Rận biển xử lý nước thải, làm thức ăn cho cá bột

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Mới đây một nghiên cứu của Đan Mạch chứng minh loài rận biển Daphnia magna có khả năng làm giảm sự phì dưỡng trong hệ thống lọc tuần hoàn ở nuôi trồng thủy sản, đồng thời là nguồn thức ăn lý tưởng cho cá bột.

Một thực tế cho thấy chất dinh dưỡng dưa thừa trong phân bón sau khi sử dụng sẽ được thải ra môi trường nước. Nếu không được xử lý đúng đắn, đây sẽ trở thành nguồn thức ăn lý tưởng để vi tảo phát triển bùng bổ, và phát sinh các hoạt động phì dưỡng nguy hại.

Tuy hệ thống lọc tuần hoàn (RAS) ngày càng trở nên phổ biến trong nuôi trồng thủy sản nước ngọt và nước mặn, nhưng thật khó để loại bỏ các dinh dưỡng dư thừa ra khỏi nguồn nước trước khi quá trình tuần hoàn diễn ra.

Lo ngại về vấn đề này, một nhóm nghiên cứu gồm các chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau ở trường Đại học Kỹ thuật Đan Mạch đã sử dụng vi tảo để xử lý sinh học nước tái tuần hoàn trong RAS và thu hoạch những vi tảo này bằng phù du, nguồn thức ăn tươi thích hợp cho cá, cụ thể là cá bột.

Hệ thống quang sinh học xử lý nước thải bằng tảo. Nguồn: TFS

Cũng giống thực vật trên cạn, vi tảo dưới nước đòi hỏi dinh dưỡng như phốt pho và ni tơ để phát triển, 2 chất này có nhiều trong nước thải từ nuôi trồng thủy sản, được gọi là dinh dưỡng dư thừa. Tận dụng đặc điểm này, các nhà nghiên cứu đã sử dụng tảo Chlorella vulgaris và Scenedesmus dimorphis, sau đó thành công chiết xuất 100% phốt pho và 70% ni tơ từ nước tái tuần hoàn của RAS trong nuôi thủy sản nước ngọt.

Mặc dù sử dụng vi tảo để chiết xuất dinh dưỡng dư thừa từ các RAS không phải kỹ thuật mới lạ, nhưng cái khó nằm ở chỗ thu hoạch tảo sau khi chúng phát triển. Để xử lý vấn đề này, các nhà nghiên cứu đã khai thác hành vi tự nhiên của sinh vật phù du Daphnia magna (D.magna), một loài rận biển thường sinh sống quanh cộng đồng tảo nước ngọt. Như vậy sau khi rận biển hoàn thành nhiệm vụ “thu hoạch” tảo, toàn bộ phốt pho và ni tơ dư thừa đã được tiêu hóa hoàn toàn bởi loài phù du này.

Hình ảnh rận biển Daphnia magna dưới kính hiển vi. Ảnh: Shutterstock

“Trước đây chúng tôi sử dụng rây để thu hoạch tảo Daphnia nhưng công việc này đòi hỏi nhiều thời gian, công sức và nguồn lực”, Giáo sư Borja Valverde-Perez (tác giả liên lạc của bài nghiên cứu) cho biết. Không chỉ dừng lại ở đó, ông và đồng nghiệp đã chứng minh trong trường hợp này rận biển D.magna có thể trở thành nguồn thức ăn hợp lý thay thế bột cá, bởi sau khi hấp thu vi tảo, rận biển có hàm lượng protein bằng 30% trọng lượng khô, các chất béo, axit amin, lysince và methionine cao, phù hợp cho sự phát triển của cá bột. Nguồn thức ăn này không chỉ có tiềm năng thương mại rất lớn, giúp giảm chi phí trong nuôi trồng thủy sản, mà còn giảm áp lực đối với sản lượng cá tự nhiên – vốn là nguyên liệu chính để sản xuất bột cá sử dụng trong thức ăn công nghiệp.

Các nhà nghiên cứu thông tin thêm, trong tương lai có thể nghiên cứu cách thức thu hoạch tảo từ RAS nước ngọt bằng cách sử dụng giáp xác chân chèo thay thế rận biển D.magna.


>> Giáo sư Borja Valverde-Perez thuộc nhóm nghiên cứu ở Trường Đại học Kỹ thuật Đan Mạch:  "Tôi đảm bảo rận biển sẽ là thức ăn tự nhiên yêu thích của cá bột bởi vị ngon và khả năng dễ tiêu hóa. Ngoài ra khi cá bột bơi để kiếm mồi, chúng sẽ phát triển năng động và khỏe mạnh hơn".

 

 

 

An Vy

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!