trưởng của ngành này sẽ đạt 3,9% và năm 2025 là 4,7%. Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục mở rộng diện tích nuôi và trở thành quốc gia lớn nhất sản xuất cá chẽm và cá tráp. Theo Rabobank, năm 2025 Thổ Nhĩ Kỳ tăng trưởng 6%, đạt hơn 250.000 tấn. Hy Lạp và Tây Ban Nha được cho là sẽ vươn lên sau hơn 10 năm “dậm chân tại chỗ” với ngành này. Cả hai quốc gia kỳ vọng tăng trưởng khoảng 3% trong năm 2024.

An Vy

(Theo Rabobank)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!